Cao Bằng: Đồng hành cùng hội viên, phụ nữ liên kết sản xuất, phát triển thương mại miền núi
Ngay trong địa bàn tỉnh Cao Bằng, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và các hộ gia đình sản xuất ngày càng chủ động hơn trong việc kết nối chặt chẽ với các đơn vị phân phối để mở rộng thị trường cho hoạt động thương mại, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm địa phương.
Bà Hoàng Thị Tấm, Cửa hàng Thương mại tổng hợp Cao Bằng, cho biết: Mặc dù ở địa bàn vùng miền núi tỉnh Cao Bằng, nhưng những năm qua, cửa hàng luôn có được nguồn hàng hóa đa dạng, dồi dào các loại sản phẩm đặc trưng vùng miền. Các hoạt động kết nối 2 chiều ngày càng chặt chẽ, gắn kết hơn giữa đơn vị phân phối, cửa hàng, với đơn vị sản xuất là các HTX, tổ hợp tác và các nông hộ. Các mặt hàng nông sản địa phương phần lớn là sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, sản phẩm OCOP được người tiêu dùng quan tâm, sức tiêu thụ mạnh, giá ổn định.
Hiện nay, nhờ có sự liên kết chặt chẽ này mà giá cả, hàng hóa cung ứng ra thị trường ổn định hơn, đặc biệt là các mặt hàng đặc trưng như: Gạo nếp Hương Bảo Lạc, lạc đỏ, đỗ xanh bóc vỏ, vừng đen, vừng trắng, miến dong, trứng vịt, gà đạt tiêu chuẩn OCOP.... Những mặt hàng này được kết nối trực tiếp từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, nên giảm được các lớp trung gian, đến tay người tiêu dùng nhanh hơn với chất lượng sản phẩm cao hơn, giảm chi phí lưu trữ bảo quản.
Bằng hình thức liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chị Hoàng Thị Trang, Chủ cửa hàng thực phẩm nông sản An Lành (phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng) hiện có gần 100 mặt hàng, trong đó 90% là nông sản địa phương thuộc các nhóm thực phẩm, rau quả tươi được sơ chế, phân loại: Để đảm bảo nguồn hàng quanh năm, chúng tôi duy trì sản xuất rau, củ, quả theo mô hình 3.000 m2 nhà màng, nhà lưới tại xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo; liên kết với nhiều nhà vườn, hộ gia đình tại các địa phương trong tỉnh cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn như rau xanh, gừng, nghệ, mật ong, dưa lưới, thịt lợn đen, đỗ xanh, lạc, gà, vịt, trứng... Tập trung đổi mới hình thức bán hàng, ngoài bán trực tiếp còn nhận ship các đơn đặt hàng theo nhu cầu người mua. Hiện, mức tiêu thụ hàng nông sản qua các trang mạng xã hội của cửa hàng chiếm trên 50% tổng doanh thu.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa. Trong đó, duy trì và nâng cao chất lượng 485 cơ sở tổ nhóm thực hiện mô hình liên kết sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế, 8 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.
Đồng thời thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với 18.544 hộ/19.577 thành viên; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 31 tổ tiết kiệm, 289 hộ vay vốn; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, với 355 nhóm tiết kiệm tín dụng, 2.422 khách hàng vay vốn. Qua đó, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để chị em phụ nữ tự tin, mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Cùng với đó, giữa tháng 10 vừa qua, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tập huấn "Kỹ năng lập kế hoạch và xây dựng đề xuất ý tưởng khởi nghiệp năm 2024" cho 70 hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp của 10 huyện, thành phố.
Trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ của Hội LHPN các cấp; Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Đề án hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ; Hướng dẫn phát triển sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đổi mới sáng tạo; Quản lý tài chính cá nhân trong phát triển kinh tế gia đình; Hướng dẫn lập kế hoạch chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất phát triển kinh tế; Viết đề xuất ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Thông qua lớp tập huấn góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đây còn là dịp để chị em học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh trong thời đại 4.0.