Cần xác định xem có những chính sách, ưu đãi gì để thu hút trí thức kiều bào?

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 6 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó trên 80% là tại các nước phát triển.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức, trong đó có trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh và vị thế quốc gia. Tại Mỹ, đội ngũ chuyên gia trí thức người Việt có những đóng góp ý nghĩa trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Là Đại sứ tại Mỹ - địa bàn có đông kiều bào nhất, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng các địa phương cần quan tâm nhiều hơn với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, một trong những nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước, đồng thời đề xuất 4 kiến nghị kiến nghị với các địa phương.

Đầu tiên, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, các tỉnh nên khuyến khích các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong phạm vi tỉnh tiến hành nghiên cứu để xây dựng kế hoạch, đề án, cụ thể là thu hút nguồn lực vào lĩnh vực gì, nhằm vào ai, mục tiêu là gì và mong muốn đạt được điều gì.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng (thứ tư từ trái sang) trong phiên thảo luận về đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương tại Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng (thứ tư từ trái sang) trong phiên thảo luận về đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương tại Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21

“Chúng ta cần xác định xem có những chính sách, ưu đãi gì để thu hút trí thức kiều bào. Những thông tin cụ thể này, nếu chia sẻ với các cơ quan đại diện chúng tôi thì sẽ rất bổ ích, góp phần đưa ra định hướng tốt hơn để phục vụ yêu cầu của tỉnh nhà”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nói.

Thứ hai là sự kết nối. Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, điều quan trọng để kết nối được là các địa phương phải từng bước nắm được số lượng tri thức, doanh nhân kiều bào. Đặc biệt, địa phương nào cũng có kiều bào ra đi từ địa phương của mình. Các kiều bào khi nghĩ về đầu tư trong nước, việc đầu tiên là nghĩ đến quê hương, địa phương của mình.

“Thứ ba, theo tôi cần có một cơ chế để tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý, áp dụng như thế nào cho hiệu quả những ý kiến đóng góp của kiều bào. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhận định.

Ông chia sẻ: “Khi đi công tác, tôi gặp rất nhiều trí thức tài giỏi của chúng ta. Họ đều bày tỏ mong muốn đóng góp cho đất nước. Khi nêu ý tưởng lập thành một mạng lưới kết nối, họ rất hoan nghênh. Nhưng tôi cũng băn khoăn rằng, lập ra thì dễ nhưng lập xong rồi tổ chức thế nào, sinh hoạt ra sao, làm sao để hoạt động có hiệu quả. Nhiều người than phiền rằng họ được mời dự hội thảo, tham gia các hoạt động, đưa ý kiến nhưng sau đó lại không nhận được phản hồi về những đề xuất của mình”.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng

Kiến nghị cuối cùng của Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng là các tỉnh nên chọn lựa ra một số kiều bào có năng lực, trình độ, phẩm chất để ủy quyền làm một số việc cụ thể. Điều này đã được một số tỉnh thực hiện và các kiều bào được giao nhiệm vụ đều hoạt động rất nhiệt tình.

Về việc phát huy nguồn lực kiều bào, ông Phạm Việt Hùng thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá, đây là nguồn lực hết sức to lớn mà chúng ta cần quan tâm. Theo đó, tất cả bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến 6 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là tại các nước phát triển. Ông Phạm Việt Hùng cho biết, riêng kiều hối gửi về nước từ năm 1993 đến nay đã thu hút gần 200 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Riêng 9 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối chuyển về nước mà Ngân hàng Nhà nước cập nhật mới nhất là hơn 11,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Thứ hai, với phương châm lấy địa phương làm trung tâm hỗ trợ, Ủy ban người Việt cùng với các đại sứ quán, cơ quan đại diện sẵn sàng đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp trong công tác kết nối các nguồn lực tri thức, doanh nhân kiều bào ta ở nước ngoài.

Một điểm nữa trong công tác này là thời gian qua, Ủy ban người Việt đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức rất nhiều sự kiện kết nối. Sắp tới đây, từ ngày 26 - 28/12, Ủy ban người Việt phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức hội nghị phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài với địa phương doanh nghiệp.

Ủy ban cũng đã và đang chuẩn bị trình 4 đề án liên quan đến công tác đại đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, tôn vinh tiếng Việt, phát huy nguồn lực và vấn đề cơ sở dữ liệu.

Hoàng Kiều Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/can-xac-dinh-xem-co-nhung-chinh-sach-uu-dai-gi-de-thu-hut-tri-thuc-kieu-bao-post1066305.vov