Cao Bằng: Tập trung khắc phục hậu quả mưa bão với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai

Thực hiện nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Cao Bằng đang dồn sức cho công tác khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thiệt hại hơn 500 tỷ đồng

Bão Yagi (bão số 3) ập đến nước ta với sức tàn phá khủng khiếp, cùng với hoàn lưu của bão đã khiến đồng bằng và vùng núi phía Bắc lũ lụt, sạt lở kinh hoàng. Chỉ trong 1 tuần, các khu vực miền núi phía Bắc hứng chịu nhiều bị thiệt hại nặng nề, cả về người và tài sản.

Tại tỉnh Cao Bằng, do ảnh hưởng mưa lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 07 đến ngày 08/9/2024, đặc biệt mưa rất to trong ngày và đêm 08/9 đến sáng 10/9/2024 xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh gây ngập lụt khu vực ven sông vùng trũng thấp. Kèm theo mưa lớn, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Giá trị thiệt hại (ước tính) khoảng 520,0 tỷ đồng.

 Ngập lụt tại xóm Thanh Sơn, xã Thanh Long

Ngập lụt tại xóm Thanh Sơn, xã Thanh Long

Các sông, suối trên địa bàn tỉnh xuất hiện lũ vừa, lũ lớn gây ngập úng một số khu vực dân, cư của thành phố Cao Bằng, huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ tại các khu vực huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, sạt lở đất lớn xảy ra tại xã Yên Lạc, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, vụ sạt lở đất kết hợp lũ lớn đã vùi lấp và cuốn trôi nhiều người, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL34.

Tính đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng ghi nhận 47 người chết; 16 người bị thương; 11 người mất tích; 1.740 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó: 57 nhà sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; 89 nhà bị tốc mái; 1.162 nhà bị ngập nước; 433 nhà bị sạt lở đất; 314 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời; 1.885,2 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ,vùi lấp, trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 748,43ha; diện tích hoa màu bị thiệt hại 967,62ha. 4,19 ha diện tích nuôi cá, 13 ao nuôi cá truyền thống, 3,6 tấn cá thương phẩm bị trôi, tràn bờ; 02 lồng nuôi cá bị trôi, hư hỏng.

16 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở; 48 cột điện bị đổ, gẫy; 02 trạm biến áp bị hư hỏng; 04 lưới điện bị đứt; 02 tuyến cáp quang bị đứt; 02 cột phát sóng thông tin bị đổ, gẫy; 28 điểm trường, 03 cơ sở y tế bị, 04 công trình nhà văn hóa xóm, 12 công trình bị hư hỏng; 12 công trình trụ sở, nhà kho bị hư hỏng hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái.

Giao thông bị sạt lở, ngập nước nhiều tuyến quốc lộ (QL), đường tỉnh (ĐT) và các tuyến GTNT gây ách tắc. QL34, QL4A, QL34B, QL4C có 780 vị trí sạt lở taluy dương, khoảng 75 vị trí tắc đường, khối lượng sạt 810.000m3; ngập úng 18 vị trí; sạt taluy âm, sụt lún nền đường khoảng 3.500md/67 vị trí; hư hỏng khoảng 8.500m2 mặt đường và một số hạng mục khác.

Đường tỉnh (ĐT202, ĐT212, ĐT216, ĐT209, ĐT206, ĐT207, ĐT217, ĐT215, ĐT208, ĐT214, ĐT204) có 189 vị trí bị sạt lở taluy dương (sạt lở lớn gây tắc đường khoảng 35 vị trí), khối lượng khoảng 372.000m3; sạt lở taluy âm, sụt lún nền đường khoảng 2.200md/27 vị trí; hư hỏng khoảng 2.900m2 mặt đường và một số hạng mục khác. Đường GTNT 89 tuyến trên địa bàn các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, Hạ Lang, Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng bị sạt lở taluy âm, taluy dương khối lượng lớn, mặt đường bị sụt lún. 8 cầu dân sinh bị hư hỏng.

 Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại xóm Nặm Ngùa, xã Ngọc Động (ảnh báo Cao Bằng)

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại xóm Nặm Ngùa, xã Ngọc Động (ảnh báo Cao Bằng)

Hiện nay, nguy cơ sạt lở đất tại nhiều điểm trên địa bàn còn rất cao, có thể gây ra những thiệt hại lớn cho người dân và làm hư hỏng, ách tắc các tuyến đường. Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập úng trên địa bàn đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thống kê, báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Khắc phục hậu quả mưa bão, với tinh thần cao nhất có thể, mỗi người làm việc bằng hai vì Nhân dân

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy cấp tỉnh đặt tại huyện Nguyên Bình đã triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3 tại hiện trường về công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở đất, đá làm ách tắc trên tuyến giao thông trọng yếu của tỉnh.

Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng, y tế triển khai phương tiện, nhân lực phối hợp với chính quyền địa phương huy động các lực lượng xung kích, dân quân tại chỗ triển khai nhanh chóng tiếp cận hiện trường xảy ra sạt lở, thực hiện cứu hộ, tìm kiếm người mất tích, người bị thương kịp thời đưa đi chữa trị; đồng thời, các địa phương vận động nhân dân hỗ trợ giúp đỡ nhau chủ động khắc phục nhà ở bị thiệt hại; các nhà ở bị sạt lở đang có nguy cơ bị sạt tiếp đã được sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Tổ chức hỗ trợ cho người chết, người bị thương, các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai với tổng số tiền trên 2,0 tỷ đồng; huy động các lực lượng tham gia khắc phục thiên tai trên 7.458 lượt người; huy động các phương tiện tham gia khắc phục gần 30 máy xúc, 64 ô tô, 35 xuồng máy và 422 áo phao.

 Cao Bằng triển khai các nhiệm vụ với tinh thần “bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết”

Cao Bằng triển khai các nhiệm vụ với tinh thần “bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết”

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai kêu gọi, tổ chức tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ của các tổ chức (trong đó có Quân khu 1), nhà hảo tâm đến người dân các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai. Ngay sau khi tiếp nhận sự đóng góp của các tổ chức, nhà hảo tâm tỉnh đã tiến hành phân bổ cho 4 huyện: huyện Nguyên Bình (xã Ca thành, xã Yên Lạc); huyện Hà Quảng (xã Ngọc Động, xã Thanh Long, xã Lương Thông, TT Thông Nông); huyện Quảng Hòa (xã Quốc Toản); huyện Bảo Lạc (xã Huy Giáp, xã Xuân Trường) 11 tấn gạo; 1090 thùng mỳ tôm; 500 quần thể thao và một số nhu yếu phẩm khác như sữa, nước, quần áo, nước mắm, bột canh, bánh ngọt, lương khô, vật tư y tế... cho 900 hộ dân.

 Lực lượng chức năng nỗ lực thông tuyến đến điểm xảy ra tai nạn.

Lực lượng chức năng nỗ lực thông tuyến đến điểm xảy ra tai nạn.

Nhằm triển khai mọi biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, đưa ra các biện pháp, chính sách sớm hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, với tinh thần cao nhất có thể, mỗi người làm việc bằng hai vì Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Với tinh thần “bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết”, đề nghị các sở, ngành nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh về công tác khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ thiệt hại sau mưa bão đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện Dự thảo kế hoạch khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh ký ban hành trước ngày 20/9/2024.

Đối với các vị trí xây dựng nhà tôn lắp ghép cho các hộ mất hoàn toàn nhà ở tại xã Yên Lạc, Ca Thành, các sở, ngành liên quan phối hợp với huyện Nguyên Bình tiến hành triển khai thực hiện sớm để người dân ổn định cuộc sống. Sở Giao thông - Vận tải rà soát các công trình giao thông bị hư hỏng, xây dựng phương án bố trí vốn dự phòng ngân sách tỉnh để sửa chữa, gia cố… đảm bảo giao thông thông suốt.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cao-bang-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-mua-bao-voi-tinh-than-moi-nguoi-lam-viec-bang-hai-post312909.html