Cảnh giác trước nguy cơ thiên tai diễn biến bất thường

Tuy tình hình mưa lũ chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng nguy cơ bị ngập lụt vào cao điểm mùa mưa vẫn cận kề. Do đó, các địa phương đã chủ động trong xây dựng phương án cũng như triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai.

Người nuôi cá bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán) chủ động di dời bè cá vào khu an toàn trong cao điểm mùa mưa lũ. Ảnh:L.Quyên

Người nuôi cá bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán) chủ động di dời bè cá vào khu an toàn trong cao điểm mùa mưa lũ. Ảnh:L.Quyên

Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, càng về cuối năm, bão càng có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam. Do đó, Nam Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của ít nhất 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Nguy cơ bão lụt gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, vẫn rất lớn. Các địa phương đang tập trung các giải pháp phòng, chống với tinh thần sẵn sàng ứng phó trước thiên tai, bão lũ.

Nguy cơ mưa lũ, ngập lụt vẫn cao

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, khi xảy ra mưa lũ, nhất là khi các thủy điện xả lũ, những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã: Đak Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (huyện Tân Phú); Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (huyện Định Quán); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán có nguy cơ bị ngập lụt do lũ. Các vùng thấp ven sông ở hạ lưu sông Đồng Nai tại các phường, xã thuộc thành phố Biên Hòa và các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch có nguy cơ bị ngập lụt do lũ (triều cường ở hạ lưu).

Trong tháng 9-2024, một số địa phương trên đã xảy ra ngập lụt do mưa to kéo dài. Đặc biệt, vào ngày 22-9, nước sông Đồng Nai lên nhanh, tại Trạm Tà Lài (huyện Tân Phú) thời điểm cao nhất đạt báo động 3. Đây là mực nước cao nhất được ghi nhận trong năm nay. Đợt mưa to này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại một số địa phương.

Theo UBND huyện Định Quán, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đa số các hộ nuôi cá bè trên địa bàn huyện đã nhận thức rõ việc di dời bè cá vào vùng an toàn; chủ động thu hoạch cá, không thả giống vào thời điểm mưa lũ để giảm rủi ro thiên tai. Thông qua các nhóm chat Zalo, chính quyền địa phương kịp thời thông báo về tình hình thời tiết, các hoạt động xả lũ của thủy điện... để người nuôi cá bè chủ động ứng phó.

Bà Nguyễn Thị Cúc (ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) chia sẻ, đợt mưa lớn ngày 22-9, hàng chục hécta lúa tại ấp 4, xã Tà Lài bị ngập sâu trong nước, nhiều ruộng bị mất trắng. Diện tích lúa còn lại cũng bị thưa vì nhiều cây mạ ngập úng, làm giảm năng suất của vụ thu hoạch tới.

Trạm trưởng Trạm Khí tượng môi trường Tà Lài Vũ Quốc Hùng nhận xét, từ đầu mùa mưa đến nay, tình hình mưa lũ chưa có diễn biến phức tạp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thời gian tới, nguy cơ mưa lũ có thể diễn biến phức tạp và nhiều hơn năm ngoái. Từ tháng 9, thời tiết đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn trên địa bàn nên hoạt động đo mực nước tại trạm tăng lên 8 lần/ngày đêm. Trạm vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình xả lũ của thủy điện. Khi mưa lũ phức tạp, tại trạm có thể tổ chức đo 24 lần/ngày đêm.

Vào cao điểm mưa lũ, người nuôi cá bè trên sông Đồng Nai luôn trong tâm trạng thấp thỏm lo âu nước lớn, lũ về. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động hơn trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa thiệt hại do thiên tai; kịp thời nắm bắt thông tin về hoạt động xả lũ của thủy điện, người nuôi cá bè trên hồ Trị An chủ động kéo bè vào nơi an toàn trước khi lũ về nên đến nay chưa có thiệt hại xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Nhất (hộ nuôi cá bè ở xã La Ngà, huyện Định Quán) cho biết, gia đình ông đã chủ động thu hoạch toàn bộ 10 dèo cá trước mùa mưa lũ. Dù đã thu hoạch hết lượng cá lớn nhưng gia đình ông vẫn chủ động di dời bè xa khỏi khu vực đầu nguồn đến khu vực nuôi mới theo quy hoạch để tránh rủi ro, thiệt hại do mưa lũ.

Cảnh giác trước sự bất thường của thiên tai

Trước dự báo nguy cơ mưa lũ có thể diễn biến phức tạp và nhiều hơn từ nay đến cuối năm, từ chính quyền đến người dân đều không chủ quan trong công tác phòng, chống bão lũ.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài Đặng Xuân Lâm, từ đầu năm 2024, xã đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Khi xảy ra mưa lớn, UBND xã triển khai cho cán bộ phụ trách kiểm tra từng địa bàn; khu vực nào có nguy cơ thì triển khai lực lượng cứu hộ. Dự báo thời tiết những tháng cuối năm có thể lượng mưa nhiều hơn mọi năm, chính quyền chủ động triển khai phương án phòng, chống. Ngoài lực lượng công an, quân sự và cán bộ xã thì lực lượng tình nguyện ở ấp rất tích cực, khi cần có thể huy động được hàng chục người tham gia. Người dân cũng sẵn lòng góp sức cũng như xe tải, xuồng ghe trong công tác cứu hộ. Với cây lâu năm, nông dân cũng chủ động đào mương, đắp bờ để bảo vệ cây trồng.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Ngọc Hưng cho biết, vào những tháng cao điểm mùa mưa lũ, huyện tập trung công tác chỉ đạo, thường xuyên nắm bắt thông tin dự báo thời tiết, hoạt động xả lũ của thủy điện... để kịp thời cảnh báo đến người dân. Huyện có 2 kênh thông tin chính là phát hành văn bản, đồng thời lập các nhóm chat Zalo cập nhật 24/24 thông tin cũng như thông báo đến người dân. Đợt mưa cuối tháng 9-2024, trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ sạt lở nhỏ. Ở các xã: Đak Lua, Thanh Sơn, Phú Sơn, Phú An có nguy cơ sạt lở từ năm trước, huyện cũng tăng cường hoạt động cảnh báo, đồng thời làm việc với các hộ dân ở những khu vực trên ký cam kết thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai. Địa phương cũng bố trí những điểm trú ngụ để người dân có thể đến trú tạm khi xảy ra sự cố. Đối với hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn, ngay đầu mùa mưa từ tháng 5, huyện đã làm việc với các hộ nuôi để người dân chủ động thu hoạch sớm, tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Lê Quyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/canh-giac-truoc-nguy-co-thien-tai-dien-bien-bat-thuong-2566ece/