Cao Mã Pờ từng bước đổi thay
Trước đây, nhắc đến xã biên giới Cao Mã Pờ (Quản Bạ), nhiều người thường nghĩ ngay đến những khó khăn vất vả như giao thông đi lại, thời tiết khắc nghiệt, đất đá cằn cỗi, cuộc sống nhân dân nghèo khó… Thế nhưng ngày nay, đời sống kinh tế của người dân Cao Mã Pờ đang từng bước được đổi thay nhờ sự lãnh, chỉ đạo đúng hướng của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt ý thức vươn lên vượt khó của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến với Cao Mã Pờ và cảm nhận đầu tiên là những con đường đất nhỏ, trơn trượt, lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm khi nắng nóng trước đây,… thì nay, hầu hết đã được bê tông hóa. Những cây đậu được trồng xen với ngô cùng với rau cải, bí nương và những đồi cỏ cho gia súc; đặc biệt, cây Ấu tẩu không chỉ góp phần phủ xanh lên những mảnh đất cằn cỗi mà còn cho thu nhập cao. Đồng chí Nguyễn Đức Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ, cho biết: Toàn xã có 545 hộ với 2.592 khẩu, sinh sống tại 8 thôn. Trước đây, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn bởi địa hình, thiên tai... Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã dần được cải thiện, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, định hướng nhân dân tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; đồng thời khuyến khích các hộ dân, đoàn viên, thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp cũng như tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh... Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống; diện mạo nông thôn vùng biên giới cũng ngày càng khởi sắc.
Ông Tẩn Phù Sài, thôn Thèn Ván, chia sẻ: “Những năm trước đây, nhiều gia đình chỉ nuôi 1 - 2 con bò làm sức kéo; nuôi gà, vịt chỉ để phục vụ gia đình và trồng ngô, lúa chỉ đủ ăn... Nhờ được cán bộ xã tuyên truyền, vận động và tư vấn nhiều chương trình vay vốn để phát triển kinh tế, cũng như các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước với nhân dân trong các lĩnh vực trong cuộc sống. Qua đó, gia đình tôi cùng với nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn nuôi từ 4, 5 con bò hàng hóa, bò vỗ béo, sinh sản và áp dụng thụ tinh nhân tạo để tăng vóc dáng đàn bò cũng như tăng nguồn thu cho gia đình”.
Đến nay, kết cấu hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm y tế đã được đầu tư cơ bản; hệ thống giao thông nông thôn, 7/8 thôn có đường bê tông đến trung tâm xã; đặc biệt, ngoài hiến đất, đóng góp ngày công làm đường bê tông nông thôn; nhiều hộ ở các thôn còn chủ động đóng góp và đổ bê tông từ trục đường thôn đến các xóm, hộ; duy trì 15 mô hình khởi nghiệp hiệu quả. 100% người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, các hủ tục dần được đẩy lùi, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định... Từ đó, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 33,58% (giảm 11% so với năm 2015). Có được diện mạo và kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, hộ, đoàn thể các cấp cùng các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước; sự nỗ lực và ý chí vươn lên của người dân; Phó Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ, cho biết thêm.
Giờ đây, khắp thôn, bản trên mảnh đất vùng biên Cao Mã Pờ luôn đỏ rực cờ, hoa; trung tâm xã nhộn nhịp khác hẳn, khi những chậu hoa, cây cảnh tươi xanh với nhiều kỳ vọng trong một nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, với sự “thay da, đổi thịt” từ các công trình NTM, Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo và nhiều chương trình, dự án, chính sách khác,… sẽ giúp xã vùng biên Cao Mã Pờ ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: Vương Mai
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/cao-ma-po-tung-buoc-doi-thay-761040/