Cánh chim đầu đàn

Năm 2015 là thời điểm Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa gặp khó khăn nhất, mấp mé bờ vực phá sản với tổng các khoản nợ lên đến hơn 23 tỷ đồng. Nhưng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nghề, tân giám đốc Phạm Anh Tuấn đã xốc lại tinh thần cán bộ, công nhân viên, vực lại sản xuất kinh doanh đưa công ty ngày càng phát triển. Anh vinh dự được trao Giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu năm 2019.

Tư duy đột phá

Là người có 33 năm gắn bó với Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa, ông Nguyễn Chí Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính chứng kiến không ít thăng trầm của đơn vị mình. Ông Linh cho biết, năng suất gỗ giảm dần theo từng năm, tình hình sản xuất kinh doanh trì trệ, nợ ngân hàng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, nợ lương công nhân, không ít công nhân chán nản bỏ việc. Mấu chốt của tình trạng này là việc tổ chức sản xuất chưa khoa học, hiệu quả, chủ yếu là tái sinh rừng, trồng rừng bằng cây giống không bảo đảm chất lượng. Nhận thức rõ những hạn chế này, anh Tuấn đã có tư duy đột phá, đưa công ty đi lên.

Giám đốc Phạm Anh Tuấn (giữa) hướng dẫn công nhân chăm sóc rừng cây gỗ lớn.

Giám đốc Phạm Anh Tuấn (giữa) hướng dẫn công nhân chăm sóc rừng cây gỗ lớn.

Khi ấy, anh Nguyễn Anh Tuấn là Trưởng Phòng kỹ thuật của Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương được điều động về Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa làm nhiệm vụ giám đốc. Với những kiến thức của cử nhân lâm sinh, nhiều năm lăn lộn với thực tiễn nên anh Tuấn đã sớm nhận ra những hạn chế, bất cập tại đơn vị mới, từ đó đưa ra những quyết sách chính xác để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Anh Tuấn cho biết, công việc đầu tiên mà anh làm là "cải tổ" bộ máy hoạt động của công ty, cắt giảm những bộ phận không cần thiết, sáp nhập các phòng chuyên môn, tinh gọn bộ máy từ 120 người xuống còn 68 người, tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên. Anh thường nói với nhân viên rằng, trong khó khăn thì cần gắn kết lại, dám chấp nhận thất bại để hướng tới thành công.

Nhờ trồng rừng liên doanh với Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa, hộ anh Nguyễn Văn Tú, thôn Đầm Hồng 1, xã Ngọc Hội xây được nhà khang trang.

Nhờ trồng rừng liên doanh với Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa, hộ anh Nguyễn Văn Tú, thôn Đầm Hồng 1, xã Ngọc Hội xây được nhà khang trang.

Anh Tuấn khẳng định, cây giống là yếu tố quyết định thành bại trong sản xuất lâm nghiệp, bởi cây lâm nghiệp phát triển theo chu kỳ nhiều năm, giống không tốt ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng gỗ. Nhưng thời điểm đó tại địa phương không có cơ sở ươm giống cây đạt tiêu chuẩn. Thấy người dân mua cây giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, anh Tuấn thực sự lo lắng. Ý tưởng xây dựng một cơ sở gieo ươm cây giống chất lượng tại huyện đã được anh phác thảo và đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay đổi cơ cấu giống, đưa các giống mới vào sản xuất, chuyển đổi hình thức sản xuất từ quảng canh sang thâm canh. Anh trực tiếp tìm đến Viện khoa học lâm nghiệp tìm mua nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng như giống keo mô, keo giâm hom, keo hạt. Cùng với kiến thức, kinh nghiệm trong ngành Lâm sinh, năm 2016 anh Tuấn bắt đầu quy hoạch, mở rộng vườn ươm của công ty để tự sản xuất giống cây lâm nghiệp. Việc đầu tư ươm giống đã mang lại giá trị kép, ngoài việc tự cung cấp cây giống, hàng năm công ty còn bán được hơn 12 vạn cây giống cho người dân, cây giống chất lượng sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, vườn ươm hoạt động hết công suất nhưng luôn trong tình trạng “cháy” cây giống.

Có thêm nguồn thu từ sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp, đời sống công nhân dần được cải thiện. Anh Tuấn ví von hình ảnh những đàn chim xây tổ trên những cánh rừng như đội ngũ công nhân của mình đoàn kết xây đắp công ty ngày càng lớn mạnh hơn, vượt qua sóng gió của bờ vực phá sản, xây đắp cuộc sống ấm no. Tôi lại nhớ đến câu hát về một rừng cây đầy ắp tiếng chim muông "cây có hiểu vì sao, chim thường kéo về làm tổ", đấy thực sự là giá trị của rừng mà Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa đã làm được, trong đó, giám đốc Nguyễn Anh Tuấn là cánh chim đầu đàn.

Nắm bắt thời cơ

Anh Tuấn chia sẻ, lĩnh vực sản xuất được cải thiện nhưng bài toán đặt ra là làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng. Những trăn trở của anh được hóa giải khi năm 2016 tỉnh khuyến khích triển khai cấp giấy chức chỉ rừng quốc tế FSC. Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC mang lại nhiều lợi ích, đây là cơ hội để công ty bứt phá.

Giám đốc Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải), hướng dẫn công nhân chọn cây giống.

Giám đốc Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải), hướng dẫn công nhân chọn cây giống.

Năm 2016, công ty triển khai phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2016 - 2021, phối hợp với đơn vị tư vấn và các ngành có liên quan lập hồ sơ đề nghị Hội đồng Quản trị rừng thế giới (FSC) đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho những cánh rừng. Đến cuối năm 2016, Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa là công ty lâm nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp chứng chỉ FSC cho 5.514 ha. Rừng FSC đã gia tăng giá trị từ 15 - 20% so với rừng thường, cụ thể giá gỗ rừng có chứng chỉ FSC sẽ được thu mua với giá 850.000 đồng/m3 cao hơn gần 300.000 đồng so với gỗ không có chứng chỉ FSC. Sản xuất, kinh doanh phát triển, lương công nhân tăng lên. Năm 2016 đạt 5 triệu đồng/người/tháng, đến nay tăng lên 7,8 triệu đồng/người/tháng. Các khoản nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm đã được công ty hoàn trả.

Theo anh Tuấn, sản xuất rừng theo tiêu chí FSC không những giá bán gỗ cao hơn mà ý thức của cán bộ, công nhân viên và người dân được cải thiện rất nhiều. Từ việc giữ vệ sinh môi trường, không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong rừng, không làm tác động đến môi trường sinh thái, không săn bắt động vật rừng, quy trình chăm sóc và khai thác phải đảm bảo an toàn… được người làm rừng thực hiện tốt, hướng tới lợi ích bền vững từ rừng.

Ghi chép: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/canh-chim-dau-dan-134125.html