'Cảnh báo đỏ' hành vi mua bán hóa đơn trái phép

Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán hóa đơn trái phép (MBHĐTP) gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (NSNN) từ hàng trăm tới hàng tỷ đồng... Vấn đề này đang được xem là

Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán hóa đơn trái phép (MBHĐTP) gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (NSNN) từ hàng trăm tới hàng tỷ đồng... Vấn đề này đang được xem là "cảnh báo đỏ”.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh thông tin, truy tìm đối tượng có liên quan đến vụ mua bán hóa đơn trái phép xảy ra tại Hòa Bình, Thái Bình và TP Hồ Chí Minh.

Diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi

Theo Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua nổi lên hành vi vi phạm trong việc thu chi sai quy định, không đúng mục đích, trốn thuế, nợ đọng thuế kéo dài, chiếm dụng vốn, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ chưa tuân thủ chế độ kế toán, hạch toán kinh tế theo quy định.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thụ lý giải quyết hàng chục tin báo tố giác tội phạm liên quan đến vi phạm và tội phạm MBHĐTP. Riêng trong 10 tháng năm 2023, lực lượng chức năng Công an tỉnh và Công an các địa phương đã phát hiện, làm rõ và khởi tố 4 vụ, 7 đối tượng phạm tội "Mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng” tại các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy và TP Hòa Bình. Điển hình như tháng 4/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện Trần Thị Hằng (SN 1985), trú tại TP Từ Sơn (Bắc Ninh) có hành vi bán hóa đơn trái phép với giá trị lớn, thu lợi hàng tỷ đồng. Để có hóa đơn bán, Hằng đã thành lập 3 công ty có trụ sở tại huyện Kim Bôi. Cả 3 công ty đều không có tài sản, kho bãi, nhà xưởng, hàng hóa; không phát sinh hoạt động giao dịch, không có hóa đơn hàng hóa mua vào mà chỉ có hóa đơn xuất hàng hóa bán ra. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã phát hiện hoạt động của các công ty này có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tiến hành điều tra xác minh đã xác định từ tháng 1 - 8/2022, Trần Thị Hằng xuất 4.457 hóa đơn điện tử của 3 công ty cho 239 doanh nghiệp, 65 cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền ghi trên hóa đơn 6.823 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 617,5 tỷ đồng; thu lời bất chính khoảng 136 tỷ đồng.

Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, rà soát các hoạt động kinh doanh trên địa bàn, Chi cục Thuế khu vực Kim Bôi - Lạc Thủy đã phát hiện hành vi gian lận, MBHĐTP của một số đối tượng. Từ tin báo tố giác tội phạm của Cục Thuế tỉnh, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự "MBHĐTP” xảy ra tại huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), tỉnh Thái Bình và TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, đã ban hành quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 đối tượng, trong đó có Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiến Thắng (khu Đồi Hoa, thị trấn Chi Nê, Lạc Thủy) để điều tra về hành vi MBHĐTP theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự.

Là nguyên nhân phát sinh tội phạm về kinh tế, tham nhũng

Theo Đại tá Trương Quang Hải, PhóGiám đốc Công an tỉnh, đối tượng vi phạm, MBHĐTP thường là các chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) sau khi được cơ quan Thuế đồng ý cho in hóa đơn hoặc cấp hóa đơn điện tử, vì lợi ích cá nhân đã bán khống cho các cơ quan, tổ chức, để hợp lý hóa chứng từ thanh quyết toán. Trong khi đó, các giao dịch mua bán là không có thật trên thực tế hoặc có thật nhưng khai tăng giá trị. Hành vi này là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ khác. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo. Ảnh hưởng xấu đến hoạt động quản lý kinh tế, NSNN ở địa phương.

Còn theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, có sự tham gia của nhiều đối tượng, ở nhiều địa phương. Tính từ đầu năm đến nay, ngành Thuế liên tục phát hiện vụ việc vi phạm liên quan đến hành vi xuất hóa đơn khống; thành lập DN chỉ để mua, bán hóa đơn; nhiều tổ chức, DN kê khai sử dụng hóa đơn đầu vào không hợp pháp nhằm gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế gây thất thu cho NSNN. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Cục Thuế tỉnh đã phát hiện, tổng hợp và chuyển tin báo 24 trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn đến cơ quan Cảnh sátđiều tra để xem xét, xử lý.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Đại tá Trương Quang Hải là do động cơ vụ lợi và để thanh quyết toán nguồn NSNN nên người mua và người bán đã vi phạm các quy định của Nhà nước về sử dụng hóa đơn. Đồng thời, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước cho DN được tự in, phát hành quản lý và sử dụng hóa đơn. Tuy nhiên, quá trình quản lý, hoạt động của DN còn để xảy ra sai phạm đã phát sinh vi phạm. Bên cạnh đó, do cán bộ các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng hóa đơn được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa chưa chấp hành đúng các quy định về thuế, kế toán nên đã dẫn đến những vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước chưa cao. Năng lực quản lý, điều hành yếu kém, suy thoái về đạo đức, lối sống nên đã cố tình vi phạm, triệt để lợi dụng kẻ hở, bất cập của pháp luật...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng, theo Đại tá Trương Quang Hải, các cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quản lý kinh tế, NSNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đồng bộ, toàn diện; kiểm tra, rà soát việc kê khai thuế đối với DN, hộ kinh doanh thường xuyên xuất hóa đơn nhưng báo lỗ; triển khai rộng sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy để giảm việc in, phát hành và ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/184062/canh-bao-do-hanh-vi-mua-ban-hoa-don-trai-phep.htm