Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải: NATO tuyên bố đàm phán, Hy Lạp lập tức phủ nhận, Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho Pháp
Ngày 3/9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, hai nước đồng minh NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí đàm phán nhằm tránh các vụ đụng độ bất ngờ tại khu vực Đông Địa Trung Hải.
Tuyên bố của Tổng thư ký Jens Stoltenberg nêu rõ: "Sau khi tôi thảo luận với các nhà lãnh đạo Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh đã nhất trí tham gia cuộc đàm phán kỹ thuật tại NATO, thiết lập các cơ chế giảm xung đột quân sự nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra va chạm và sự cố tại Đông Địa Trung Hải".
Tuy nhiên, tối cùng ngày, Hy Lạp phủ nhận việc Athens nhất trí tham gia cuộc đàm phán này. Bộ Ngoại giao Hy Lạp tuyên bố: "Những thông tin được công bố nói rằng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tổ chức cái gọi là 'đàm phán kỹ thuật' về giảm leo thang căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải không đúng với thực tế".
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 3/9, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, nước này đang theo đuổi các quyền và lợi ích của mình ở Đông Địa Trung Hải, đồng thời cáo buộc Pháp gây căng thẳng trong khu vực.
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Trung tâm tác chiến không quân liên hợp ở thành phố Eskisehir, Bộ trưởng Akar cho rằng, Hy Lạp và Pháp, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), đã đưa ra "những tuyên bố phi logic". Ông nhấn mạnh, Ankara vẫn kêu gọi đối thoại, cho dù việc chính phủ Hy Lạp "quân sự hóa" các đảo Aegean là vi phạm luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Akar chỉ trích Pháp can thiệp vào Đông Địa Trung Hải, nơi diễn ra tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về quyền khai thác các mỏ dầu khí. Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động tàu khảo sát địa chấn, với sự hộ tống của các tàu chiến, đến Đông Địa Trung Hải sau khi Hy Lạp và Ai Cập ký thỏa thuận biên giới hàng hải cho khu vực.
Hy Lạp đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rút tàu khỏi khu vực, đồng thời triển khai tàu chiến để giám sát hoạt động của tàu khảo sát. Pháp chỉ trích lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ và gửi quân tăng viện đến Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Hy Lạp.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng thống Tayyip Erdogan đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/9, trong đó ông nói rằng, sự ủng hộ của một số nước đối với "lập trường ích kỷ và không công bằng" của Hy Lạp tại Đông Địa Trung Hải là không thể chấp nhận được.
(theo Reuters, AFP)