Căng thẳng thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc leo thang

Trong khi những bất đồng xoay quanh quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa kết thúc thì gần đây, những căng thẳng mới phát sinh trong quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia láng giềng khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc lại đang làm dấy lên những lo ngại mới về một cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu gia tăng khi Nhật Bản thông báo rằng từ 4/7, nước này sẽ hạn chế xuất khẩu 3 loại vật chất được sử dụng để sản xuất con chip và màn hình cho điện thoại thông minh của các hãng Hàn Quốc.

Động thái hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đã ngay lập tức tác động đến các hãng công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix, vốn phụ thuộc vào các nhà cung cấp Nhật Bản về một số loại vật chất để sản xuất các linh kiện điện tử. Các hãng này sản xuất con chip và màn hình rồi sau đó bán lại cho Apple để sản xuất điện thoại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện nay, Nhật Bản kiểm soát từ 70% đến 90% nguồn cung những vật liệu này trên toàn thế giới khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay thế.

Theo các nhà phân tích, chuỗi cung ứng phức tạp liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm công nghệ thông dụng khiến các căng thẳng thương mại gia tăng giữa 2 láng giềng ở Đông Á có thể dẫn đến việc tăng giá các loại sản phẩm trên quy mô toàn cầu. Bằng chứng là chỉ trong vòng 1 tuần sau khi quyết định của Nhật Bản có hiệu lực, giá của chip RAM trong các thiết bị điện tử đã tăng 12%.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc, quyết định hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với Hàn Quốc không chỉ tạo ra tác động tiêu cực đến các công ty sản xuất thiết bị điện tử tại Hàn Quốc, mà sẽ còn tạo ra tác động dây chuyền, lan tới các quốc gia khác. Hiện tại, rất nhiều các nền kinh tế đang phát triển đang nằm trong chuỗi toàn cầu trong việc cung ứng và sản xuất các thiết bị điện tử. Việc gián đoạn trong một khâu cung ứng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả dây chuyền sản xuất, từ đó có thể dẫn tới việc suy giảm xuất khẩu, đặc biệt là ở các nhóm hàng điện tử, điện thoại,…

Tiếp đó, căng thẳng có sự leo thang thêm một bước khi vào ngày 2/8, Nội các Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã phê chuẩn các kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Quyết định trên sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần tới và đây là lần đầu tiên Nhật Bản loại một quốc gia từng được chỉ định vào "Danh sách trắng".

Việc loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” đồng nghĩa với việc Seoul sẽ bị tước bỏ đặc quyền tiếp cận hàng hóa của Tokyo mà không phải trải qua các quy trình thủ tục rườm rà. Theo quyết định trên, trong thời gian tới, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với từng đơn hàng một. Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định với các đơn hàng xuất khẩu.

Hiện "Danh sách trắng" có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp… Đối với những quốc gia nằm trong danh sách, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào "Danh sách trắng" từ năm 2004.

Phản ứng với những động thái trên từ phía Nhật Bản, ngày 4/8 Hàn Quốc cho biết nước này sẽ dành hơn 1.000 tỷ won (833 triệu USD) trong ngân sách của năm tới để đối phó với các biện pháp hạn chế kinh tế đơn phương của Nhật Bản.

Theo đó, Seoul nhất trí thành lập một ủy ban do chính phủ đứng đầu nhằm tập trung vào việc thúc đẩy các ngành nguyên, vật liệu, phụ tùng và thiết bị. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc và đảng cầm quyền nước này cũng sẽ nâng cấp các luật và quy định hiện hành để đáp ứng nhu cầu từ các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu trong nước.

Với việc thực hiện kế hoạch này, khoảng 100 doanh nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ toàn phần về mặt tài chính và hành chính để trở thành các công ty toàn cầu, trong khi chính phủ sẽ gia tăng trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu các mặt hàng, nguyên, vật liệu chiến lược chủ chốt.

Không những thế, tại Hàn Quốc còn đang xảy ra tình trạng tẩy chay đối với hàng hóa Nhật Bản. Hậu quả là hàng loạt thương hiệu nổi tiếng của xứ Hoa anh đào như Sony, Canon, Toyota, Uniqlo... đã bắt đầu chịu tổn thất do sự đình trệ kinh doanh tại thị trường Hàn Quốc.

Tình trạng căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã khiến dư luận quốc tế lo ngại. Mỹ đang cố gắng tìm cách xoa dịu hai đồng minh ở Đông Bắc Á. Một quan chức cấp cao tại Washington tiết lộ Chính phủ Mỹ đã kêu gọi hai nước đạt một thỏa thuận không leo thang căng thẳng để có thời gian đàm phán.

Minh Đức

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cang-thang-thuong-mai-nhat-ban-han-quoc-leo-thang-90841.html