Cảnh báo an toàn cho trẻ ở hồ bơi

Không chỉ tắm sông, suối, ao, hồ trẻ mới có nguy cơ bị đuối nước, đã có một số trường hợp trẻ tử vong ngay trong những hồ bơi đạt chuẩn theo quy định. Một trong những nguyên nhân chính là do trẻ đi lạc từ hồ bơi trẻ em sang hồ bơi người lớn, nếu thiếu sự quan sát của người lớn, nguy cơ đuối nước rất cao.

Dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Trong ảnh: Trẻ học bơi tại một hồ bơi ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Phương Liễu

Dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Trong ảnh: Trẻ học bơi tại một hồ bơi ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Phương Liễu

* Tiềm ẩn nguy cơ đuối nước tại hồ bơi

Hơn chục ngày qua, vụ việc 2 bé Đ.T.N.L. (11 tuổi) và Đ.Đ.H. (9 tuổi), là 2 chị em ruột cùng ngụ TP.Biên Hòa tử vong do đuối nước khi tắm tại Khu du lịch sinh thái Ngọc Hoa Trang (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) vào ngày 29-1 (nhằm ngày mùng 5 Tết) khiến nhiều người không khỏi lo lắng về nguy cơ mất an toàn ở các hồ bơi.

Ông Lưu Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết, hồ bơi trong Khu du lịch sinh thái Ngọc Hoa Trang là một trong những hồ bơi được đánh giá là lớn nhất TP.Biên Hòa, đầu tư hoành tráng với cơ sở vật chất quy mô, chất lượng nguồn nước được kiểm soát, số lượng nhân viên cứu hộ nhiều gấp 4 lần so quy định và đều là những nhân viên đã được tập huấn về cứu hộ, sơ cấp cứu...

Hiện cơ quan công an đang tiến hành xác định nguyên nhân cái chết của 2 bé. Tuy nhiên, theo kiểm tra của Phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch, điểm mất an toàn của hồ bơi trong Khu du lịch sinh thái Ngọc Hoa Trang là giữa hồ bơi trẻ em và hồ bơi người lớn không có rào chắn cứng (tường xây tách biệt) hoặc rào chắn mềm (dải băng cảnh báo). Giữa 2 hồ bơi chỉ có chiếc cầu bắc qua bên trên, nhưng dưới nước hai bên vẫn thông nhau nên khi tắm, trẻ rất dễ đi “lạc” từ hồ trẻ em sang hồ người lớn, nếu trẻ không biết bơi và không có người trông coi nguy cơ bị đuối nước rất cao.

Cũng theo Phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch, hầu hết các hồ bơi đang hoạt động trên địa bàn TP.Biên Hòa đều đạt các tiêu chuẩn theo quy định và có nhân viên cứu hộ. Một số vụ việc trẻ em bị đuối nước là do nhiều nguyên nhân như: trẻ lén sang tắm ở hồ người lớn, do bệnh tật hoặc đùa giỡn dìm nhau xuống nước...

Anh Nguyễn Ngọc Hiển từng làm nhân viên cứu hộ cho một số hồ bơi ở TP.Biên Hòa chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng, đặc biệt trong các ngày lễ, tết, số lượng người đến hồ bơi khá đông. Những lúc như thế nhân viên cứu hộ phải “căng mắt” quan sát, liên tục di chuyển quanh hồ, dưới nước để quan sát, thậm chí phải bơi gần trẻ nhằm kịp thời phát hiện trẻ có những dấu hiệu khác thường để yêu cầu các cháu lên bờ”. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nhiều năm làm nhân viên cứu hộ, anh Hiển lo lắng nhất tình trạng các bé đi qua hồ người lớn mà không phát hiện được, nguy cơ đuối nước rất cao.

* Tăng cường quản lý an toàn tại các hồ bơi

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết, dịch vụ hồ bơi ở TP.Biên Hòa đang rất thiếu so với nhu cầu của một thành phố 1,2 triệu dân. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng nên lượng người đến hồ bơi nhiều hơn, phát sinh tình trạng quá tải ở các hồ bơi, từ đó làm tăng nguy cơ mất an toàn. Do đó, vào trước Tết Nguyên đán 2020, Sở đã có văn bản gửi đến các cơ sở kinh doanh du lịch có các trò chơi dưới nước yêu cầu phải bảo đảm các quy định về an toàn cho du khách. Tuy nhiên, sự việc đau lòng vẫn xảy ra.

“Mặc dù các hồ bơi đều có nhân viên cứu hộ nhưng khi đưa con đi bơi, phụ huynh cũng nên đặc biệt chú ý quan sát trẻ, để trẻ bơi ở khu vực phù hợp, hướng dẫn trẻ những nguyên tắc bảo đảm an toàn để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra” - ông Nguyễn Xuân Thanh khuyến cáo.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, vụ việc 2 cháu bé đuối nước tại Khu du lịch sinh thái Ngọc Hoa Trang là một tai nạn thương tâm. Đây cũng là lời cảnh báo về tình trạng đuối nước trên địa bàn. Sở Lao động - thương binh và xã hội vẫn đang tiếp tục phối hợp với Sở GĐ-ĐT triển khai dự án phòng chống đuối nước cho học sinh thông qua việc hỗ trợ các trường học tổ chức dạy bơi cho trẻ.

Theo bà Đoàn Thị Kiều Oanh, huấn luyện viên bộ môn bơi lặn (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), để tránh đuối nước khi bơi, người bơi cần chú ý những điểm sau: khởi động và tắm tráng trước khi xuống bơi; bơi ở nơi đúng quy định; không được chạy nhảy, đùa giỡn, đẩy hoặc ấn đầu người khác xuống nước; không nhảy cắm đầu xuống hồ; lượng sức mình khi lặn dưới nước... Nếu thấy rùng mình hay có hiện tượng bị chuột rút thì nhanh chóng lên bờ nghỉ ngơi, nếu không đủ sức lên bờ thì ra dấu hiệu cứu giúp để được người khác đến cứu hộ. Riêng đối với những trẻ chưa biết bơi hoặc mới biết bơi, cha mẹ nên đi cùng và theo sát con, cho con mang phao và không được ở xa con quá chiều dài một cánh tay; nhắc nhở trẻ không đi bơi khi không có sự cho phép và kiểm soát của cha mẹ, ngay cả khi trẻ đã biết bơi.

Thông tin từ Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), trong giai đoạn 2010-2013 trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 2,8 ngàn trẻ tử vong do đuối nước. Riêng tại Đồng Nai năm 2019 có gần 20 ca đuối nước và tháng 1-2020 đã có 3 trường hợp.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202002/canh-bao-an-toan-cho-tre-o-ho-boi-2987308/