Cảnh báo nguy cơ mất an toàn từ các cơ sở kinh doanh phế liệu

Thu mua phế liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mặt tích cực là góp phần không nhỏ trong việc giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng các loại rác thải sinh hoạt hữu ích, giảm lượng rác thải phải xử lý. Tuy nhiên nếu không làm tốt công tác quản lý, ngành nghề này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đời sống cộng đồng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thu mua phế liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mặt tích cực là góp phần không nhỏ trong việc giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng các loại rác thải sinh hoạt hữu ích, giảm lượng rác thải phải xử lý. Tuy nhiên nếu không làm tốt công tác quản lý, ngành nghề này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với đời sống cộng đồng. Thực tế hầu hết các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh hiện chưa tuân thủ quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh, đặc biệt là cam kết bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ... gây bức xúc cho người dân và gây nguy cơ tái ô nhiễm môi trường.

Một cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn xã Yên Mỹ (Ý Yên) gây ô nhiễm môi trường (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Theo quy định, việc kinh doanh phế liệu phải được lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Đối với phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ này ở quy mô hộ gia đình được UBND cấp huyện ủy quyền bằng văn bản, UBND cấp xã xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của các địa phương các cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình nằm xen lẫn các khu dân cư. Hầu hết các cơ sở kinh doanh phế liệu đang hoạt động chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Chính quyền các địa phương mới chỉ yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường, tăng cường vận động, tuyên truyền, nhắc nhở đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ; hạn chế áp dụng xử phạt vi phạm khiến việc kinh doanh phế liệu vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trên tuyến đường Trần Huy Liệu (đoạn thuộc địa phận xã Lộc An, thành phố Nam Định), chỉ trong chưa đầy nửa cây số đã có tới 3 cơ sở kinh doanh phế liệu. Hàng ngày, người bán, người mua tấp nập, xe cộ để ngổn ngang lấn chiếm lòng, lề đường; trên vỉa hè, trong nhà tập kết hỗn tạp các loại vật liệu từ bao bì, vỏ chai, lon bia, nilon, bàn ghế, nồi xoong, cửa sắt đến sắt thép, động cơ, thiết bị cũ hỏng vô cùng nhếch nhác. Ngày nắng thì rác bụi bay tứ tung, còn ngày mưa thì ruồi muỗi, mùi hôi, ẩm mốc bốc ra từ các điểm thu mua phế liệu này ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và an toàn dịch bệnh của người dân trong khu vực. Tình trạng này dễ dàng bắt gặp ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn. Tại khu vực ngã tư đường S2 thuộc địa phận xã Nghĩa An (Nam Trực), có một điểm tập kết phế liệu rộng hàng trăm mét vuông, chứa các loại bao ni lon, giấy, chai nhựa... chất thành từng đống cao quá đầu người. Không chỉ thu gom bán phế liệu mà chủ cơ sở còn kiêm luôn cả việc phân loại, sơ chế như phá dỡ, bóc tách phân loại chi tiết máy; đồ gia dụng thì sửa chữa để bán; các loại vỏ chai, xô, chậu nhựa thì sấy khô, nghiền vụn thành hạt nhựa. Do đó cùng với nguy cơ mất vệ sinh từ việc súc rửa, tẩy nguyên liệu, dầu mỡ thì người dân xung quanh còn phải chịu tiếng ồn của các máy nghiền, cắt phá và bụi khói trong quá trình tái chế phế liệu gây ra. Đó là chưa kể đến nguy cơ cháy nổ, mất an toàn về bức xạ còn tiềm ẩn trong quá trình phá dỡ những thiết bị công nghiệp cũ. Tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) có tới hơn 300 hộ làm nghề tái chế nhôm từ phế liệu. Theo đó vỏ lon bia, đồ uống đóng hộp được thu gom từ các nơi về đây để nấu tan chảy thành nhôm nguyên liệu để đúc thành các sản phẩm gia dụng như: chậu, mâm, xoong, nồi… Nghề này mang lại nguồn thu nhập khá ổn định và việc làm cho hàng nghìn lao động nhưng hệ lụy của nó là ô nhiễm không khí, nguồn nước ở đây ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân. Bà Trần Thị Hòa, xã Nghĩa An (Nam Trực) cho biết: “Chúng tôi sống trong phấp phỏng lo âu, ngoài khói bụi, ruồi, muỗi, mùi hôi hám, thì thường xuyên bị giật mình bởi tiếng máy phá dỡ, quăng ném vật liệu. Thêm vào đó hầu hết phế liệu đều là hàng hóa dễ cháy, chất đầy như nêm, nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì ảnh hưởng rất lớn, làm sao dập lửa cho kịp. Chủ cơ sở thu mua phế liệu thì “lẳng lặng làm ngơ”, vô tư lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không kiểm soát khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp di dời các điểm thu mua phế liệu, nhất là những điểm thu mua vật liệu dễ cháy, ra khỏi khu dân cư”.

Chỉ bằng mắt thường cũng thấy các cơ sở thu mua phế liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến môi trường sống. Bên cạnh việc ảnh hưởng môi trường, mỹ quan thì hầu hết các điểm thu mua phế liệu hiện nay đều không đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ khiến người dân sinh sống quanh cơ sở thu mua phế liệu đều nơm nớp lo ngại về tình trạng này. Mặc dù tại tỉnh ta chưa xảy ra cháy nổ liên quan đến việc kinh doanh phế liệu nhưng những vụ việc xảy ra ở các địa phương trên toàn quốc thời gian qua buộc các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với các cơ sở kinh doanh thu mua, tái chế phế liệu, yêu cầu chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, đăng ký kinh doanh, phòng chống cháy nổ và bảo vệ an toàn hành lang đường bộ; kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm, yêu cầu chấm dứt, di dời các cơ sở kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ ra khỏi khu dân cư./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202105/canh-bao-nguy-co-mat-an-toan-tu-cac-co-so-kinh-doanh-phe-lieu-2544323/