Cấp bách đưa Luật Đất đai vào cuộc sống

Luật Đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, bước đầu đã đi vào cuộc sống, góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Ngày 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai.

Việc triển khai đưa Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành là yêu cầu cấp thiết để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Việc triển khai đưa Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành là yêu cầu cấp thiết để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê bình các tỉnh, thành phố còn chậm trễ, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai, hoàn thành trước ngày 15/10.

Có thể nói, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, bước đầu đã đi vào cuộc sống, góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Việc triển khai đưa Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ cấp bách để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Theo đề xuất của các địa phương, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh thời gian sớm 5 tháng hiệu lực của Luật Đất đai. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành luật, nhất là ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết có 59 nội dung giao HĐND và UBND cấp tỉnh quy định chi tiết.

Tính đến ngày 7/10 đã có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.

Trong số 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản, chỉ có Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật. Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…

Cùng với một số luật khác, Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Xuất phát từ yêu cầu giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông các động lực, phát huy các nguồn lực đất đai, vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội và được sự đồng thuận cao của Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm trước 5 tháng.

Có thể hiểu là trước yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đưa ra những chính sách tốt hơn, Quốc hội mới cho phép luật có hiệu lực sớm gần nửa năm như vậy.

Với một đạo luật quan trọng như Luật Đất đai, được sửa đổi bổ sung nhiều nội dung đột phá, việc luật đi vào cuộc sống sớm ngày nào sẽ góp phần giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai ngày đó.

Tất nhiên, sẽ có những địa phương viện lý do chậm ban hành là vì số lượng các nội dung giao cho địa phương quy định nhiều, trong khi hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm… Từ đó dẫn đến khó khăn, lúng túng.

Tuy nhiên, không thể viện lý do đó để đến nay vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết nào theo thẩm quyền. Ở đây chỉ là câu chuyện quyết tâm, quyết liệt, chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan mà thôi. Vì cùng một quy định chung, vì sao nhiều địa phương đã làm được mà nơi khác thì chưa?

TS Phạm Quang Long

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cap-bach-dua-luat-dat-dai-vao-cuoc-song-192241010205755932.htm