CẤP BÁCH GỠ KHÓ SẢN XUẤT, KINH DOANH

Đó là nội dung được bàn nhiều nhất trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2020 diễn ra hôm qua (3-3) tại Hà Nội. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD), bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Do dịch Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2020. Ảnh: baotintuc.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2020. Ảnh: baotintuc.vn

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến nền kinh tế bởi tác động của nó là nhiều chiều, lên tất cả lĩnh vực: Tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.

Để chủ động ứng phó với những thách thức mới, biến nguy thành cơ, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. “SXKD còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này; các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản về tài chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, duy trì hoạt động SXKD, thúc đẩy xuất nhập khẩu, thúc đẩy đầu tư và giải ngân, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19... Trong đó, có một số giải pháp cấp bách được nhiều đại biểu kiến nghị cần khẩn trương thực hiện, như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ SXKD; áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí)...

Các cơ sở SXKD mong mỏi chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như “trời hạn mong mưa”. Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân hy vọng, các giải pháp hỗ trợ trong chỉ thị của Thủ tướng có thể làm hồi sinh nhiều doanh nghiệp, gỡ khó cho nhiều cơ sở SXKD. Vấn đề cấp bách lúc này là phải đưa nhanh chỉ thị của Thủ tướng vào cuộc sống. Huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để thực hiện bằng được nhiệm vụ kép đặt ra: Vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để lây lan, vừa nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do dịch Covid-19 không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Các gói hỗ trợ này cần phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin-cho, thiếu minh bạch. Các phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội... cần phải được công bố sớm và công khai để người dân có thể giám sát.

Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cho nên, chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là "virus trì trệ".

Chính vì thế, để các giải pháp cấp bách gỡ khó cho SXKD đến được với người dân và doanh nghiệp thì chúng ta cũng phải cấp bách chống "virus trì trệ".

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cap-bach-go-kho-san-xuat-kinh-doanh-611393