Cảnh giác thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều chiêu trò, thủ đoạn mới của tội phạm giả danh cảnh sát giao thông báo “phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả danh công an để dừng xe các tài xế ô tô, sau đó dàn cảnh, đánh lạc hướng nạn nhân để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản... gây hoang mang dư luận, cần triệt phá, xử lý nghiêm các đối tượng này.

Cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Phúc Yên lấy lời khai đối tượng Lại Quốc Việt trong vụ dàn cảnh, giả danh công an để trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn thành phố Phúc Yên ngày 3/7/2021.

Cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Phúc Yên lấy lời khai đối tượng Lại Quốc Việt trong vụ dàn cảnh, giả danh công an để trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn thành phố Phúc Yên ngày 3/7/2021.

Có thể thấy, các thủ đoạn phạm tội lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, song không phải người dân nào cũng có đủ kiến thức, kỹ năng để xử lý tình huống. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Mới đây, ngày 3/7, Công an thành phố Phúc Yên đã bắt một ổ nhóm 4 đối tượng câu kết với nhau để dàn dựng kịch bản giả danh công an chặn xe, trộm cắp tài sản. Khi bị phát hiện, bắt giữ, bọn chúng sẵn sàng dùng hung khí nguy hiểm được chuẩn bị từ trước hung hãn chống trả lại lực lượng chức năng hòng thoát thân.

Vào khoảng 9h30 ngày 3/7, anh Lê Văn Trình, trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang điều khiển ô tô lưu thông trên đường trục đô thị Mê Linh, thuộc địa bàn thành phố Phúc Yên thì bị 4 đối tượng nam giới giả danh công an dàn cảnh trộm cắp 12 triệu đồng và nhiều giấy tờ tùy thân.

Nhận được đơn trình báo của nạn nhân, Công an thành phố Phúc Yên đã khẩn trương vào cuộc, nhanh chóng điều tra, làm rõ thủ phạm gây án là 4 đối tượng: Phạm Tuấn Đạt, SN 1969; Nguyễn Đức Chiến, SN 1966; Lại Quốc Việt, SN 1963; Vũ Hành Tùy, SN 1978, đều trú tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Lực lượng công an đã bắt giữ được 3 đối tượng, còn Vũ Hành Tùy hiện đang bỏ trốn.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Lại Quốc Việt khai nhận, người chúng thường nhắm tới để trộm cắp tài sản là tài xế xe tải, xe con đi một mình. Khi phát hiện được mục tiêu, chúng sẽ dùng thủ đoạn chia cặp.

Hai đối tượng ngụy trang bằng cách ăn mặc lịch sự giả danh là công an đang làm nhiệm vụ để yêu cầu lái xe dừng lại làm việc, lấy cớ nói chuyện nhằm đánh lạc hướng tạo điều kiện cho 2 đối tượng còn lại thừa cơ lẻn vào khoang lái trộm cắp tài sản.

Trung úy Lê Văn Công, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Phúc Yên cho biết: “Hiện nay có rất nhiều đối tượng giả danh ngành tư pháp, lực lượng chức năng để thực hiện hành vi phạm tội. Chúng tôi lưu ý người dân rằng, lực lượng công an khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc quân phục và có thẻ ngành. Trong trường hợp đặc biệt, khi mặc thường phục cũng vẫn phải có thẻ ngành hoặc giấy tờ do ngành cấp để chứng minh là lực lượng công an.

Chính vì vậy, người dân đang lưu thông trên đường, khi gặp công an yêu cầu dừng xe thì cần đề nghị người đó xuất trình giấy tờ liên quan đến ngành, nếu họ không xuất trình được, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phải nghĩ đến ngay đây là các đối tượng giả danh công an để thực hiện hành vi phạm tội và có biện pháp đối phó, xử lý.

Khi gặp các đối tượng có hung khí nguy hiểm, lực lượng áp đảo, nạn nhân cần hết sức bình tĩnh, không được chống trả để bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân. Trong trường hợp này, các lái xe cần ghi nhớ đặc điểm nhận dạng, phương tiện của các đối tượng để kịp thời báo cho cơ quan chức năng một cách nhanh chóng, kịp thời”.

Cũng với hành vi giả danh lực lượng công an, trong tháng 6/2021, Công an thành phố Vĩnh Yên cũng nhận được nhiều cuộc gọi của công dân để giải đáp thắc mắc, tư vấn khi bỗng dưng họ nhận được cuộc gọi từ những số máy lạ, tự xưng là cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông báo cho bị hại về việc "phạt nguội" và yêu cầu nộp tiền phạt vào số tài khoản hoặc mã OTP mà bọn chúng cung cấp.

Trong trường hợp này, người dân cần lưu ý, khi bị “phạt nguội”, cơ quan chức năng sẽ phải thông báo bằng văn bản gửi cho tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời yêu cầu người vi phạm đến trụ sở cơ quan công an để xác định chính xác hành vi vi phạm. Nghĩa là mọi việc được tiến hành công khai, minh bạch không có chuyện chỉ làm việc qua điện thoại, không có chuyện mập mờ danh tính của người trực tiếp giải quyết vi phạm.

Bài, ảnh: Khánh Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/64778/canh-giac-thu-doan-gia-danh-cong-an-de-lua-dao.html