Cần xem xét mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp. Tán thành việc cần thiết sửa đổi luật, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các nhóm chính sách đề xuất cần phải bao trùm đầy đủ, toàn diện và giải quyết được một cách căn cơ, triệt để các vấn đề vướng mắc đã được chỉ ra.

Sửa để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia

Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT bên cạnh những kết quả đạt được, đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Đó là một số dịch vụ khám chữa bệnh như quản lý sức khỏe, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, khám sức khỏe định kỳ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản... được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; quy định loại trừ điều trị tật khúc xạ cho trẻ từ 6 đến 18 tuổi không phù hợp, vì đây là đối tượng chính đủ điều kiện can thiệp so với trẻ dưới 6 tuổi.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ. Ảnh minh họa

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, mức đóng và việc giảm trừ mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia BHYT chưa thực sự công bằng so với các nhóm đối tượng khác, trong đó có học sinh, sinh viên.

Thời gian vừa qua, có thực trạng một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế dẫn đến thiếu thuốc, thiết bị y tế để sử dụng cho người bệnh. Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh đối với một số bệnh.

Trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến. Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc tương đương của tuyến trên, từ đó làm hạn chế đến quyền lợi của người tham gia BHYT và phát sinh thủ tục chuyển tuyến không cần thiết...

Xác định sửa đổi Luật BHYT là cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp. Dự án Luật được sửa đổi với 4 nhóm chính sách, bao gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Trong Dự thảo Luật, Bộ Y tế đề nghị mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm a, c, d khoản 1 Điều 12 của Luật BHYT tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Tương tự, mức đóng BHYT cũng bằng 6% lương cơ sở, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp... với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Trường hợp đối tượng là thành viên hộ gia đình cùng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính thì được giảm trừ. Cụ thể, người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất...

Đồng thời, Dự thảo Luật cũng điều chỉnh các chính sách liên quan đến tỷ lệ hưởng BHYT, các quy định về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin...

Mở rộng quyền lợi BHYT trong lĩnh vực y tế dự phòng

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định dự án Luật này. Tại phiên họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho rằng, các nội dung được đề xuất sửa đổi khá rộng. Vì vậy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đánh giá tác động một cách đầy đủ, thận trọng để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT.

Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Học sinh, sinh viên; Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ; Nhân viên y tế thôn bản trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 12.

(Theo Điều 12 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT)

Luật BHYT hiện hành còn thiếu các quy định về nguyên tắc, cách thức, điều kiện thực hiện, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và BHYT… Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện, thay đổi nội hàm công tác giám định; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này.

Còn tại Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng, đối với một số đối tượng dự kiến bổ sung vào nhóm tham gia theo hộ gia đình, như người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật... thì chưa làm rõ được lý do bổ sung, chưa đánh giá tác động đầy đủ, nhất là điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm để người lao động tham gia BHYT bắt buộc được chuyển sang tham gia BHYT tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục duy trì quyền lợi BHYT của người lao động. Đồng thời, cần nghiên cứu vấn đề mở rộng quyền lợi BHYT trong lĩnh vực y tế dự phòng, sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc thù và giao Chính phủ quy định chi tiết...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, việc mở rộng một số chính sách trong dự án Luật là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền của người tham gia BHYT. Tuy nhiên cần lưu ý, khi mở rộng cần làm rõ lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát kỹ các nội dung về sử dụng quỹ BHYT, thực hiện đánh giá tác động kỹ lưỡng để đề xuất giải pháp phù hợp, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết thi hành Luật BHYT thời gian qua...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-xem-xet-mo-rong-quyen-loi-bao-hiem-y-te-177669.html