Cao ủy EU: Âu - Á gắn kết an ninh vì một thế giới an toàn hơn

Cao ủy Đối ngoại EU viết riêng cho Zing.vn về việc Bộ trưởng Ngoại giao 28 nước thành viên Liên minh châu Âu quyết định tăng cường gắn kết an ninh châu Âu và với châu Á.

Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU kiêm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, vừa có bài viết cho Zing.vn nhân dịp Hội đồng Ngoại trưởng EU đưa ra chương trình hợp tác an ninh châu Âu với châu Á.

Châu Âu và châu Á chưa bao giờ gần gũi như hiện nay. Hai nền kinh tế của chúng ta kết nối; các nền văn hóa đan cài; và an ninh của cả hai ràng buộc với nhau: chúng ta đang đối mặt với cùng những thách thức, đương đầu với cùng những những mối đe dọa, và chúng ta chia sẻ lợi ích chung trong việc đảm bảo hòa bình tại các khu vực của mình cũng như lợi ích trong hợp tác quốc tế trên quy mô toàn cầu.

Bà Federica Mogherini, Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao của EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: Reuters.

Tăng cường gắn kết an ninh hơn với châu Á

Hôm nay, các Bộ trưởng Ngoại giao của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã quyết định rằng chúng tôi cần phải tăng cường sự gắn kết về an ninh tại châu Á và với châu Á, như một phần của chiến lược toàn diện EU - châu Á. Thời kỳ mà những người châu Âu và châu Á còn coi mình là những người bạn xa xôi nay đã chấm dứt. Nhằm bảo vệ và củng cố những mối quan hệ kinh tế, chúng ta cũng cần phải hợp tác với nhau trong lĩnh vực an ninh toàn cầu.

Ở châu Á, cũng như tại những nơi khác, bộ mặt kinh tế của châu Âu là khía cạnh mà mọi người thấy quen thuộc nhất. Điều nay gắn liền với vai trò của chúng tôi là đối tác thương mại lớn nhất thế giới, với thực tế rằng chúng tôi là nhà đầu tư đứng thứ nhất hoặc thứ hai tại hầu hết quốc gia châu Á, cũng như việc chúng tôi là nhà tài trợ nổi trội nhất thế giới về hỗ trợ phát triển.

Tuy vậy, thật đáng ngạc nhiên khi những hoạt động chung về an ninh đã trở thành lĩnh vực có tăng trưởng mạnh nhất xét về khía cạnh mở rộng hợp tác với các đối tác châu Á.

Sự tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh thể hiện hai sự thay đổi. Đầu tiên, đó là các đối tác tại châu Á ngày một mong muốn nhiều hơn sự hiện diện và can dự của EU tại khu vực. Giá trị gia tăng của chúng tôi đến từ, cụ thể là kinh nghiệm về hợp tác an ninh cũng như các cách tiếp cận khu vực của mình đối với quản lý khủng hoảng: đây là loại kỹ năng chuyên môn đang có sự mong muốn đạt được cao. Thứ hai, bản thân EU đã tiến những bước đi tham vọng nhằm củng cố năng lực của chính mình trong lĩnh vực quốc phòng. Chúng tôi không chỉ là một đối tác thương mại đáng tin cậy, mà còn lại trụ cột của chủ nghĩa đa phương: Bản thân EU đã là một chủ thể an ninh.

EU hiện có 16 phái đoàn dân sự và quân sự được triển khai trên khắp thế giới: chúng tôi đào tạo lực lượng vũ trang ở Mali; chúng tôi cố vấn cho các cơ quan thẩm quyền ở Ukraine và Iraq về cải cách các lĩnh vực an ninh dân sự của họ; chúng tôi chống lại nạn cướp biển ở khu vực Ấn Độ Dương.

Gần đây, cùng với các nước thành viên EU, chúng tôi đã cho ra đời một 'Cơ chế Hợp tác Thường trực' về an ninh và quốc phòng; chúng tôi đang tập hợp các lực lượng nhằm trở thành một nhà đảm bảo an ninh có uy tín và đáng tin cậy hơn nữa.

Các quốc gia thành viên của chúng tôi đã cam kết cùng đầu tư vào các dự án có tính thực tiễn - từ việc phản ứng nhanh với các vụ tấn công mạng, các hệ thống sáng tạo dành cho an ninh hàng hải, cho tới xây dựng một trung tâm đào tạo châu Âu dành cho các lực lượng của chúng tôi, những người sẽ ứng phó khi có thiên tai. Tôi cũng đã để xuất xây dựng một quỹ mới, nằm bên ngoài ngân sách EU, nhằm giúp củng cố năng lực về an ninh cho các đối tác của mình.

EU đã tiến những bước đi tham vọng nhằm củng cố năng lực của chính mình trong lĩnh vực quốc phòng. Ảnh: AFP.

Một EU có khả năng bảo vệ

Nếu tính gộp chung, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới; tiềm năng về hợp tác châu Âu sâu rộng trong các vấn đề quốc phòng là rất lớn. Chúng tôi đã thực hiện những bước đi lớn và quan trọng trong những năm qua, phản ánh thực tế rằng người dân châu Âu cũng như người dân trên toàn thế giới ngày càng trông đợi nhiều hơn vào một Liên minh châu Âu có khả năng bảo vệ. Và điều này sẽ vẫn tiếp tục.

Từ cam kết đầu tiên của chúng tôi trong việc đồng hành cùng tiến trình hòa bình Aceh tại Indonesia gần 15 năm trước, chúng tôi đã mở rộng hợp tác an ninh tại châu Á và với châu Á tới một mức độ cao: chúng ta cùng hợp tác với nhau về an ninh mạng, chống khủng bố, không phổ biến vũ khí, cũng như hỗ trợ các tiến trình hòa bình trên khắp khu vực, từ Afghanistan đến Mindanao đến Myanmar.

Chúng tôi cũng đã nhận được những đóng góp cụ thể từ các đối tác châu Á để đối phó với nạn cướp biển ngoài bờ biển Somalia. Trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN (ARF), chúng tôi cùng hợp tác với Việt Nam và Úc trong vấn đề an ninh hàng hải. Chúng tôi cũng tăng cường liên lạc quân sự với các quốc gia châu Á, ví dụ Chủ tịch Hội đồng Quân sự EU đã có những cuộc thảo luận với các đồng cấp của ông tại châu Á trong đó có Bắc Kinh, Islamabad, và Seoul. Chúng tôi cũng cử các chuyên gia an ninh tới nhiều đại sứ quán của EU ở khắp châu Á.

Tuy nhiên, có lẽ vấn đề cấp bách nhất cho hợp tác an ninh EU - châu Á thời điểm này là giải giáp hạt nhân. Chúng ta cùng chia sẻ mối quan tâm trong việc cứu thỏa thuận hạt nhân Iran và ủng hộ các cuộc đàm phán chống hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên. Đó là lý do vì sao Liên minh châu Âu đã sẵn sàng phối hợp tối đa với các đối tác châu Á trong hai vấn đề cấp bách này.

Mở rộng các hợp tác

Trung Quốc là nước ký kết Kế hoạch Hành động Toàn diện chung, và cũng là đối tác quan trọng cho những nỗ lực toàn cầu nhắm tới việc chống hạt nhân hóa hòa toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược của bán đảo Triều Tiên. Tương tự như vậy, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran được duy trì và bán đảo Triều tiên được phi hạt nhân hóa. Chúng ta đều cùng làm. Hòa bình toàn cầu cần một nỗ lực toàn cầu.

Bà Federica Mogherini, một số bộ trưởng ngoại giao EU và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ttrong một cuộc gặp hồi đầu năm nay. EU đã và đang nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AFP.

Để tiếp tục đi xa hơn trong kế hoạch của mình, ngày hôm nay các Ngoại trưởng của EU đã nhấn mạnh rằng chúng tôi cần phải có những hành động mới. EU sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác châu Á trên các lĩnh vực như xây dựng năng lực, các chương trình đào tạo bao gồm cho cả lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, và các cuộc tập trận chung.

Liên minh châu Âu chúng tôi nhận ra rằng, sau nhiều thập kỷ xung đột và chia cắt lục địa của chúng tôi, hợp tác là vô cùng quan trọng cho hòa bình và chính hòa bình mang lại sự phồn vinh. Nhưng trong thế giới ngày nay, bản năng đơn phương hiện hữu thường thấy đã chi phối mỗi khi có tranh cãi để tìm kiếm tiếng nói chung.

Có quá nhiều đối tác tìm kiếm phương cách xung đột để đạt được mục tiêu ngắn hạn của mình thay vì xây dựng những giải pháp bền vững thông qua hòa giải.

Trong bối cảnh này, chỉ những người tin vào một trật tự thế giới đa phương thì sẽ quan tâm và có trách nhiệm tham gia vào lực lượng chung. Châu Âu và châu Á cùng nhau có thể là công cụ cho việc giải quyết mang tính hợp tác đối với chính trị thế giới.

Federica Mogherini

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cao-uy-eu-au-a-gan-ket-an-ninh-vi-mot-the-gioi-an-toan-hon-post846603.html