Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang 'bứt tốc' thi công ra sao?

Nhà thầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đang gấp rút để bứt phá tiến độ.

Chiều 22/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đi thị sát và làm việc với Ban QLDA Thăng Long và các nhà thầu về tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua Bình Thuận ngày 22/4.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua Bình Thuận ngày 22/4.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, đến nay khối lượng thực đạt 40,54% giá trị các hợp đồng. Cụ thể, như đắp nền đường đã đạt 60/96,64Km (trừ chiều dài cầu), đạt 60% và dự kiến hoàn thành trước 1/6.

Đào đá nền đường đã đạt 62,58% và hoàn thành trước tháng 8/2022. Các gói thầu đang thảm bê tông nhựa với chiều dài 20km, đạt 20,55%.

Ban QLDA Thăng Long đã làm việc với từng lãnh đạo nhà thầu, tư vấn giám sát về việc cập nhật lại tiến độ thi công chi tiết (bù lại tiến độ chậm), kế hoạch cung cấp tài chính, kèm theo kế hoạch huy động nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư để tổ chức thi công.

Thảm nhựa 20km mặt đường dọc tuyến.

Thảm nhựa 20km mặt đường dọc tuyến.

Nhà thầu cam kết sẽ thực hiện đúng theo kế hoạch triển khai từng mũi thi công và thống nhất nếu chậm sẽ xử lý theo hợp đồng. Tuyến chính cơ bản hoàn thành đắp nền đường trong tháng 5/2022, xong lớp cấp phối đá dăm cuối tháng 9/2022. Lớp bê tông nhựa C12 xong trước 30/11/2022.

Ông Đặng Hùng Thái - giám đốc Ban điều hành dự án cho biết, trong một tháng qua, Ban đã đôn đốc các nhà thầu khẩn trương thi công 3 ca, hiện tại tiến độ đã có chuyển biến tích cực. Từ ngày 18/3 - 20/4, các nhà thầu đã tích cực triển khai, bám theo biên bản cam kết.

Tuy nhiên, đường găng của dự án là những hạng mục đào đá thuộc gói thầu XL02, khối lượng còn khoảng 360 ngàn m3, đắp nền đường thuộc gói thầu XL03 khoảng 800.000 m3.

Một khó khăn khác, đó là theo trung tâm khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của hiện tượng Lanina gây mưa bất thường, tần suất mưa tháng 4-5/2022 tăng khoảng 40% so với trung bình các năm gần đây.

Thi công thảm nhựa mặt đường đoạn qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Thi công thảm nhựa mặt đường đoạn qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Thực tế tại dự án đã xuất hiện các ngày mưa sớm hơn cùng kỳ năm ngoái (từ đầu tháng đến ngày 16/4, gói XL01 mưa 4 ngày, gói XL02 mưa 5 ngày, gói XL03 và gói XL04 mưa 7 ngày). Số ngày mưa cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai thi công.

Ban kiến nghị Bộ GTVT có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục di dời hạ tầng kỹ thuật còn lại tháng 5/2022.

Tiến độ đang vào giai đoạn nước rút, văn phòng ban điều hành thường xuyên theo dõi đánh giá đối với các nhà thầu theo các mốc tiến độ chi tiết hạng mục hoàn thành đã cam kết.

"Nhà thầu nào có nguy cơ không đáp ứng thì Ban QLDA Thăng Long sẽ áp dụng quy định hợp đồng và báo cáo Bộ GTVT điều chuyển 1 phần khối lượng cho nhà thầu khác thực hiện", ông Đặng Hùng Thái , Giám đốc Ban điều hành nói.

Đoàn công tác kiểm tra công trường tại gói thầu XL03 qua Đồng Nai.

Đoàn công tác kiểm tra công trường tại gói thầu XL03 qua Đồng Nai.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban QLDA Thăng Long và các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công bù tiến độ ngay từ đầu năm 2022. Đến nay tiến độ tổng thể chỉ còn chậm 0,4% so với tiến độ ban đầu và dần bắt lại nhịp thi công.

Thứ trưởng Đông cho rằng, tháng 5 là tháng bản lề, mấu chốt có tính quyết định do thời tiết thuận lợi, ông yêu cầu các nhà thầu phải tập trung mọi nguồn lực tài chính, nhân lực bố trí nhiều mũi thi công đắp nền đường, cầu trên toàn tuyến. Thi công cuốn chiếu sớm hoàn tất dứt điểm các hạng mục công tác nổ mìn phá đá, đắp nền đường lắp đặt thêm các dây chuyền sẵn sàng thảm nhựa.

Ông yêu cầu Ban QLDA Thăng Long bám sát địa phương trong việc giải quyết các vướng mắc di dời hạ tầng kỹ thuật, giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng. Thời gian thi công còn lại rất ít không còn cách nào khác, các nhà thầu phải bố trí thêm nhiều mũi thi công bám sát tiến độ theo cam kết.

"Ban QLDA Thăng Long, tư vấn giám sát kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng thi công trong quá trình thi công phải đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh môi trường.

Để giải quyết các khó khăn về trượt giá, biến động giá vật liệu lãnh đạo Bộ đã có báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn liên quan", Thứ trưởng Đông cho biết.

Nhộn nhịp xe máy thi công tại nút giao kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nhộn nhịp xe máy thi công tại nút giao kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cũng khẳng định thời gian qua các gói thầu đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, các đường găng của dự án đã tìm được hướng giải quyết, nguồn vật liệu cơ bản được giải quyết. Do vậy vấn đề còn lại các nhà thầu phải tập trung nguồn tài chính, tăng ca kíp thi công.

"Hiện đường găng của dự án được xác định công tác nổ mìn phá đá tại gói thầu số 2 và đắp nền đường tại các gói thầu qua Đồng Nai. Do thời gian không còn nhiều và khối lượng đắp nền đường còn lớn yêu cầu các nhà thầu tập trung quyết liệt thi công trong tháng 5 để đảm bảo tiến độ đã cam kết", ông Roãn cho hay.

Vĩnh Phú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cao-toc-phan-thiet-dau-giay-dang-but-toc-thi-cong-ra-sao-d549992.html