Cảnh báo tâm lý 'ai rồi cũng trở thành F0' và lý giải của chuyên gia vì sao cần tránh bị nhiễm biến thể Omicron?

Trong khi hầu hết mọi người dành hai năm qua để cố gắng tránh COVID-19, một số người có tâm lý 'ai rồi cũng trở thành F0', thậm chí ở một số nước có những người dự tính để nhiễm biến thể Omicron.

Các xét nghiệm hiện không phân biệt được các biến thể khác nhau.

Các xét nghiệm hiện không phân biệt được các biến thể khác nhau.

Logic sai lầm của họ cho rằng sẽ cố tình tiếp xúc với biến thể dễ lây lan nhưng gây triệu chứng bệnh nhẹ này để tạo cơ chế cho cơ thể tự miễn dịch.

Tiến sĩ Jessica Kiss - một bác sĩ y học gia đình có tài khoản nổi tiếng "AskDrMom" trên TikTok chuyên trả lời các thắc mắc của người dân về đại dịch khẳng định: "Đó không phải là một ý tưởng hay ở thời điểm bây giờ và cả sau này".

Biến thể Omicron rất dễ lây lan đến mức nhiều người, kể cả đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, bị nhiễm bệnh trong đợt này. Tính đến 3/1, hơn 1 triệu người ở Mỹ được chẩn đoán nhiễm biến thể này.

Nhiễm trùng đột phá đã trở nên phổ biến đối với những người được tiêm chủng đầy đủ và triệu chứng bệnh có thể khá nhẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chủ động bị lây nhiễm không phải là điều khôn ngoan đối với bất kỳ ai.

Tiến sĩ Laolu Fayanju, giám đốc y tế khu vực của Oak Street Health ở Ohio (Mỹ), cho biết đây là "một canh bạc không cần thiết" đối với những người đã được tiêm phòng đầy đủ và những người không được tiêm phòng. "Nó giống như chơi trò chơi roulette của Nga với một khẩu súng ngắn tự động" – TS Laolu ví von.

Nhà sinh học miễn dịch Akiko Iwasaki thuộc Trường Y Đại học Yale (Mỹ), chuyên nghiên cứu về khả năng miễn dịch của virus, cho biết có một số rủi ro với cách thức đối phó bệnh này. Đầu tiên, không có cách nào để dự đoán mức độ nghiêm trọng của trường hợp COVID-19 sẽ xảy ra. Thứ hai, vaccine và mũi tiêm tăng cường đã cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Và thứ ba, mọi sự lây nhiễm đều có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến những người khác.

'Việc tính toán rủi ro-lợi ích ở đây rất rõ ràng. Rủi ro cao hơn rất nhiều so với bất kỳ lợi ích nào bạn có thể gặt hái được" – ông Iwasaki cho biết.

Cho đến nay, dữ liệu cho thấy những người bị nhiễm biến thể Omicron không bị bệnh nặng và ít có khả năng phải nhập viện hơn những người bị nhiễm các chủng COVID-19 trước đó. Điều đó dường như là do biến thể Omicron ít có khả năng gây tổn thương phổi nghiêm trọng.

Nhưng ngay cả khi Omicron ở mức độ nhẹ hơn so với các biến thể khác, nó vẫn sẽ là thảm họa đối với một số người. Chỉ riêng vào ngày 3/1, hơn 1.400 người ở Mỹ đã chết vì COVID-19 và hơn 100 nghìn người phải nhập viện vì virus này. Những người chưa được tiêm phòng, người cao tuổi và dễ bị tổn thương có nguy cơ cao nhất. Bên cạnh đó, không có cách nào để biết liệu mình đang tiếp xúc với biến thể Omicron hay biến thể Delta vẫn còn lưu hành và nghiêm trọng hơn, vì các xét nghiệm hiện không phân biệt được các chủng khác nhau.

Một mối quan tâm khác là chứng COVID kéo dài - tên gọi của các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở và nhiều triệu chứng khác kéo dài sau khi đợt nhiễm COVID-19 cấp tính thuyên giảm. Ngay cả những trường hợp nhẹ cũng có thể dẫn đến tình trạng COVID kéo dài. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêm chủng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc chứng COVID kéo dài sau khi bị nhiễm trùng, tuy nhiên vẫn có thể những trường hợp ngoại lệ.

"Mọi người không biết liệu mình có phải là một trong số những người có nguy cơ nhiễm trùng với một vài hậu quả COVID lâu dài hay không. Không có lý do gì để cố tình chấp nhận rủi ro đó" – TS Fayanju cho biết.

Nhưng còn ý kiến cho rằng việc phục hồi sau COVID-19 có thể cung cấp "siêu miễn dịch" cho những người được tiêm chủng đầy đủ thì sao?

Đúng là mỗi lần cơ thể "chạm trán" với COVID-19 là có khả năng tạo ra một số mức độ miễn dịch tự nhiên và việc trộn lẫn các biện pháp phòng vệ đó với tiêm chủng dường như mang lại phản ứng mạnh hơn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận rằng "việc tiêm vaccine cho những người đã bị nhiễm bệnh trước đó giúp tăng cường đáng kể phản ứng miễn dịch của họ và giảm nguy cơ nhiễm trùng tiếp theo một cách hiệu quả". Các nghiên cứu khác cho thấy rằng những người bị bệnh sau khi tiêm vaccine cũng được hưởng các đặc quyền miễn dịch.

TS Iwasaki nói rằng không cần thiết phải tìm kiếm sự nhiễm bệnh để tìm miễn dịch; bạn có thể nhận được những lợi ích tương tự từ vaccine và mũi tiêm tăng cường - đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Thêm vào đó, khả năng miễn dịch tự nhiên suy giảm theo thời gian và không có gì đảm bảo rằng đã nhiễm biến thể Omicron sẽ bảo vệ bạn khỏi biến thể không xác định tiếp theo có thể sắp xảy ra.

Một trong những lý do quan trọng nhất để không cố ý nhiễm COVID-19 là gánh nặng mà nó đặt lên những người dễ bị tổn thương và những nhân viên chăm sóc sức khỏe. Mỗi người bị mắc COVID-19 có thể lây nhiễm cho những người khác, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương về mặt y tế, quá ít tuổi để được tiêm chủng hoặc không được bảo vệ.

"Nếu một số người cố tình mắc bệnh có khả năng gây ra một chuỗi lây truyền, thì sẽ gây nguy cơ làm bùng nổ số lượng người bị bệnh và hậu quả là phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải và quá tải của chúng ta " –TS Iwasaki cho biết.

Hà Anh (Theo Time)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//canh-bao-tam-ly-ai-roi-cung-tro-thanh-f0-va-ly-giai-cua-chuyen-gia-vi-sao-can-tranh-bi-nhiem-bien-the-omicron-169220107113048755.htm