Cảnh báo hệ quả do nghiện game online

Các trò chơi điện tử (hay game online) từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều thanh, thiếu niên, trở thành thú tiêu khiển, giải trí của nhiều người. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, game online sẽ vượt ra khỏi việc giải trí đơn thuần, tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhân cách, trí tuệ của người nghiện game online.

Nghiện game online gây ra nhiều hệ lụy xấu tới sức khỏe và sự phát triển của thanh, thiếu niên.

Tháng 5-2019, tại Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, khiến một học sinh lớp 5 tử vong, 4 học sinh và 1 cô giáo bị thương. Kẻ gây án là Đỗ Mãnh Chiểu Minh - một thanh niên nghiện game, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, thường có nhiều biểu hiện tâm lý hoang tưởng cho rằng mình bị HIV do người hàng xóm là Lê Văn T. gây truyền nhiễm nên luôn ám ảnh việc trả thù. Biết không thể trả thù được T., đối tượng đi xe máy từ nhà đến Trường Tiểu học Đồng Lương để tìm giết con của T. là cháu Lê Hữu Ph. Khi đến trường, thấy cổng trường không khóa, Đỗ Mãnh Chiểu Minh điều khiển xe vào khu vực nhà để xe của trường dựng xe và đi lên hành lang tầng 2 trước cửa lớp 5A thì nhìn thấy cháu Ph. đang ngồi học. Hắn quay xuống khu vực để xe máy lấy một con dao gọt hoa quả giấu trong cạp quần rồi quay lên đứng đợi tại hành lang tầng 2. Đến giờ ra chơi, hắn rút con dao từ trong cạp quần, cầm dao chạy đến đâm, chém liên tiếp nhiều nhát vào người cháu Ph. đang ngồi ở bàn học. Lúc này, cô giáo chủ nhiệm đang trong lớp liền chạy đến can ngăn thì bị đối tượng vung dao đâm khiến cô bị thương, sau đó tiếp tục đâm cháu Ph. cho đến khi gục tại chỗ rồi bỏ chạy. Trên đường bỏ chạy từ tầng 2 xuống khu vực sân trường, Đỗ Mãnh Chiểu Minh tiếp tục cầm dao đâm 4 học sinh khác bị thương. Sau khi gây án, đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường, nhưng sau đó đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, các học sinh bị thương và cô giáo chủ nhiệm được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên cháu Lê Hữu Ph. đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 7-1-2020, Đỗ Mãnh Chiểu Minh bị xử mức tù chung thân về tội giết người.

Sự việc đau lòng gần đây là vụ việc cháu bé 5 tuổi tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tử vong bất thường sau khi mất tích. Nghi can gây ra vụ án là một nam sinh 17 tuổi, học sinh lớp 11 - cũng là hàng xóm của nạn nhân. Theo lời khai ban đầu, nam sinh giấu bé trai 5 tuổi là do làm theo một tình huống trong game online...

Đây chỉ là hai câu chuyện trong nhiều hồ sơ vụ án được cơ quan công an các tỉnh, thành phố lưu giữ cho thấy tác động khủng khiếp của game online. Tình trạng nghiện game online trong giới trẻ ngày càng nghiêm trọng. Ban đầu chỉ vì thích mà chơi vài tiếng/ngày, dần dần chơi quên ăn, quên ngủ. Rất nhiều trường hợp suy kiệt sức khỏe, sao nhãng học hành, công việc, xa rời các quan hệ gia đình, xã hội, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí xung đột gây thương vong... do nghiện game gây ra. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70-80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10-15%. Nghiện game cũng có thể gây ra những triệu chứng của một số bệnh tâm thần khác như trầm cảm hoặc lo âu. Tháng 6-2019, WHO đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần.

Bác sĩ CKI Phạm Đức Cường, Phó trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: Tình trạng nghiện game online gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của trẻ em. Trẻ được xác định nghiện game khi trẻ nhập tâm vào trò chơi yêu thích trong game, không kiểm soát được bản thân khỏi game, chơi ở bất cứ đâu, địa điểm, chơi game liên tục, không nghỉ trong nhiều giờ. Trẻ thèm muốn việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống, giảm khả năng giao tiếp, sống thu mình... Trẻ đã nghiện game online, kéo theo hàng loạt hệ lụy, như: sa sút về thể lực và tinh thần, trầm cảm, hay cáu gắt, bỏ bê việc học hành, đặc biệt là không kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí có những triệu chứng rối loạn, mất ngủ, chán ăn, ăn ít, loạn thần, giảm sút năng lượng, suy nghĩ lệch lạc, tư tưởng, hành vi không phù hợp...

Tỷ lệ những bệnh nhân bị rối loạn tâm lý liên quan đến nghiện game đến điều trị tại khoa chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 0,5% tổng số bệnh nhân) bởi đa phần những trường hợp mắc bệnh đều tự quản lý, điều trị tại nhà. Nhiều gia đình chỉ đưa con đi khám khi trẻ có các dấu hiệu nặng như suy nhược cơ thể, trầm cảm hay loạn thần...

Bác sĩ Cường khuyến cáo, cách phòng ngừa để trẻ nhỏ không bị nghiện game đó là bố mẹ cần dành thời gian quan sát cách sinh hoạt, cách chơi của trẻ để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường. Quản lý thời gian xem ti vi, chơi các thiết bị điện tử của trẻ nhỏ, không nên quá 1 giờ đồng hồ/ngày, không nên cho trẻ ngủ muộn (sau 22h đêm). Đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên, cần dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự, làm bạn với các cháu, khuyến khích con tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng, các hoạt động thể chất tích cực hằng ngày. Giải thích cho trẻ về những tác hại của việc nghiện game và lập thời gian biểu những việc làm hằng ngày để hướng trẻ thực hiện theo, trong đó có quy định quản lý thời gian sử dụng thiết bị công nghệ, không để trẻ sử dụng trong thời gian kéo dài. Không nên sử dụng điện thoại, ipad, máy tính sau 22h đêm bởi việc này sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, dần dần sẽ gây rối loạn giấc ngủ và dễ phát sinh rối loạn khác kèm theo, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/canh-bao-he-qua-do-nghien-game-online/123045.htm