Cánh tay đắc lực hỗ trợ nền kinh tế ổn định và phục hồi trong mùa dịch

Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trong 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở cả 4 lần bùng phát nên tỉnh Ninh Bình có điều kiện để duy trì tốc độ phát triển kinh tế, kiên định với 'mục tiêu kép' mà Chính phủ đã đề ra thông qua nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành ngân hàng được xem như cánh tay đắc lực để giúp nền kinh tế ổn định, phục hồi.

Giao dịch tại Ngân hàng CPTM Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Ninh Bình.

Giao dịch tại Ngân hàng CPTM Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Ninh Bình.

Ngay từ khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông Hoàng Huy Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CPTM Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Ninh Bình cho biết: Dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, ngành Ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng luôn đồng hành cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm duy trì và từng bước vực dậy nền kinh tế.

Để hỗ trợ trực tiếp khách hàng, Vietcombank đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực như thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất, giảm chi phí trên diện rộng, thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục thực hiện 7 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2020 là 3.290 tỷ đồng; năm 2021 dự kiến khoảng hơn 6.100 tỷ đồng.

Riêng đối với Vietcombank Ninh Bình, năm 2021, tổng số khách hàng được hỗ trợ lãi suất là 1.418 khách hàng với tổng số tiền được hỗ trợ khoảng 6,7 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất trong năm 2021 cũng giảm khoảng 1% so với năm 2020. Tùy vào tình hình kiểm soát bệnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế, Vietcombank sẽ có những điều chỉnh phù hợp để đồng hành hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi nền kinh tế.

Là khách hàng nhiều năm nay của Vietcombank, ông Nguyễn Anh Tuyến, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH nhựa và thiết bị y tế Việt Nam cho biết: Hoạt động sản xuất nói chung và xuất khẩu nói riêng của các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do dịch bệnh bùng phát kéo dài dẫn đến việc hạn chế đi lại, gia tăng chi phí cả 2 chiều xuất và nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc khôi phục sản xuất ở các nước trên thế giới dẫn đến tình trạng bị khủng hoảng năng lượng. Hiện giá xăng tăng rất cao dẫn đến giá vận chuyển bằng cả đường thủy và đường bộ tăng từ 200-300%. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào cũng đang tăng giá và khan hiếm.

Chính vì vậy, 10 tháng năm nay sản lượng của Công ty mới chỉ đạt 80% so với cùng kỳ. Hiện Công ty có 2 nhà máy nhưng công suất mới chỉ hoạt động từ 30-75%, tập trung vào một số mã hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay được sự hỗ trợ của Vietcombank chi nhánh Ninh Bình, Công ty đã có thêm nguồn vốn với lãi suất hợp lý để ổn định sản xuất. Chúng tôi mong rằng, trong giai đoạn này, ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đây là giải pháp quan trọng nhất giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung này.

Nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, Ngân hàng CPTM Phương Đông chi nhánh Ninh Bình (OCB) đã triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất 2.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp. Đối với khách hàng cá nhân, OCB đã thực hiện việc cơ cấu nợ, giãn thời hạn trả nợ cho những khách hàng khó khăn do dịch COVID-19; miễn, giảm một số loại phí nhằm giảm áp lực tài chính cho khách hàng.

Ngoài ra, OCB cũng ban hành một số gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng mới vay vốn tại OCB như gói tín chấp 200 tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng là cán bộ, nhân viên trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp hợp tác; gói lãi suất ưu đãi 5.000 tỷ đồng cho khách hàng vay mua nhà đất. Hiện đã có trên 200 khách hàng được áp dụng gói tín dụng này.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc OCB chi nhánh Ninh Bình cho biết: Mặc dù mới đi vào hoạt động tại Ninh Bình nhưng OCB đã có số lượng khách hàng khá lớn với trên 8.000 khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân. Cùng với hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn, OCB chi nhánh Ninh Bình đã nhanh chóng áp dụng các chính sách về tài chính ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ các sản phẩm ứng dụng ngân hàng số nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh như: hỗ trợ khách hàng mở thẻ tín dụng qua kênh trực tuyến ekyc, ưu đãi, miễn, giảm phí giao dịch... nhằm thúc đẩy các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình, năm 2021, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tiếp tục đảm bảo vốn cho phát triển sản xuất và tiêu dùng. Tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 55.079 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 93.580 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, số dư nợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn 3.409 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng đã góp phần thực hiện "mục tiêu kép" với tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 45.425 tỷ đồng, tăng 5,73% so với năm 2020. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 4.411 tỷ đồng, tăng 2,99%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 18.133 tỷ đồng, tăng 6,1%, riêng công nghiệp đạt trên 14.017 tỷ đồng, tăng 6,76%; khu vực dịch vụ đạt 15.377 tỷ đồng, tăng 4,08%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 41.442 tỷ đồng, tăng 14% và vượt 2,3% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,79 tỷ USD, tăng 6,1%, vượt 16,1% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 6,2%.

Đại diện phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh đánh giá: Nhìn vào tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 12% so với đầu năm cho thấy, nền kinh tế trong tỉnh có sự tăng trưởng, các doanh nghiệp vẫn hấp thụ được nguồn vốn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là một tín hiệu mừng cho thấy các chính sách tài khóa nói riêng, các chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế trong giai đoạn này của Chính phủ và của tỉnh nói chung đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Thời gian này, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng nguồn vốn tín dụng và tăng cường các giải pháp huy động nguồn vốn tín dụng để các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi hợp lý.

Đồng thời trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Bình về điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/canh-tay-dac-luc-ho-tro-nen-kinh-te-on-dinh-va-phuc-hoi/d2021121608464907.htm