Cấp bách bố trí tái định cư cho các hộ bị sạt lở đất

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và mưa lớn trong những ngày cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh có 2.200 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn do sạt lở đất và nguy cơ sụt lún. Trong đó, có hơn 300 hộ tiếp tục phải sơ tán và cần bố trí quỹ đất để tái định cư.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và mưa lớn trong những ngày cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh có 2.200 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn do sạt lở đất và nguy cơ sụt lún. Trong đó, có hơn 300 hộ tiếp tục phải sơ tán và cần bố trí quỹ đất để tái định cư.

Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 làm sạt lở đất vào hộ dân thuộc xóm Nẻ, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc.

Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 làm sạt lở đất vào hộ dân thuộc xóm Nẻ, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc.

Cơn bão số 3 - Yagi đi qua hơn 1 tháng nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Hải, xóm Tiểu Khu, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình vẫn sống trong cảnh tạm bợ khi 2 lần phải chuyển chỗ ở từ bè cá lên trụ sở cũ của UBND xã. Bất tiện vì không gian chật chội nhưng đó chưa phải là mối bận tâm nhất của gia đình ông Hải lúc này. Bởi, toàn bộ nền móng, tường nhà của ngôi nhà mà gia đình ông đang ở tại xóm Tiểu Khu bị sụt lún nghiêm trọng sau hoàn lưu bão số 3. Ngôi nhà chằng chịt các vết nứt và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn, gia đình ông Hải không thể quay trở về sinh sống tại ngôi nhà cũ và vô cùng lo lắng trước câu hỏi về cuộc sống ổn định lâu dài trong tương lai. Ông Hải cho biết: Khi nhà bị sụt lún, gia đình tôi phải chuyển xuống bè cá nhưng không đảm bảo an toàn. Chính quyền địa phương tiếp tục sắp xếp cho gia đình ở tạm trong trụ sở UBND cũ của xã. Hiện nay, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, tương lai không biết về đâu vì nhà cũ thì không thể ở. Tôi đã làm đơn xin UBND xã tạo điều kiện quỹ đất để tái định cư. Giờ đây gia đình cố gắng vay mượn, tích cóp để có thể xây dựng lại ngôi nhà nếu như được bố trí đất, không thể sống tạm bợ mãi như hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Chiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn xã Hòa Bình có 4 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Hải ở xóm Tiểu Khu bị nặng nhất do sạt lở toàn bộ phần móng, xuất hiện nhiều vết nứt trên tường. Hiện nay, UBND xã hướng dẫn hộ dân xin đất ở khu tái định cư đồi Sim để làm nhà. Xã cũng báo cáo lên Ủy ban MTTQ thành phố Hòa Bình để hỗ trợ nguồn kinh phí xây nhà cho hộ ông Hải. Tuy nhiên, để có thể ổn định lại cuộc sống, cần phải có thời gian và bản thân gia đình cũng phải nỗ lực rất nhiều vì ngôi nhà cũ gần như mất trắng hoàn toàn.

Qua rà soát trước mùa mưa bão năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 100 điểm với hơn 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nguy cơ thiên tai cao cần có phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư hoặc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ổn định đời sống cho người dân. Đặc biệt, ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt, sụt lún và nhiều điểm sạt lở đất đá từ taluy dương. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân. Trong tỉnh đã có trên 2.300 hộ bị thiệt hại về nhà ở; 2.200 hộ phải sơ tán đến nơi an toàn; di dời khẩn cấp 230 hộ ở 5 điểm sạt lở tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Mai Châu và TP Hòa Bình để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Mới đây, huyện Lạc Sơn tiếp tục phải di dời 8 hộ do nguy cơ sạt lở. Sau mưa bão đã có 1.928 hộ quay về nơi ở cũ. Hiện còn khoảng 330 hộ vẫn sơ tán cần bố trí quỹ đất tái định cư hoặc xen ghép. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa có nguồn kinh phí để bố trí quỹ đất, quy hoạch…

Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Trước nguy cơ sạt lở tại xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện đã tổ chức di dời hơn 60 hộ đến nơi an toàn. Qua khảo sát, các điểm sạt lở này có nguy cơ rất cao và người dân khó có khả năng quay trở về sinh sống. Huyện đang phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu phương án tái định cư cho các hộ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các khu có thể thực hiện tái định cư chưa nằm trong quy hoạch của xã. Bên cạnh đó, định mức chuyển đổi đất sang đất ở năm 2024 có hạn nên huyện chưa thể chuyển đổi mục đích đất trong năm 2024. Đặc biệt, kinh phí, nguồn lực của huyện còn hạn chế nên rất cần sự hỗ trợ của cấp trên để thực hiện các khu tái định cư trong tương lai, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Hiện nay, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, với mức độ ngày càng gia tăng. Vì vậy, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở là việc làm cấp bách không thể chậm trễ. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động lên phương án đề xuất trình UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tái định cư cho các hộ dân, giúp người dân vùng thiên tai sớm ổn định cuộc sống lâu dài.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/194515/cap-bach-bo-tri-tai-dinh-cu-cho-cac-ho-bi-sat-lo-dat.htm