Cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Hiện nay, cùng với cả nước, Bình Phước đang tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19. Thế nhưng có một loại dịch bệnh khác cũng hết sức nguy hiểm, tồn tại từ lâu và đến bây giờ vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng bệnh - đó là sốt xuất huyết. Đặc biệt, nếu lơ là có thể dẫn đến biến chứng khó lường và tử vong rất nhanh.

Tính đến ngày 24-7, trên địa bàn tỉnh đã có 1.727 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đã có 4 trường hợp tử vong, tăng 100% so với cùng kỳ; trong đó, 3 trường hợp tử vong tuần vừa qua, chủ yếu là người trẻ.

9/11 huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng cao

Trong số các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, số ca mắc nhiều nhất là Đồng Phú, tăng 709% so với cùng kỳ; kế đến là thị xã Bình Long và các huyện: Phú Riềng, Bù Đốp, Chơn Thành, thành phố Đồng Xoài. Còn lại 2 huyện Bù Gia Mập và Lộc Ninh số ca giảm.

Vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống khô, thoáng để phòng dịch sốt xuất huyết. Trong ảnh: Giáo viên Trường mầm non Vành Khuyên, phường Phú Thịnh, TX. Bình Long hướng dẫn trẻ vệ sinh tay chân mỗi ngày (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) - Ảnh: Minh Luận

Ca tử vong đầu tiên xảy ra vào tháng 6 vừa qua ở huyện Bù Đăng, sinh năm 2003. Đáng buồn là từ ngày 18 đến 24-7, liên tiếp có thêm 3 ca mắc sốt xuất huyết tử vong. Trong đó, Đồng Phú 1 ca, sinh năm 2012; Chơn Thành 1 ca, sinh năm 2003 và Bù Đốp 1 ca, sinh năm 2012. Đây là điều đặc biệt đáng lưu tâm và là hồi chuông cảnh báo cho mọi người, mọi nhà không được lơ là, chủ quan trước diễn biến hết sức phức tạp của sốt xuất huyết.

Các y, bác sĩ Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh căng mình vừa phòng, trị Covid-19 vừa điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Các y, bác sĩ Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh căng mình vừa phòng, trị Covid-19 vừa điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Sốt xuất huyết tăng mạnh từ tháng 4 trở lại đây. Ngay từ đầu, trung tâm đã có văn bản tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt các kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết gửi đến các trung tâm và chính quyền cấp huyện. Chúng tôi xác định, chủ động triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh; kết hợp giữa ngành y tế, chính quyền và cộng đồng là hết sức cần thiết. Nhưng cái khó là do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi nguồn lực tập trung cho hoạt động này nên các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết còn nhiều bất cập, chưa triển khai được ngay từ đầu mùa mưa nên chưa kéo giảm được số ca mắc sốt xuất huyết”.

Kết hợp “2 trong 1” để kéo giảm ca mắc

2 phường Tân Phú và Tiến Thành có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất ở thành phố Đồng Xoài. Tuy tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng nhận thấy tình hình ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn phường hiện là 56 ca, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, Tiến Thành đã huy động cả hệ thống chính trị nhanh chóng vào cuộc.

Mùa mưa là mùa sốt xuất huyết bùng phát. Hơn nữa, vì chú trọng, tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19 mà người dân lại lơ là các loại dịch bệnh khác, trong khi sốt xuất huyết vẫn hiện hữu. Vì thế, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1.727 mà còn có thể cao hơn nữa. Đây là con số đáng suy ngẫm để chủ động ngăn ngừa hiệu quả.

Ông Lê Thanh Hoàn, Chủ tịch UBND phường Tiến Thành chia sẻ, phường đã thành lập tổ giám sát Covid-19 cộng đồng. Đây cũng là cơ hội, điều kiện để phường lồng ghép phòng, chống sốt xuất huyết. Thông qua đó, các hoạt động tuyên truyền diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm, nằm ngủ có mùng được triển khai đến từng tổ, khu phố. Ông Hoàn cũng đề xuất, để góp phần đẩy lùi sốt xuất huyết, ngành y tế cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở, vì họ biến động hằng năm do thay đổi vị trí công tác.

Thực tế có địa bàn tái diễn mắc sốt xuất huyết hằng năm như khu phố 5 và khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành. Ở đây môi trường sống ẩm thấp, ao tù, nước đọng nhiều, cây bụi rậm xung quanh nhà và người dân vẫn thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh. Đây là môi trường lý tưởng để muỗi aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn, trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết có điều kiện sinh sôi nảy nở rồi chích và gây bệnh cho người. Tại tổ 2, khu phố 5, gần 1 năm nay, các hộ dân cải tạo ao, vườn không chỉ gây ra tình trạng ngập cục bộ mà việc nước ứ đọng hằng tuần, kết hợp chăn nuôi còn tạo môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi, phát triển, gây bệnh sốt xuất huyết.

Ông Lê Văn Mậu và hộ dân tổ 2 phản ánh tình trạng ứ đọng nước, nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết, cần được các cấp quan tâm, xử lý

Ông Lê Văn Mậu và hộ dân tổ 2 phản ánh tình trạng ứ đọng nước, nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết, cần được các cấp quan tâm, xử lý

Ông Lê Văn Mậu, Phó bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 5 phản ánh: Năm nào địa bàn tổ 2 và 3 của khu phố cũng tái diễn tình trạng nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Khu phố có trên 800 hộ dân, kinh tế còn khó khăn, nhà ở ẩm thấp, nhiều bụi rậm, người dân kết hợp chăn nuôi gần nhà nên nước ứ đọng nhiều. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động người dân diệt lăng quăng, ăn ở hợp vệ sinh; mong cấp trên quan tâm, sớm làm mương tiêu thoát nước thì sốt xuất huyết mới giảm.

Hộ bà Lê Thị Hiển ở tổ 3, khu phố 5 có người thân vừa khỏi bệnh sốt xuất huyết. Bà chia sẻ, năm nào gia đình cũng chủ động phun hóa chất để phòng bệnh sốt xuất huyết. Nhưng năm nay chưa kịp phun thì người nhà đã bị bệnh phải điều trị mất 2 tuần. “Căn bệnh này quá nguy hiểm, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Tôi mong ngành y tế hằng năm vào đầu mùa mưa nên phun hóa chất để sớm phòng bệnh sốt xuất huyết vì khu phố này năm nào cũng có nhiều ca mắc” - bà Hiển đề xuất.

Trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu Sở Y tế, trình UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương gắn phòng, chống dịch Covid-19 với việc linh hoạt, chủ động lồng ghép “2 trong 1” để đẩy lùi sốt xuất huyết. Chúng tôi cũng sẽ cùng trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đợt phun hóa chất diện rộng, nhất là địa bàn có số ca mắc cao và tử vong vì sốt xuất huyết. Đồng thời, ngành y tế của tỉnh cũng tham gia giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch. Về điều trị, sẽ phối hợp điều trị các ca nặng, giám sát, theo dõi kịp thời để chữa trị, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.

Nhiệm vụ và giải pháp cấp bách trong phòng, chống sốt xuất huyết là khẩn trương tổ chức diệt lăng quăng và phun xịt hóa chất khử khuẩn diện rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là những khu vực có số ca tăng cao. Để hạn chế số ca tử vong, khuyến cáo người dân khi bị sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh để quá nặng sẽ gây hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Để phòng, chống sốt xuất huyết, vấn đề cấp bách đặt ra lúc này đối với các cấp, ngành và từng hộ dân là không chủ quan cũng không trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào ngành y tế. Mỗi hộ dân phải có ý thức, chủ động phòng bệnh như: phát quang bụi rậm, không để vật dụng chứa nước đọng để tiêu diệt ấu trùng muỗi, lăng quăng, nằm ngủ phải mắc mùng và nếu có điều kiện thì phun thuốc phòng trừ muỗi, khử khuẩn xung quanh nhà… Đó là những biện pháp hữu hiệu, khả thi nhất mà bất cứ gia đình, khu dân cư nào cũng đều làm được và nên làm. Đây là cách tốt nhất hạn chế mắc bệnh và những hậu quả khó lường do căn bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị này gây ra.

Quốc Phong - Đức Hiển

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125588/canh-bao-nguy-co-dich-chong-dich