Cảnh đời bất hạnh của cô bé hái rau dại và ước mơ làm bác sĩ
Hằng ngày, ngoài giờ học, Pha phải đi dọc con kênh gần nhà hái rau dại để bán kiếm tiền mua gạo nuôi 2 bà cháu và đi học. Đó cũng là cứu cánh duy nhất để nuôi ước mơ trở thành bác sĩ của cô bé 13 tuổi có cảnh đời bất hạnh.
Cha bỏ nhà đi từ khi mới chào đời được 4 tháng, 4 năm sau thì mẹ đi thêm bước nữa, bé Danh Thị Pha phải sống với bà ngoại nghèo đơn chiếc. Bà Thị Huệ (ngoại của Pha) nay đã 63 tuổi, đôi mắt đã mờ nên mọi việc trong nhà và cả mưu sinh của 2 bà cháu đều do Pha gánh vác.
Cảnh đời bất hạnh
Chúng tôi tìm đến nhà em Danh Thị Pha (học sinh lớp 7A7, Trường THCS Chu Văn An, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) vào những ngày giữa tháng 8. Đó là một ngôi nhà lá bé xíu nép bên con lộ bê tông rộng 50 cm ở ấp Đầu Sấu Đông, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân. Khi chúng tôi ghé, cả 2 bà cháu đều đi vắng. Những người trong xóm cho biết bé Pha đi hái rau, bà ngoại không người chăm nom nên cháu dắt gửi nhà hàng xóm.
Trong nhà không có vật gì quý giá hơn chiếc giường cũ kỹ mà 2 bà cháu ngủ để tránh ngập những lúc mưa to vì nền nhà bằng đất thấp hơn mặt lộ đến cả tấc. Những cây cột nhà chỉ bằng cùm tay, bị mối mọt đụt khoét, chông chênh, vách lá mưa tạt tứ bề...
Nghe có khách ghé thăm, bà Huệ nhờ hàng xóm dìu về nhà vì không thấy đường đi. Hai cánh tay già nua lần mò vào thanh giường, bà Huệ ngồi xuống chào khách và nói: "Hai năm gần đây tôi gần như không còn nhìn thấy gì. Mọi sinh hoạt tôi phải nhờ cháu giúp. Mỗi ngày sau giờ học thì nó đi hái rau dại bán. Bữa nào nhiều thì được vài chục ngàn đồng để mua gạo ăn. Tôi cũng có 2 đứa con trai đi làm xa. Cuộc sống của chúng nó cũng khó khăn nên vài tháng mới gởi về được mấy trăm ngàn đồng".
Ông Danh Thuộc, Bí thư chi bộ ấp Đầu Sấu Đông, cho biết gia đình bà Huệ là hộ nghèo của ấp, hoàn cảnh rất khó khăn, cuộc sống của 2 bà cháu chỉ trông vào việc bé Pha đi hái rau dại. "Chính quyền địa phương hằng năm cũng xét tặng quà vào các dịp lễ, Tết cho gia đình. Nhưng nhiêu đó cũng chẳng thấm vào đâu", ông Thuộc bộc bạch.
Bà Huệ cho biết sau khi sinh Pha được 4 tháng, cha của em bỏ đi biền biệt, đến nay không có tin tức gì. Sau 4 năm một mình nuôi con, mẹ của Pha bước thêm bước nữa với một người đàn ông tật nguyền (đi bằng đôi tay) và có thêm đứa con nhỏ nên cuộc sống rất chật vật, không lo được gì cho Pha. Hai bà cháu phải nương tựa vào nhau mà sống.
Nhọc nhằn nuôi ước mơ lớn
Dù bị cha mẹ bỏ rơi từ khi còn tấm bé, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng cô bé Pha vẫn không hề oán trách hay buồn lòng về đấng sinh thành. "Cha thì con không biết lý do gì phải bỏ nhà ra đi biền biệt. Lúc đó con còn quá nhỏ nên không biết mặt cha ra sao nhưng nếu cha có trở về thăm con cũng không giận đâu. Còn mẹ thì hoàn cảnh quá quá khổ, không có khả năng lo cho con nên con càng thấy thương mẹ hơn. Giờ con cũng lớn rồi, sáng nấu cơm cho bà ngoại ăn, xong thì con đi hái rau bán mua gạo. Rồi chiều con đi học, xong về hái rau để dành bán buổi sáng. Tối thì con học bài. Con sẽ cố gắng học để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và chữa cho ngoại…", cô bé Pha vô tư nói về ước mơ lớn của mình.
Hàng ngày, Pha đi học bằng chiếc xe đạp cũ mượn của một người hàng xóm. Pha tranh thủ đạp xe từ nhà đến trường hơn 5 km để đi học, bất kể nắng mưa.
Cô Nguyễn Thị Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, cho biết dù hoàn cảnh quá khó khăn, vừa học vừa mưu sinh nhưng tinh thần học tập của Pha là rất đáng biểu dương. "Ban giám hiệu trường đã chỉ đạo cho đội thiếu niên, đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ cho em sách giáo khoa, tập vở cũng như đồng phục của nhà trường. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ các chính sách một cách tốt nhất để em yên tâm học tập", cô Điệp cho hay.
Mỗi khi nhớ mẹ, Pha phải một mình chạy xe đạp vượt qua quãng đường dài hơn 40 km từ nhà đến thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) để thăm mẹ và em. "Lúc đạp xe con mệt lắm, nhưng gặp được mẹ và em con không thấy mệt mà rất vui", Pha tâm sự.