Căng thẳng ở Trung Đông: Lãnh đạo 9 nước EU ở Địa Trung Hải kêu gọi ngừng bắn

Các nhà lãnh đạo của 9 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ở Địa Trung Hải, được gọi là MED9, ngày 11/10 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Trung Đông và thúc giục nối lại những nỗ lực ngoại giao để giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh MED9 ở Paphos, Cộng hòa Cyprus, ngày 11/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà lãnh đạo tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh MED9 ở Paphos, Cộng hòa Cyprus, ngày 11/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh MED9 lần thứ 11 tại TP Paphos, Cộng hòa Cyprus, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng “tình hình đang diễn ra ở Trung Đông vô cùng đáng báo động”, đòi hỏi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” và nhanh chóng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Libăng.

MED9 kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tham gia vào các nỗ lực hòa giải để xoa dịu căng thẳng. Nhóm này cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với tất cả các nghị quyết của LHQ liên quan đến Trung Đông và cam kết hợp tác để tác động đến các chính sách rộng hơn của EU về các vấn đề của khu vực.

Tuyên bố cho biết thêm trong bối cảnh tình hình leo thang ở Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine và áp lực chính trị, kinh tế và xã hội dai dẳng, định dạng hợp tác khu vực MED9 cho thấy tính hiệu quả để định hình các phản ứng của châu Âu đối với những thách thức chung.

Chủ tịch nhóm MED9 là Cộng hòa Cyprus đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của Pháp, Hy Lạp, Ý, Croatia, Malta, Slovenia và Tây Ban Nha, trong khi Bồ Đào Nha cử đại diện là ngoại trưởng tham gia. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng tham dự sự kiện.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh MED9 , Quốc vương Jordan Abdullah II đã tiến hành một loạt cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo châu Âu, nhằm thảo luận về những nỗ lực giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông.

Ông Abdullah đã gặp Tổng thống Cộng hòa Cypru Nikos Christodoulides, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Slovenia Robert Golob và Thủ tướng Malta Robert Abela.

Theo hãng thông tấn Jordan (JNA), các cuộc thảo luận tập trung vào tình hình bạo lực leo thang ở Dải Gaza và Libăng, trong đó Quốc vương Jordan thúc giục tăng cường nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và chấm dứt xung đột. Ông cũng nhấn mạnh phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở cho Dải Gaza.

Quốc vương Abdullah cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng của những người định cư cực đoan ở Bờ Tây và các hành vi vi phạm những địa điểm tôn giáo ở Jerusalem, đồng thời cảnh báo rằng khu vực này sẽ vẫn chìm trong bạo lực trừ khi một giải pháp chính trị khả thi, dựa trên khuôn khổ hai nhà nước được áp dụng.

Ngoài tình hình khu vực, các cuộc gặp còn đề cập đến việc tăng cường và mở rộng hợp tác giữa Jordan và EU. Thái tử Hussein bin Abdullah, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Jordan Ayman Safadi và các quan chức chủ chốt khác cũng tham dự các cuộc thảo luận của Quốc vương Abdullah với lãnh đạo cấp cao của các nước châu Âu.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty và người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot ngày 11/10 đã thảo luận về tình hình tại Libăng và Dải Gaza trong một cuộc điện đàm.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết cuộc thảo luận giữa hai Ngoại trưởng là một phần trong khuôn khổ các cuộc tham vấn đang diễn ra giữa Cairo và Paris về những diễn biến nguy hiểm trong khu vực.

Hai Ngoại trưởng cũng đề cập đến hậu quả của các cuộc xung đột đối với an ninh và sự ổn định của khu vực, cũng như các biện pháp để kiềm chế tình hình leo thang.

Ông Abdelatty nhấn mạnh rằng sự leo thang vô lý của quân đội Israel tại Libăng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là sau cuộc tấn công vào các địa điểm và thiết bị của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Libăng (UNIFIL) ở miền Nam Libăng hôm 10/10.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập kêu gọi quân đội Israel cam kết đảm bảo an toàn và an ninh cho nhân viên cũng như tài sản của LHQ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Libăng và Dải Gaza.

Ông cũng kêu gọi cung cấp cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và viện trợ cho Libăng và Gaza. Bộ trưởng Abdelatty đánh giá cao sự ủng hộ của Pháp đối với quyền của người Palestine và việc thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền theo giải pháp hai nhà nước.

Cũng trong ngày 11/10, Thủ tướng Libăng Najib Mikati đã hối thúc LHQ (LHQ) thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và lực lượng Hezbollah ngừng bắn ngay lập tức. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Mikati cho biết Bộ Ngoại giao Libăng sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ ban hành nghị quyết kêu gọi "ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức".

Ông Mikati khẳng định cam kết của Chính phủ Libăng tuân thủ Nghị quyết 1701, được thông qua vào năm 2006, nhằm hỗ trợ quân đội Libăng giữ cho khu vực biên giới phía Nam với Israel không có vũ khí hoặc không có lực lượng vũ trang nào khác ngoài lực lượng của Chính phủ Libăng.

Ông cũng cho biết Hezbollah đã đồng ý triển khai binh sĩ ở biên giới với Israel như một phần của lệnh ngừng bắn. Theo một nguồn thạo tin, Hezbollah đã thông báo với Chính phủ Libăng rằng lực lượng này chấp nhận lệnh ngừng bắn với Israel vào ngày 27/9, cùng ngày thủ lĩnh Hassan Nasrallah của họ thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel.

Hezbollah trước đó tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận ngừng bắn nếu cũng có lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Hiện Hezbollah đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài ở miền Nam Libăng sau khi hứng chịu tổn thất nặng nề từ các cuộc không kích của Israel.

Lực lượng này đã chỉ định một chỉ huy quân sự mới để phối hợp tiến hành các cuộc tấn công rocket và hoạt động trên bộ để có thể phản ứng hiệu quả bất chấp sự gián đoạn do các cuộc tấn công của Israel gây ra.

Theo giới phân tích, mặc dù Hezbollah đã chịu nhiều tổn thất, nhưng lực lượng này vẫn sở hữu một kho vũ khí đáng kể. Chiến lược của Hezbollah là sử dụng các loại vũ khí tối tân nhất cho một cuộc xung đột kéo dài có thể xảy ra.

Trong diễn biến khác, lực lượng Hezbollah của Libăng ngày 11/10 đã kêu gọi người dân Israel tránh xa các địa điểm của quân đội Israel tại các khu dân cư ở phía Bắc đất nước. Tuyên bố bằng tiếng Aran và tiếng Hebrew của nhóm này chỉ rõ người dân Israel không nên đến gần các cuộc tụ họp quân sự này để bảo toàn tính mạng.

Trước đó cùng ngày, Quân đội Israel (IDF) cho biết còi báo động đã vang lên ở một số khu vực miền Trung nước này do có sự xâm nhập của thiết bị bay không người lái, đồng thời tuyên bố rằng đang xem xét tình hình một cách chi tiết.

Quân đội Israel cũng cho biết hơn 20 quả rocket đã được bắn vào miền Bắc Israel liên tục trong một giờ. Nhiều rocket đã bị đánh chặn và một số rơi xuống khu vực trống trải.

Sau gần một năm giao tranh xuyên biên giới, Israel đã tăng cường các cuộc không kích vào những nơi mà họ cho là các vị trí ẩn náu của nhóm chiến binh Hezbollah ở Libăng kể từ ngày 23/9.

Diễn biến leo thang này đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 người và khiến khoảng một triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hezbollah nhiều lần tuyên bố họ đã bắn tên lửa vào các khu vực ở phía Bắc Israel.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/321683/cang-thang-o-trung-dong--lanh-dao-9-nuoc-eu-o-dia-trung-hai-keu-goi-ngung-ban.html