Cao điểm vận tải dịp 30/4-1/5: Không lơ là chống dịch

Đến thời điểm hiện tại, các hãng hàng không đều đã treo biển 'hết vé', các bến xe khách được dự báo sẽ phục vụ lượng khách tăng đến 250% so với năm ngoái…

Hỗ trợ hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài. Ảnh VGP

Hỗ trợ hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài. Ảnh VGP

Với lượng khách tập trung đông đã được dự báo trước, ngành giao thông cùng các đơn vị liên ngành, các địa phương đều đang huy động toàn bộ lực lượng để phục vụ việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn cùng với mục tiêu cao nhất đó là không để xảy ra bùng phát dịch bệnh trở lại.

Hàng không kín chỗ đến 95%

Nhằm phục vụ nhu cầu tăng cao dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trong 6 ngày từ 28/4 đến 3/5, ba hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco vừa công bố tiếp tục tăng tải gần 117.000 chỗ, tương ứng với xấp xỉ 570 chuyến bay nội địa. Đây lần thứ hai các hãng công bố tăng tải phục vụ cao điểm. Như vậy, tổng số cung ứng sau hai đợt tăng tải của 3 hãng này lên tới hơn 610.000 chỗ, tương ứng gần 3.200 chuyến bay.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hiện tại, hãng ghi nhận lượng khách đặt mua vé cao hầu hết trên tất cả các chặng bay nội địa và đặc biệt các chặng Hà Nội và TPHCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, với tỉ lệ lấp đầy trong một số ngày bay cao điểm nhất lên tới 95%.

Phía Bamboo Airways công bố tăng tải bình quân 12% đến 15% cung ứng trên các đường bay trục, đường bay du lịch trong giai đoạn nghỉ lễ sắp tới.

Mặc dù các hãng hàng không tăng chuyến liên tục, mở thêm chặng bay nhưng do nhu cầu nội địa quá lớn nên việc mua được vé rẻ trong giai đoạn này gần như không thể, giá vé máy bay nội địa tăng cao hơn ngày thường từ 1 triệu-1,5 triệu đồng/chặng khứ hồi nhưng nhiều chuyến bay đã “treo biển” hết vé.

Cập nhật đến ngày 26/4, hành trình bay từ Hà Nội đi Phú Quốc ngày 29/4 và về ngày 3/5, khách hàng đã phải trả gần 8 triệu đồng bay Vietnam Airlines. Cùng chặng bay này, Bamboo Airways có mức giá cũng lên tới 7,1 triệu đồng, Vietjet là 6,9 triệu đồng.

Xe khách tăng chuyến, đường sắt tiếp tục khuyến mãi

Trong khi hàng không đang “cháy” vé máy bay các chặng nóng và giá liên tục tăng cao giờ chót, thì với vận tải đường bộ, đường sắt được dự báo sẽ dễ thở hơn, đặc biệt là đường sắt còn mở bán khuyến mại, giảm giá vé.

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội thông tin, bến xe dự báo nhu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng rất cao và phân bố không đồng đều mà tập trung vào một số địa phương, đặc biệt ở những địa phương có điểm thăm quan, du lịch. Một số tuyến dự kiến sẽ có lượng hành khách tăng mạnh trên các tuyến: Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La. Dự kiến lưu lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng cao từ chiều tối 29/4 đến hết ngày 30/4. Do đó, Công ty CP Bến xe Hà Nội dự kiến tăng cường 500 xe khách cho các đợt nghỉ lễ này.

Tương tự, tại bến Giáp Bát lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 200-250% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 1.050 lượt xe/ngày (tăng khoảng 130% so với ngày thường). Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Tại bến Mỹ Đình lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên hơn 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 1.050 lượt xe/ngày (tăng khoảng 130% so với ngày thường), chủ yếu ở các tuyến Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái…

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục chương trình kích cầu với hơn 10.000 vé tàu giảm giá 50% trên các mác tàu tuyến Bắc - Nam trong tháng 4 và tháng 5/2021. Thời gian áp dụng từ ngày 5/4 đến hết 28/4 và từ ngày 4/5 đến hết 26/5.

Chương trình kích cầu áp dụng cho hành khách mua vé trước ngày tàu chạy từ 3 ngày trở lên. Giá vé áp dụng bằng 50% giá vé cùng thời điểm. Tuy nhiên, mức giá tối thiểu của 1 vé hành khách (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo hiểm hành khách) là 30.000 đồng/vé.

Trường hợp các Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, Hà Nội đang áp dụng nhiều chính sách giá vé khác nhau thì hành khách chỉ được lựa chọn một chính sách giá vé duy nhất. Ở khu vực phía Bắc, chương trình giảm 50% giá vé cũng được áp dụng đối với các đôi tàu LP7/HP2, LP3/LP8, LP5/LP6 tuyến Hà Nội - Hải Phòng, vé có ga đi là Hà Nội hoặc Long Biên, ga đến Hải Phòng và ngược lại.

Hành khách trước khi lên xe khách đều bắt buộc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Ảnh minh họa.

Hành khách trước khi lên xe khách đều bắt buộc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Ảnh minh họa.

Lơ là chống dịch tại sân bay

Mặc dù dự kiến khách tăng đột biến trong thời gian tới, tuy nhiên Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, đã xuất hiện những biểu hiện lơ là, thiếu cảnh giác tại sân bay như: nhiều hành khách sau khi làm thủ tục check-in và vào khu vực hạn chế của nhà ga đã không đeo khẩu trang theo quy định; tình trạng người thân đưa đón hành khách tại các nhà ga không đeo khẩu trang. Thậm chí, có tình trạng các nhân viên taxi, xe hợp đồng, xe đưa đón khách tụ tập quanh khu vực nhà ga chờ khách nhưng không đeo khẩu trang.

Mới đây, Cảng vụ hàng không miền Nam còn có văn bản gửi hãng hàng không Bamboo Airways về việc hãng chưa thực hiện tốt công tác kiểm soát hành khách khai báo y tế trước chuyến bay. Cụ thể, trên chuyến bay QH292, chặng bay Tân Sơn Nhất-Hà Nội, giờ bay 22h15 ngày 26/3 cho thấy, tại cửa khởi hành số 06 ghi nhận nhiều hành khách chưa khai báo y tế và phải thực hiện khai báo y tế bổ sung tại khu vực cửa khởi hành.

“Cảng vụ hàng không miền Nam yêu cầu hãng hàng không Bamboo Airways nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện đầy đủ việc kiểm soát hành khách khai báo y tế, đảm bảo toàn bộ hành khách đã khai báo y tế trước khi làm thủ tục soi chiếu an ninh hàng không, báo cáo kết quả bằng văn bản cho Cảng vụ hàng không miền Nam trước ngày 1/6/2021”, văn bản của Cảng vụ hàng không miền Nam nêu rõ.

Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan, các Cảng vụ hàng không, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không tổ chức rà soát lại lực lượng, phương án kiểm soát dịch bệnh lây lan qua đường hàng không tại các cảng hàng không; bổ sung quy định, quy trình, trách nhiệm các cá nhân, bộ phận trong việc phối hợp kiểm soát dịch bệnh lây lan qua đường hàng không tại cảng hàng không theo nhiệm vụ.

Giám đốc các Cảng hàng không chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát hành khách, người vào/đến nhà ga hành khách và nhân viên làm việc tại nhà ga hành khách thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong khu vực nhà ga hành khách tại các sân bay.

Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm quy định từ chối vận chuyển các trường hợp không thực hiện khai báo y tế và các trường hợp hành khách không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Xả trạm BOT khi ùn tắc

Bộ GTVT vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình, hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới để có phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu phục vụ nhân dân đi lại; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam được yêu cầu bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống báo hiệu đường bộ; chỉ đạo các trạm thu phí phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện chỉ đạo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong dịp nghỉ lễ, nhất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, TPHCM và đầu mối giao thông lớn. Yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, các đường ngang đường sắt. Thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, tăng giá vé trái phép.

Liên quan đến lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, nhất là các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt theo thẩm quyền.

Thực hiện nghiêm quy định chống dịch COVID-19, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5.

Công điện nêu rõ: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải nội địa đang dần phục hồi, dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5.

Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự ATGT dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 (từ 30/4 đến hết ngày 3/5), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với vận tải hành khách và hàng hóa, nhất là vận tải hành khách; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các đầu mối giao thông lớn (bến xe, nhà ga, cảng hàng không, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa) thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT, đẩy mạnh ứng dụng việc bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ; đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm trật tự ATGT của các cơ quan trung ương, của từng địa phương nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình hình ATGT trong dịp nghỉ lễ; đảm bảo phương án ứng trực theo chế độ 24/7 để tiếp nhận thông tin, giải quyết, khắc phục kịp thời các vụ việc phát sinh.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/cao-diem-van-tai-dip-30415-khong-lo-la-chong-dich/429290.vgp