Cao su Phú Riềng phát triển rừng cao su bền vững

Chứng chỉ rừng bền vững có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu 'sạch' cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam. Đối với ngành cao su, đó còn là uy tín của sản phẩm khi doanh nghiệp xuất khẩu. Từ thành công trong thực hiện chứng chỉ cao su bền vững ở 2 nông trường năm 2019, năm nay, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng tiếp tục chọn 2 nông trường để thực hiện nhiệm vụ này. Nhận thấy lợi ích đem lại cho công ty và chính bản thân mình khi thực hiện rừng bền vững nên đa số người lao động trong các đơn vị đều hưởng ứng thực hiện.

Môi trường làm việc an toàn

“Những ngày đầu triển khai thực hiện chứng chỉ rừng cao su bền vững không hề dễ bởi thói quen của công nhân trong lúc ăn uống thường vứt bỏ rác, trong đó có cả túi ni-lon, vỏ chai nước trên lô. Nhưng bây giờ thì đã khác. Tất cả công nhân đều ý thức bảo vệ môi trường. Rác được tập kết, phân loại để đem đi xử lý” - anh Lê Văn Hải, Tổ trưởng tổ khai thác 3, Nông trường 6 chia sẻ.

Công nhân Nông trường Phú Riềng Đỏ, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng trồng mới cây cao su

Không chỉ hệ sinh thái trong đất đảm bảo, mà môi trường trong những lô cao su ở Nông trường 6 cũng trong lành, sạch sẽ, đặc biệt là không có rác. Những công nhân ở đây cảm thấy vui khi được làm việc trên lô sạch sẽ. Chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân khai thác tổ 3 là một trong những công nhân rất tích cực hưởng ứng việc nông trường thực hiện quy định về phát triển rừng bền vững. Hằng ngày, ngoài chăm sóc và khai thác vườn cây được giao, chị thường tranh thủ nhặt rác khu vực gần đường giao thông do người dân địa phương thiếu ý thức xả thải. “Mới đầu nghe thực hiện tưởng chừng rất khó khăn nhưng sau khi đã hiểu thì thấy rất đơn giản. Mình phải tuân thủ các biện pháp để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của nông trường và của công ty” - chị Huyền chia sẻ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cao su Phú Riềng thời gian tới là thực hiện chương trình quản lý rừng cao su bền vững theo bộ chứng chỉ rừng và chuỗi hành trình sản phẩm của hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (PEFC/VFCS-CoC); phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 11/13 nông trường được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (PEFC/VFCS) với diện tích trên 19 ngàn ha gắn với 3 khía cạnh: Phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường - trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Giữa năm 2019, được sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nông trường 3 và Nông trường 6 của công ty bắt tay thực hiện các quy định để đạt chứng chỉ rừng bền vững của Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng GFA. Theo đó, từ cơ sở vật chất nơi làm việc, vệ sinh môi trường, sức khỏe của công nhân trên lô, cho đến các chính sách liên quan đến cộng đồng nơi đơn vị đứng chân… đều được nông trường đưa vào thực hiện theo hướng dẫn. Dựa trên nền tảng có sẵn, cùng sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người lao động nên đến cuối năm 2019, cả 2 nông trường đều hoàn thành kế hoạch, được tổ chức cấp chứng chỉ rừng bền vững với tổng diện tích 3.479 ha.

Nhìn lại quá trình thực hiện, ông Hà Văn Khuyên, Giám đốc Nông trường 6, chia sẻ: Đến nay, người lao động của nông trường rất tự giác thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định và đã trở thành thói quen. Từ việc chấp hành bảo hộ lao động, vệ sinh dụng cụ lao động, vệ sinh trên lô, ngay cả khu vực giao - nhận mủ, hay nơi sinh hoạt tổ của công nhân cũng đảm bảo tốt về vệ sinh môi trường, an toàn lao động. Ông Khuyên băn khoăn khi một bộ phận người dân trên địa bàn chưa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, còn thói quen xả rác trên đường, hoặc ven lô cao su làm công nhân phải bỏ công đi dọn dẹp.

Những mục tiêu phấn đấu mới

Từ kết quả đạt được của 2 nông trường, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng tiếp tục triển khai thực hiện chứng chỉ rừng bền vững tại Nông trường 9 (trên 1.680 ha) và Nông trường Phú Riềng Đỏ (trên 1.800 ha). Theo đó, cán bộ các phòng, ban của công ty đứng ra tập huấn, triển khai đến các nông trường, không còn phải nhờ đơn vị tư vấn như trước đây. Từ bỡ ngỡ khi triển khai thực hiện, cán bộ, công nhân viên - người lao động các nông trường đã nắm rõ những quy định cũng như biện pháp thực hiện để đạt tiêu chuẩn rừng cao su bền vững.

Công nhân Nông trường 6, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng khai thác mủ trên lô

Ông Hoàng Long, Giám đốc Nông trường Phú Riềng Đỏ cho biết: Tất cả vấn đề liên quan đến môi trường đều đang được đơn vị thực hiện đồng bộ để đảm bảo đúng quy định. Cùng với đó là các yếu tố như đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, trách nhiệm với cộng đồng cũng được chú trọng hơn trong thời gian tới.

Năm 2019, công ty được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cấp chứng nhận là doanh nghiệp phát triển bền vững. Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, được khách hàng tín nhiệm và đánh giá cao.

Lệ Quyên - Như Nam

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cao-su-phu-rieng-phat-trien-rung-cao-su-ben-vung-47549