Cần xây dựng quy hoạch chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu
Theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, tỉnh Quảng Trị có 294.770 ha rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích đất có rừng 253.465 ha, độ che phủ rừng 50,1%. Diện tích rừng trồng hiện có phục vụ nguyên liệu chế biến gỗ 86.031 ha; năng suất đạt 90-100m3 /ha/chu kì, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước năm 2010. Hằng năm, diện tích rừng trồng đưa vào khai thác khoảng 8.000 ha đến 10.000 ha, sản lượng gỗ khai thác trên 850.000 m3 /năm. Diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh được cấp chứng chỉ rừng FSC 22.158 ha, là tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình quản lí rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng doanh nghiệp và hộ gia đình, làm tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Với lợi thế về tiềm năng đất đai, vùng nguyên liệu tập trung, đạt tiêu chuẩn để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng phát triển khá phong phú. Toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động chế biến gỗ, trong đó có 2 nhà máy sản xuất ván gỗ MDF; 16 nhà máy sản xuất ván ghép thanh; 14 nhà máy sản xuất dăm gỗ; 10 nhà máy sản xuất viên nén và trên 50 nhà máy, cơ sở chế biến gỗ xẻ quy cách, chế biến gỗ rừng trồng, mộc mĩ nghệ và cưa xẻ gỗ. Các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, gỗ dăm hầu hết thuê đất trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế tỉnh, các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Một số nhà máy đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ MDF, gỗ ván ghép thanh, viên nén năng lượng, mộc mĩ nghệ gia dụng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đưa Quảng Trị vào nhóm đứng đầu của cả nước về sản xuất gỗ MDF, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp, tăng thu ngân sách. Năm 2018 có 34 doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ nộp 96,6 tỉ đồng tiền thuế, đồng thời góp phần chủ đạo trong thúc đẩy giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, gia tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ mới có 63 dự án được cấp phép đầu tư, 62 dự án được lập thủ tục cho thuê đất, 3 dự án được cấp phép xây dựng, còn lại chưa thực hiện đầy đủ và đồng bộ về hồ sơ pháp lí như giấy phép đầu tư, hồ sơ thuê đất, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ phát triển tự phát, thuê đất, mua đất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, không có liên kết với vùng nguyên liệu, công suất lớn, cần nguyên liệu gỗ rừng trồng 1,4 triệu m3 /năm, nhưng khả năng trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp khoảng 850.000 m3 /năm, từ đây làm nảy sinh các vấn đề tác động đến xã hội, môi trường như tranh mua, tranh bán, mua gỗ non chưa đến tuổi khai thác, ảnh hưởng đến độ che phủ rừng, chính sách trồng rừng gỗ lớn, thâm canh tập trung không thực hiện được; sử dụng nguyên liệu rất lãng phí, 70 % nguyên liệu cho chế biến gỗ băm dăm xuất thô; không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu, ít tốn nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trốn thuế, chỉ có 1/3 số cơ sở có đóng thuế; làm hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng giao thông. Hiện nay thị trường xuất khẩu gỗ dăm bị chững lại do chính sách thương mại thế giới thay đổi, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng.
Nước ta đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu, là cơ hội để tăng xuất khẩu, trong đó có ngành hàng gỗ. Đã đến lúc nông dân, doanh nghiệp cần phải thực sự chủ động, đổi mới trong mô hình sản xuất và cả trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể của chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như có cách tiếp cận bài bản vào các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng. Các hiệp định không chỉ dừng lại ở các hàng rào thuế quan đã được cắt giảm, mà phụ thuộc chính năng lực cạnh tranh, khả năng sản xuất gắn với quy mô và hình thức sản xuất mới để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của hàng rào kĩ thuật. Vì vậy, cần xây dựng quy hoạch chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu. Quy hoạch ngành chế biến gỗ theo hướng ưu tiên chế biến sâu, sản xuất hàng hóa xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu thông qua liên kết sản xuất với nông dân và các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh theo hướng chế biến sâu thành các sản phẩm ván ghép thanh, ván dán, ván mỏng, ván sợi, viên nén năng lượng, bao bì, bột giấy, các sản phẩm gỗ xuất khẩu, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, tiến tới không xuất khẩu dăm gỗ. Quản lí chặt chẽ việc khai thác rừng trồng nguyên liệu, duy trì và phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140658