Cảnh giác với Trung Quốc, Ấn Độ siết chặt việc ký kết các MoU giáo dục

Sau khi tham vấn với Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục Ấn Độ đang xem xét quy định bắt buộc các trường đại học của nước này phải xin phép chính phủ trước khi ký kết bất kỳ biên bản ghi nhớ (MoU) nào với các cơ sở giáo dục của những quốc gia có chung biên giới trên bộ với Ấn Độ.

Theo Hindustan Times ngày 21/10, đề xuất trên được Bộ Giáo dục Ấn Độ đưa ra sau cuộc rà soát hồi đầu tháng 8 đối với các trung tâm Khổng Tử do Trung Quốc tài trợ nằm trong các trường đại học ở quốc gia Nam Á và cả các MoU đã ký giữa các trường đại học hai nước.

Sinh viên Ấn Độ tham dự các sự kiện văn hóa Trung Quốc tại Viện Khổng Tử ở Ấn Độ. (Nguồn: Đại học VIT)

Sinh viên Ấn Độ tham dự các sự kiện văn hóa Trung Quốc tại Viện Khổng Tử ở Ấn Độ. (Nguồn: Đại học VIT)

Chương trình Khổng Tử được Văn phòng Hội đồng Hán ngữ quốc tế Trung Quốc tài trợ. Văn phòng này có quan hệ với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UFWD) hiện do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.

Với mục đích giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, song chương trình Khổng Tử bị cáo buộc quảng bá quan điểm của Trung Quốc và hoạt động như một công cụ tuyên truyền. Một số nước như Australia và Mỹ trước đó đã có vấn đề với các cơ sở này.

Hiện Viện Khổng Tử có quan hệ với 7 trường đại học lớn ở Ấn Độ. Tính đến ngày 1/4 năm nay, tổng cộng 54 MoU đã được ký kết giữa các cơ sở giáo dục của Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó có các chương trình trao đổi sinh viên và chuyên môn.

Được biết, mặc dù ban đầu Bộ Ngoại giao Ấn Độ do dự trong việc quy định bắt buộc xin cấp phép trước khi thiết lập các quan hệ đối tác như vậy nhưng hiện bộ này đã không còn phản đối kế hoạch của Bộ Giáo dục.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao cho hay: “Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với Bộ Giáo dục. Giờ đây, họ sẽ phải thực hiện điều này thông qua một sắc lệnh”.

Trước đây, các trường đại học Ấn Độ ký MoU với các tổ chức ở nước ngoài mà không phải thông báo với Bộ Giáo dục hay Bộ Ngoại giao. Bộ Giáo dục cũng đã yêu cầu cả Đại học Mumbai và Trường Ngôn ngữ Trung Quốc ở Kolkata trình các tài liệu liên quan đến quan hệ đối tác của họ cũng như chi tiết về các hoạt động trao đổi của họ với trụ sở Viện Khổng Tử ở Trung Quốc để xem xét.

(theo Hindustan Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canh-giac-voi-trung-quoc-an-do-siet-chat-viec-ky-ket-cac-mou-giao-duc-126839.html