Canada 'ấp ủ' cách tiếp cận mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Canada kỳ vọng cách tiếp cận mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ góp phần giải quyết bài toán Trung Quốc, tối đa hóa lợi ích của nước này trong khu vực.

Bài toán Trung Quốc được cho là một trọng tâm lớn trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada. (Nguồn: Istock)

Bài toán Trung Quốc được cho là một trọng tâm lớn trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada. (Nguồn: Istock)

Thay đổi trong bối cảnh mới

Trước hết, tên gọi của chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thay vì chỉ tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy Ottawa có thể thay đổi cách tiếp cận với châu Á và các quốc gia ven Ấn Độ Dương như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.

Ông Jonathan Fried, cựu Đại sứ của Canada tại Nhật Bản và Tổ chức Thương mại thế giới, đang đứng đầu một ban thư ký đặc biệt chịu trách nhiệm về chiến lược này tại Bộ các vấn đề toàn cầu (GAC). Những tháng gần đây, ông Fried đã tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tỉnh, giới học thuật và các chuyên gia về Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương để xây dựng kế hoạch toàn diện.

Với Ottawa, quan hệ với Bắc Kinh hẳn là một bài toán khó. Cách tiếp cận mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (ADD-TBD) của Canada được xây dựng trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất trong 50 năm trở lại đây.

Với người dân Canada, cách Bắc Kinh phản ứng với vụ Ottawa bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu vẫn còn vẹn nguyên ký ức: Bắc Kinh đã bắt giam hai công dân Canada trong hơn 1.000 ngày và áp đặt nhiều hạn chế thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Ottawa.

Cùng chung chí hướng

Tuy nhiên, để kiểm soát thách thức đến từ Bắc Kinh, một mình Canada là không đủ.

Do đó, chiến lược trên tập trung mở rộng quan hệ thương mại giữa Canada với các nước Đông Nam Á, nổi bật là Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Đây là các quốc gia có tầng lớp trung lưu đang phát triển, cùng quan ngại về Trung Quốc và tự do hàng hải trên Biển Đông, nơi có nhiều tuyến giao thương quốc tế lớn.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ mở rộng, kết nối đối tác tiềm năng của Canada và đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và thậm chí xa hơn để cùng nhau kiềm chế ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc.

Không chỉ có thế, toàn bộ khu vực Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là mục tiêu quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc. Trong khuôn khổ sáng kiến này, Bắc Kinh đang triển khai xây dựng các tuyến đường sắt, cảng và hệ thống đường ống dẫn năng lượng, qua đó tăng cường vị thế của Trung Quốc và mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế-chính trị từ châu Á sang châu Phi.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ mở rộng, kết nối đối tác tiềm năng của Canada và đồng minh ở chỉ châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và thậm chí xa hơn để cùng nhau kiềm chế ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc.

Giống như quan ngại của các láng giềng Trung Quốc về câu chuyện quân sự hóa Biển Đông, nhóm nước Ấn Độ Dương cũng có lo âu của riêng mình khi thấy Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động trong khu vực, từ căn cứ quân sự ở Djibouti, cảng Gwadar ở Pakistan tới cảng Hambantota ở Sri Lanka.

Phó giáo sư Stephen Nagy thuộc Đại học International Christian (Nhật Bản) cho rằng Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Australia và những nước khác lo ngại rằng Trung Quốc sẽ định hình lại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn để phản ánh ưu tiên của mình.

Trong bối cảnh đó, Mỹ, Anh và Australia đang kêu gọi phương Tây có chiến lược chung để đáp trả Trung Quốc bằng biện pháp trừng phạt thương mại và ngoại giao con tin. Đồng thời, các nước này tiếp tục gây áp lực cho Bắc Kinh trong nhiều vấn đề khác, dù là tình hình Tân Cương, Hong Kong (Trung Quốc) hay tại eo biển Đài Loan.

Cách tiếp cận tích hợp

Mới đây, tân Đại sứ Mỹ tại Canada David Cohen cho biết nước này đang “chờ Canada đưa ra khuôn khổ cho chính sách chung về Trung Quốc”. Ông sẽ góp phần đảm bảo rằng chính sách của Ottawa phản ánh tuyên bố về cách đối xử với Bắc Kinh.

Trong khi đó, bà Syrine Khoury, thư ký báo chí của Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly, cho biết Ottawa muốn “cách tiếp cận tích hợp mới đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đa dạng hóa sự tham gia của Canada và làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác ngoại giao, kinh tế, an ninh và phát triển bền vững”. Bên cạnh đó, một phần của chiến lược sẽ hướng tới “ủng hộ các giá trị dân chủ và nhân quyền trong khu vực”.

Guy Saint-Jacques, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết tên gọi “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có thể là cách Ottawa nhắn nhủ với Washington rằng “chúng tôi đồng hành cùng bạn”.

Ông nhấn mạnh trung tâm của bất kỳ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nào vẫn phải là Trung Quốc, đặc biệt là sau khi vụ hai công dân nước này bị Bắc Kinh tạm giữ. Theo đó, về thuơng mại Canada vẫn làm ăn với Trung Quốc song đồng thời, nước này sẽ cố gắng đa dạng hóa thương mại với các nước châu Á-Thái Bình Dương khác.

Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cho rằng Canada cần đẩy mạnh đa dạng hóa thương mại với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. (Nguồn Canadian Press)

Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cho rằng Canada cần đẩy mạnh đa dạng hóa thương mại với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. (Nguồn Canadian Press)

Trong khi đó, ông Goldy Hyder, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada đánh giá chiến lược mới là “cực kỳ quan trọng” và đang được các công ty Canada thúc đẩy.

Theo ông, Canada cần tích cực tận dụng lợi thế là thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Hyder lưu ý rằng Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản phần lớn đứng về phía Washington trong đối đầu với Trung Quốc, đồng thời vẫn duy trì hợp tác kinh tế và thương mại với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Hội đồng Chính sách quốc tế (Canada) cho rằng Canada cần “giảm bớt tầm quan trọng của Trung Quốc trong hoạch định chính sách đối ngoại”.

Trung Quốc chỉ là điểm đến của khoảng 4-5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Canada, xếp sau Mỹ và Anh về đầu tư trực tiếp nước ngoài ở “xứ sở lá phong”. Hầu hết các hoạt động thương mại trong quan hệ song phương đến từ việc người Canada mua hàng của hãng chế tạo Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, ông Berkshire Miller nhấn mạnh, đã đến lúc Canada cần phải đa dạng hóa cách tiếp cận ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thay vì dành sự chú ý đặc biệt tới Trung Quốc. Ông khẳng định rằng nhiều thị trường khác ở châu Á sẽ mang lại cho Canada mối quan hệ thương mại ổn định hơn so với Trung Quốc, quốc gia đã chặn nhập khẩu thịt lợn và thịt bò để trả đũa việc CFO của Huawei bị bắt tại Vancouver.

(theo Globe and Mail)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canada-ap-u-cach-tiep-can-moi-ve-an-do-duong-thai-binh-duong-164410.html