Cần xác định trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân khi để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi các vụ cháy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

Cứu hàng nghìn người thoát nạn, bảo vệ hàng nghìn tỷ đồng tài sản

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Công tác phòng ngừa cháy, nổ, sự cố, tai nạn được tăng cường một bước. Xây dựng, nhận rộng được gần 4.000 mô hình điểm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ với phương châm “Bốn tại chỗ”. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức diễn tập, hiệp đồng giữa các lực lượng để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường, góp phần đưa việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đi vào nề nếp, thường xuyên, liên tục hơn...

 Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Ảnh: VGP

Lực lượng công an nói chung, trong đó chủ công là lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác cứu nạn, cứu hộ. 5 năm qua, đã điều động hơn 200.000 lượt cán bộ, chiến sĩ với hơn 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Qua đó, đã hạn chế được thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, cứu được gần 7.000 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người, bảo vệ được tài sản của Nhà nước và nhân dân ước tính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Huy động người dân, các tổ chức có liên quan, xây dựng 14.400 điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH.

Trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, với tinh thần xung phong không ngại hiểm nguy, luôn sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy; đã có 8 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH hy sinh và nhiều đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và CNCH. Đặc biệt, Thủ tướng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự xả thân, hy sinh, quên mình của lực lượng Công an nhân dân nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC, CNCH, nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kỷ luật khi để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC, CNCH, còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cần khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục thời gian tới.

Ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC có nơi, có lúc chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; còn nhiều trường hợp cố ý vi phạm quy định PCCC, CNCH.

Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm. Việc xử phạt vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC, CNCH chưa toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP, đến nay mới có 3 Bộ (Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp) và 40/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

“Điều này thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách PCCC, CNCH của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Thay mặt Chính phủ, tôi phê bình và yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, chấn chỉnh ngay việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Vụ cháy quán karaoke An Phú (Bình Dương) vừa qua gây bàng hoàng cho người dân. Số người thiệt mạng lên đến 32 nạn nhân. Ảnh: TTXVN

Vụ cháy quán karaoke An Phú (Bình Dương) vừa qua gây bàng hoàng cho người dân. Số người thiệt mạng lên đến 32 nạn nhân. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước không ít nơi bị buông lỏng, lỏng lẻo, các lực lượng chưa phối hợp chặt chẽ với nhau; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật PCCC chưa nghiêm, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, còn nhiều nơi làm hình thức, chiếu lệ, qua loa, chưa mang lại hiệu quả.

“Tôi lưu ý là nhiều vụ gây chết nhiều người xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke; tại Hà Nội, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra tại quận Cầu Giấy. Chúng ta phải suy nghĩ về các số liệu, mất mát nói trên, về những địa bàn, khu vực, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý. Khi các vụ cháy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, đầu tư cho PCCC còn khiêm tốn so với sự phát triển kinh tế - xã hội và so với những thiệt hại, mất mát do cháy nổ gây ra, nhất là mất mát về con người, tài sản và ảnh hưởng tới tinh thần của người dân. Hạ tầng PCCC nhìn chung chưa được đầu tư đúng tầm, chưa theo kịp sự phát triển và các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng phức tạp.

Công tác quy hoạch chưa coi trọng nhiệm vụ PCCC. Các cơ sở kinh doanh karaoke phần lớn được chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Việc chữa cháy tự động chưa phổ biến và chưa phát huy hiệu quả cao khi xảy ra cháy.

Những nguyên nhân trên khiến thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Trong 5 năm qua, các vụ cháy đã làm 440 người chết, hàng nghìn người bị thương, trên 60% xảy ra tại khu vực đô thị và 48,5% là do liên quan tới sử dụng điện.

“Nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng, gây tổn thương lớn, rất thương tâm, dư luận rất quan tâm và đau xót về con người, tinh thần, tình cảm, cơ sở vật chất. Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới, tư duy, phương pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát trong công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng con người”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đức Kiên

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/can-xac-dinh-trach-nhiem-hinh-su-to-chuc-ca-nhan-khi-de-xay-ra-nhieu-vu-chay-nghiem-trong-d6298.html