Cảnh hỗn loạn trong 'cơn khát' tiền mặt ở Afghanistan
Sau hơn 1 tuần đóng cửa, các ngân hàng ở Afghanistan đang bắt đầu hoạt động trở lại. Rất nhiều người đổ xô đến những địa điểm này trong 'cơn khát' tiền mặt nên các ngân hàng được ví không khác gì sân bay Kabul.
Các tổ chức tài chính ở Kabul gần như đóng cửa vào chiều 15-8, ngay trước khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn và lực lượng Taliban tiến vào Thủ đô. Ban đầu, việc đóng cửa ngân hàng là do lo ngại sẽ xảy ra cảnh đổ máu và cướp bóc. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, các ngân hàng vẫn đóng cửa do Washington cắt quyền tiếp cận 7 tỷ USD dự trữ vàng và tiền mặt của Ngân hàng Trung ương Afghanistan tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hoãn việc phân bổ 460 triệu USD cho Afghanistan trong tuần này. Vài ngày trước khi Taliban tiếp quản, hàng chục nghìn đổ xô đến các ngân hàng và máy rút tiền ATM trên khắp Thủ đô Kabul. Trong một xã hội dựa vào tiền mặt như Afghanistan, tác động kép của việc đóng nguồn cung tiền mặt và sự sụp đổ của chế độ cầm quyền khiến người ta phải lo xa.
Không rút được tiền, tương lai bấp bênh
Massoud, 35 tuổi, ở Kabul đã mất 10 ngày loay hoay với khoản tiền để dành chu cấp cho gia đình ở tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan. Anh có 20.000 Afghanis (232 USD) trong ngân hàng, nhưng ngay cả khi các ngân hàng được mở lại, việc lấy được tiền có thể mất vài ngày nữa. Đến 10h sáng 25-8, Massoud đã xếp hàng đợi 4 tiếng đồng hồ mà vẫn không thể vào bên trong ngân hàng. Để kiếm sống ở Thủ đô, anh đã đi làm thuê công nhật nhưng việc làm hiện thời bấp bênh.
Số tiền mà Massoud dành dụm được là từ khi phục vụ Lực lượng An ninh quốc gia Afghanistan, đóng quân ở Kandahar, miền Nam Afghanistan.
“Chúng tôi đã bị bao vây rất nhiều lần. Chúng tôi đã phải chiến đấu mà không có thức ăn và nước uống. Chưa hết, chính phủ quyết định rời đi, chúng tôi không lấy được số tiền mà mình đã chiến đấu vì nó” - Massoud nói.
Hiện tại Taliban đã đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh cho Afghanistan, vì thế hầu hết các thành viên lực lượng vũ trang trước đây tự hỏi khi nào họ mới được nhận lương lần cuối. “Làm thế nào chúng tôi có thể chắc chắn rằng họ sẽ trả tiền cho chúng tôi?” - một cựu nhân viên an ninh khác nói.
Wafiullah từng làm việc tại Bộ Nội vụ. Ông đã mất 4 tiếng xếp hàng để rút 150.000 Afghanis (1.742 USD) trong tài khoản của mình. Nhà có 8 người, nhưng ông phần nào yên tâm vì đã có khoản tiền mặt đủ chi tiêu trong 3 tháng. Nhưng giống như rất nhiều người khác, ông không chắc mình sẽ có việc làm trong tương lai, cũng như không tin rằng các ngân hàng có thể đáp ứng hết dòng người đổ xô tìm cách rút càng nhiều tiền của họ càng tốt.
Thách thức về quản lý tài chính đối với Taliban
Taliban hiện vẫn chưa công bố cơ cấu lãnh đạo và quản lý. Tuần trước, nhóm này cho biết Bộ Tài chính sẽ đảm bảo các khoản thanh toán cho tất cả công chức Afghanistan, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về lời hứa đó. Hôm 23-8, Taliban đã bổ nhiệm ông Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương, nhưng họ sẽ phải trải qua chặng đường dài để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.
Cùng ngày các ngân hàng ở Afghanistan mở cửa trở lại, Ngân hàng Thế giới thông báo rằng họ sẽ cùng IMF và Mỹ cắt hỗ trợ cho nhà nước hiện tại do Taliban lãnh đạo. Các cố vấn kinh tế và doanh nhân cho rằng, tất cả các lệnh hủy bỏ và trừng phạt này sẽ khiến Taliban không thể kiểm soát tình hình tài chính của Afghanistan, buộc họ phải tìm cách để có được niềm tin và tái gia nhập thị trường toàn cầu.
Sự căng thẳng vì phải chờ đợi được rút tiền khiến đám đông bên ngoài Ngân hàng New Kabul ở khu Shahr-e-Naw bị kích động. Họ bắt đầu đập phá cửa sổ phía trước hành lang dẫn vào bên trong. Khi tấm kính vỡ tan, đám đông bắt đầu la hét, xông vào. Nhìn vào tình trạng lộn xộn này, nhiều người nghĩ các ngân hàng đang trở thành sân bay mới, y hệt cảnh căng thẳng bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul hiện nay, khi chỉ còn vài ngày nữa là quân đội Mỹ hết thời hạn đưa người ra khỏi Afghanistan.