Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh trông chờ cơ chế tăng vốn góp Nhà nước, thu hút nhà đầu tư
Việc nghiên cứu tăng vốn góp Nhà nước tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đánh giá sẽ giúp việc huy động vốn dễ dàng hơn, tiến độ đầu tư dự án cũng được thúc đẩy sớm hơn.
Từ lộ trình đầu tư sau năm 2030 theo quy hoạch chuyên ngành, với sự quan tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của cấp có thẩm quyền địa phương, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được đẩy tiến độ thực hiện lên trước năm 2030.
Mục tiêu đề ra là đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia.
Đồng thời, tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.
Theo quyết định phê duyệt, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài hơn 93km được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước tham gia 6.580 tỷ đồng, chiếm gần 46%, còn lại là vốn nhà đầu tư, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án chưa thể khởi động do việc huy động nguồn vốn vẫn gặp phải không ít thách thức.
"Trước những khó khăn về huy động vốn, tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư đã làm việc với ngân hàng sau quá trình khảo sát, đánh giá dự án. Song, phía ngân hàng chỉ cam kết chỉ cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng.
Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh rất cần có sự quan tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức PPP. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án", ông Bế Minh Đức, ĐBQH tỉnh Cao Bằng báo cáo với Quốc Hội.
Được biết, tăng tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại dự án PPP là một trong những nội dung quan trọng nêu tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Theo đó, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo phương thức PPP được đề xuất tăng lên không quá 70% tổng mức đầu tư thay vì tỷ lệ không quá 50% theo quy định hiện hành.
Ủng hộ đề xuất trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, việc tăng vốn góp Nhà nước tại dự án PPP là cần thiết và nên áp dụng cả với các dự án ở vùng khó khăn thay vì chỉ thực hiện đối với các dự án ở thành phố lớn.
"Nếu tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại các dự án PPP giao thông ở TP.HCM hay TP Hà Nội có thể nâng không quá 70%, tôi nghĩ là những dự án ở vùng xa xôi, vùng núi Tây Nguyên hay Tây Bắc cũng nên được hưởng điều kiện ưu tiên như vậy, thậm chí còn mức cao hơn", đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) diễn ra đầu tháng 10/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, xác định dự án được đầu tư xây dựng sẽ tháo điểm nghẽn kết nối giữa địa phương với các trung tâm kinh tế và cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, với quyết tâm lớn, tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án giao thông với giá trị đầu tư trên 100 tỷ đồng/dự án để dồn lực, nâng giá trị vốn ngân sách địa phương tham gia dự án lên hơn 4.000 tỷ đồng.
"Chúng tôi cam kết bố trí đủ nguồn vốn ngân sách theo phương án được duyệt và sẽ bố trí tăng thêm nếu pháp luật cho phép để đảm bảo tính khả thi của dự án, rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn", lãnh đạo này khẳng định.
Theo phương án được duyệt, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài hơn 93km.
Điểm đầu dự án (Km 0+00) tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Điểm cuối dự án giai đoạn 1 tại Km 93+350 điểm giao với QL3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, điểm cuối dự án tại Km 121+060 ranh giới quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 14m. Điểm vượt xe được bố trí không liên tục.
Các đoạn khó khăn được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 13,5m, bề rộng mặt đường 7m.
Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), tuyến cao tốc được đầu tư tiếp khoảng gần 28km (từ Km 93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km 121+060) với bề rộng nền đường 17m và hoàn thiện quy mô cắt ngang với các đoạn tuyến có bề rộng nền đường 13,5m đã thực hiện trong giai đoạn 1.