Cạnh tranh thiếu công bằng trong vận tải hành khách

Xe ô-tô cá nhân ngày càng nhiều và thị trường vận tải hành khách ngày càng được mở rộng đã khiến loại hình vận chuyển hành khách tuyến cố định truyền thống lâm vào cảnh khó khăn. Trước thực trạng này, nhiều nhà xe truyền thống ở TP Huế và Đà Nẵng đã tuyên bố bỏ 'nốt', bỏ tuyến, giải nghệ.

Xe "dù" chạy tuyến TP Huế - Quảng Trị, TP Huế - Quảng Bình lập bến cóc cạnh Bệnh viện T.Ư Huế.

Xe "dù" chạy tuyến TP Huế - Quảng Trị, TP Huế - Quảng Bình lập bến cóc cạnh Bệnh viện T.Ư Huế.

Bỏ bến, gom khách

“Nốt” xe tuyến cố định Huế - Đà Nẵng khởi hành từ 4 giờ 30 phút đến 5 giờ ngày thứ hai hằng tuần tại bến xe phía nam TP Huế từng được ví là “vàng”, “kim cương”, bởi luôn có một lượng lớn khách là cán bộ, nhân viên, sinh viên Huế đi học, làm việc tại Đà Nẵng. Những chuyến xe (loại xe 29 chỗ) xuất phát trong khung giờ này chưa từng ế khách. Thậm chí, hành khách còn phải năn nỉ để được lên xe, đứng suốt hành trình hơn 100 km vào Đà Nẵng cho kịp giờ làm.

Chị Trương Kim Anh, ở đường Phùng Hưng, TP Huế kể lại: “Hồi đó, tôi phải dậy từ 3 giờ sáng, nhờ người nhà chở qua bến xe. Nếu kịp đi hai chuyến đầu thì còn kịp giờ làm ở Đà Nẵng. Khách nhiều cho nên nhà xe cũng “chảnh”, dù xe cũ và không mấy khi sạch sẽ. Khách đến bến không kịp lên xe còn bị nhà xe mắng”. Hơn một năm nay, chị Kim Anh và rất nhiều người khác không phải ra bến để mua vé đi xe vào Đà Nẵng. Thay vào đó, chị sử dụng dịch vụ xe ké, xe ghép, thậm chí là cả xe “dù” để đi làm. Những nhà xe này phần lớn sử dụng xe từ bốn đến bảy chỗ rao nhận khách trên mạng in-tơ-nét. Khách có nhu cầu, gọi điện cho nhà xe để đặt chỗ. Các xe này nhận đón, trả tại nhà theo yêu cầu của hành khách.

Một lái xe của Hợp tác xã Vận tải Phi Long chuyên chạy tuyến TP Huế - Đà Nẵng và ngược lại, than thở: Từ ngày có xe ké, xe ghép, xe "dù", khách đi xe tuyến cố định của Hợp tác xã đã giảm hẳn. Cũng chạy vào sáng thứ hai, nhưng có hôm trên xe có chưa đến 10 khách; lượt về còn ít hơn. Nhiều lúc phải chạy xe không, trong khi phí, thuế hợp tác xã vẫn phải nộp đủ cho hai bến xe ở TP Huế và Đà Nẵng. Bức xúc trước tình trạng này, các nhà xe đã có văn bản gửi bến xe, các cơ quan chức năng. Trên tuyến, đôi lúc các nhà xe cố định truyền thống vẫn bắt gặp các xe “dù” đón khách và đã xảy ra xô xát, nhất là ở đoạn cổng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Bên chặt, bên rộng

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Huế Phạm Xuân Sơn xác nhận: “Không riêng tuyến TP Huế - Đà Nẵng và ngược lại, tình trạng xe “dù”, xe ké, xe góp và cả xe hợp đồng trá hình đã, đang gây khó khăn cho các nhà xe chạy tuyến cố định truyền thống, nhất là ở các tuyến có cự ly ngắn từ 300 km trở lại. Theo thống kê của bến xe, lượng khách đến bến để đi xe đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Có những tuyến, lượng khách đã giảm quá 50% so với trước. Thậm chí, các chủ xe “dù”, xe góp đã lập hẳn những bến cóc ngay tại trung tâm thành phố để đón khách đi các tỉnh, thành phố phía bắc như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội”.

Chủ tịch Hiệp hội Xe khách Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Long cho biết, đang có xu hướng người dân bỏ tiền mua xe loại từ bốn đến bảy chỗ, chạy bằng nhiên liệu đi-ê-den, nhận chở khách như xe hợp đồng. Bên cạnh đó, cũng có một số người vay ngân hàng để mua xe kinh doanh. Nếu chở khách tuyến TP Huế - Đà Nẵng với giá 100 nghìn đồng/người/lượt, nếu lượt đi và về đầy khách, chủ xe bảy chỗ thu được 1,4 triệu đồng trừ chi phí nhiên liệu và hai trạm BOT, họ còn một triệu đồng. Qua theo dõi, chúng tôi phát hiện có những xe chạy từ ba đến bốn vòng/ngày. Như vậy, mỗi tháng họ thu từ 30 đến 40 triệu đồng.

Cũng theo ông Long, các xe chạy tuyến cố định truyền thống do phải chấp hành quy định của Nhà nước, đón trả khách tại bến, trong khi các bến đều cách xa trung tâm thành phố từ 5 đến 10 km, thì có sự bất lợi hơn so với xe “dù”, tổ chức đón trả khách tại nhà. Hơn nữa, các xe “dù”, xe ghép, xe ké đã giành hết khách cho nên nguồn thu nhập của các chủ xe chạy tuyến truyền thống không bảo đảm để tái đầu tư, khiến phương tiện ngày càng cũ, xấu. Phó Tổng Giám đốc Bến xe Trung tâm Đà Nẵng Phạm Lợi cho rằng, cần đối xử công bằng với các nhà xe chạy tuyến cố định truyền thống, bởi các nhà xe này đã chấp hành nghiêm quy định Nhà nước. Tuy nhiên, các nhà xe này cần cải thiện chất lượng phục vụ để tự cứu mình trước.

Để bảo đảm quyền lợi cho hoạt động của bến, cũng như các chủ xe chạy tuyến cố định truyền thống, các bến xe, hiệp hội vận tải đã nhiều lần có công văn gửi lãnh đạo hai địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, cùng các cơ quan liên quan. Nhưng theo Giám đốc Xí nghiệp Bến xe phía bắc (TP Huế) Lê Viết Hoài: “Cứ ba tháng, chúng tôi có một văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Đi kèm kiến nghị là một danh sách các xe chạy “dù”, chạy ké. Đáng buồn là cứ mỗi lần gửi, danh sách này lại dài hơn. Trong khi đó, do không cạnh tranh được, tám trong số 10 đầu xe tuyến Huế - Hà Nội đã tuyên bố bỏ tuyến. Các nhà xe chạy tuyến TP Huế - Đông Hà hồi đầu năm 2017 cũng đã tạm dừng hoạt động”.

ĐÀ TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35058502-canh-tranh-thieu-cong-bang-trong-van-tai-hanh-khach.html