Cánh đồng fantasy Việt vẫn chờ khai phá
Văn học fantasy từ lâu đã là món ăn tinh thần quen thuộc đối với độc giả Việt, đặc biệt là lớp trẻ. Nhưng một món ăn fantasy được chế biến bởi các tác giả Việt trước nay chưa nhiều, và càng mới mẻ, hiếm hoi hơn nếu món ăn ấy được tạo ra với nguyên liệu Việt. Mảnh đất màu mỡ fantasy vẫn đang chờ những nhà văn tương lai khai phá.
Độc giả mê văn học fantasy xin chữ ký tác giả.
Trong thế giới của văn học fantasy (văn học giả tưởng, văn học kỳ ảo) vừa có đời sống hiện thực vừa có thế giới tưởng tượng với vô vàn điều kỳ diệu của thần tiên, phù thủy, phép thuật... Nhờ trí tưởng tượng phong phú của người viết, cả một vũ trụ giả tưởng đã được xây dựng, lôi cuốn độc giả.
Ở Việt Nam, văn học fantasy trước đây chủ yếu là các tác phẩm của nước ngoài, với những bộ truyện nổi tiếng như “Harry Potter”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “Biên niên sử Narnia”, “Phù thủy xứ Oz”... Chịu nhiều ảnh hưởng từ văn học fantasy nước ngoài, văn học fantasy trong nước đã có những bước đầu phát triển, mà một trong những tác giả đầu tiên là nhà văn Phan Hồn Nhiên. Nhiều thế hệ độc giả tuổi teen từng háo hức, say mê với "Những đôi mắt lạnh", “Chuỗi hạt Azoth", "Xuyên Thấm"... của Phan Hồn Nhiên.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên từng chia sẻ: “Nhu cầu đọc fantasy của giới trẻ rất cao. Fantasy không chỉ gói gọn trong văn chương, mà còn hiện diện trong điện ảnh, hội họa, và đặc biệt là game. Lãnh địa rộng lớn này thực sự là nơi thử sức đáng giá với những người sáng tác trẻ”. Nhà văn trẻ Nhật Phi cũng cho rằng, thế hệ tác giả trẻ lớn lên trong những không gian mới đa văn hóa, nhiều sắc màu với tivi, truyện tranh và game, internet, ở trong những không gian tưởng tượng siêu hình ấy, có thể họ còn được sắm vai và sống một cuộc đời ảo song song với cuộc đời thực. Đó cũng là một phần lý do đưa tác giả và độc giả ngày nay đến gần văn học fantasy.
Song, mảnh đất fantasy đầy tiềm năng dường như chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các tác giả Việt. Giữa vô số đầu sách tản văn, tự truyện “ào ào” xuất hiện, số lượng tác phẩm fantasy hoặc mang yếu tố fantasy là quá ít ỏi. Ta mới có “Thiên Mã" của Hà Thủy Nguyên, "Huyền thoại lục địa MU" của Tô Đức Quỳnh, "Urem - Người đang mơ" của Phạm Bá Diệp, "Người ngủ thuê" của Nhật Phi, "Hạt hòa bình" của Minh Moon, “Những người bạn của Kathy” của Thu Hà, “Những hốc nhà bí hiểm” của Hàn Băng Vũ, “Nhóc tì nhà rối rắm” của Nguyễn Thị Kim Ngân...
Một trong những nguyên nhân, như tác giả Ngân Zeta từng “than thở”, đó là “viết fantasy rất khó”. Bởi trí tưởng tượng mới chỉ là cánh cửa đầu tiên đưa tác giả bước vào cánh đồng fantasy, còn để xây dựng nhân vật, tình tiết trong thế giới không thực nhưng lại vẫn đảm bảo tính logic nhất định không phải điều dễ dàng. Điều này có thể thấy ở các tác giả “nhí” như Thùy Dương hoàn thành "Kim cương" khi 15 tuổi, như Nguyễn Bình viết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” lúc mới lên 10, hay gần đây cậu học trò lớp 6 Cao Việt Quỳnh xuất bản tác phẩm đầu tay “Người sao chổi”. Trí tưởng tượng kỳ diệu với phép thuật, siêu hình... là “đặc sản” của các tác giả nhỏ tuổi, nhưng vốn văn hóa, ngôn ngữ, tính logic ở họ đa phần vẫn còn non nớt, dễ mang “sạn” vào tác phẩm.
Mới đây, tác giả Nguyễn Dương Quỳnh cho ra mắt “Thiên cầu ma thuật”, cuốn sách fantasy dành cho trẻ em. Thực ra, truyện được Dương Quỳnh đặt bút viết từ những năm học đầu cấp 2, và giờ đây, khi đã thành danh với một số thể loại khác, chị quay lại bởi nhận ra câu chuyện viết thời thơ ấu tuy non nớt nhưng tràn đầy ý tưởng. “Thiên cầu ma thuật” tuy mang nhiều dấu vết của truyện tranh, tiểu thuyết trẻ em nước ngoài, phim siêu nhân, nhưng cũng có nhiều chi tiết vụn vặn thường nhật của đứa nhóc tỉnh lẻ Việt Nam những năm 1990 như những kỳ thi học sinh giỏi, chuyện bị Sao Đỏ ghi tên vì quên khăn quàng, hay những buổi trưa trốn học... khiến câu chuyện giả tưởng trở nên gần gũi với độc giả Việt.
Tìm thấy yếu tố Việt trong truyện fantasy có lẽ là điều mà nhiều độc giả Việt mong chờ. Kho tàng văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và không ít yếu tố huyền ảo sẽ là nguồn tài nguyên phong phú cho các tác giả khai thác, để tác phẩm của mình không bị chìm trong rất nhiều tác phẩm fantasy ngoại nhập. Như cách đây không lâu, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã có “cú chuyển mình ngoạn mục từ địa hạt văn học truyền thống sang giải trí” khi cho ra mắt tiểu thuyết có yếu tố fantasy - “Bãi săn”. Nhuốm màu sắc huyền sử, dã sử đan xen tính kỳ ảo, chất trinh thám, “Bãi săn” được cho là tác phẩm fantasy mang đậm chất Việt. Và để hái được quả ngọt ấy, nhà văn đã phải đọc rất nhiều sách về lịch sử, các truyện cổ tích, truyền thuyết...
Khẳng định vai trò “bà đỡ” cho các tác phẩm fantasy, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng, văn học fantasy không chỉ mở ra thế giới tưởng tượng mà còn mang đến những bài học cuộc sống, bài học làm người, do đó, nhà xuất bản luôn sẵn lòng đầu tư, phát triển dòng văn học này. Tương tự, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng dành sự quan tâm đến các tác giả trẻ và thể loại fantasy khi giới thiệu một số tác phẩm fantasy dành cho trẻ em, đồng thời từng tổ chức kêu gọi bản thảo, những câu chuyện và kịch bản hay cho sách tranh thể loại fantasy với chủ đề “Thế giới kỳ ảo và Quyển sách của bạn”.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/988697/canh-dong-fantasy-viet-van-cho-khai-pha