Cấp bách khơi thông cho luồng sông Hậu

Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn một năm qua với kỳ vọng mở toang cánh cửa thông thương bằng đường biển cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng cộng với những vướng mắc trong công tác nạo vét khiến luồng sông Hậu đang cạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải.

Luồng cạn, tàu trọng tải lớn ách tắc

Đi thuyền dọc theo sông Hậu từ TP Cần Thơ đến Trà Vinh theo kênh Quan Chánh Bố, trước mắt chúng tôi, một vùng sông nước rộng lớn trải dài ngút tầm mắt. Mặt sông rộng hàng trăm mét, tàu thuyền đi lại tấp nập, phía xa, một tàu trọng tải lớn cỡ 5.000 tấn từ từ theo luồng tiến về cửa biển. Điểm đặc biệt của luồng sông Hậu là ngoài tận dụng tuyến sông tự nhiên, luồng có đoạn kênh đào dài hơn 7km nối thông ra biển, bảo đảm cho tàu trọng tải lớn có thể đi sâu vào nội địa.

 Tàu biển trọng tải lớn lưu thông trên luồng sông Hậu.

Tàu biển trọng tải lớn lưu thông trên luồng sông Hậu.

Dự án luồng sông Hậu khởi công năm 2009, sau nhiều năm thi công, vượt qua không ít khó khăn, thách thức, đến đầu năm 2016 hoàn thành, có thể đón tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải. Khi chưa có kênh Quan Chánh Bố, tàu đi qua cửa Định An, cửa biển tự nhiên, chỉ cho phép tải trọng tối đa đến 5.000 tấn. Điều này, tạo nên điểm nghẽn cho giao thông thủy của ĐBSCL, muốn xuất khẩu bằng tàu container phải chở hàng hóa lên TP Hồ Chí Minh hoặc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đánh giá, mục tiêu đặt ra ngay từ đầu khi mở luồng sông Hậu không chỉ phục vụ cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải mà còn hình thành tuyến vận tải trực tiếp, tàu trọng tải lớn vào đến tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ rồi lên tỉnh An Giang, đưa nông sản, thủy sản và hàng hóa của vùng xuất khẩu ra thế giới.

Thực tế, chỉ một thời gian ngắn sau khi thông luồng sông Hậu, tháng 10-2016 chuyến tàu container đầu tiên chở hàng hóa từ Hải Phòng đã cập cảng tại Cần Thơ. Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, tuyến hàng hải chuyên container nội địa Cần Thơ-Hải Phòng khi đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi các hãng tàu bắt đầu quen với tuyến vận tải mới, dự định mở rộng hoạt động thì luồng lại ách tắc. Từ tháng 10-2017 đến nay, tàu container không thể lưu thông qua luồng vì một số đoạn không đạt độ sâu như công bố là 6,5m. Đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho biết, luồng sông Hậu hiện nay có đoạn chỉ sâu hơn 4m, nên không bảo đảm cho tàu container đi vào, nguyên nhân chính do lượng sa bồi lớn trong khi công tác nạo vét gặp cản trở.

Đi dọc bờ sông, có thể thấy một số đoạn đang bị sạt lở, đây là nguyên nhân dẫn đến việc người dân địa phương phản đối, không cho đơn vị nạo vét thi công. Huyện Duyên Hải là một trong hai huyện của tỉnh Trà Vinh có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông Hậu. Đoạn từ Km14 đến Km18, UBND huyện đã áp giá bồi thường với 115 hộ, tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng nhưng vẫn còn 40 hộ chưa đồng tình, yêu cầu nâng mức bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, với đoạn từ Km12 đến Km14 còn có 40 hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Trần Đạt Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Duyên Hải cho biết, địa phương hiện đang chờ khoản kinh phí bồi thường khoảng 30 tỷ đồng để kịp thời chi trả cho người dân. Huyện sẽ tiếp tuyên truyền, thuyết phục người dân đồng thuận với phương án đền bù để sớm triển khai công tác nạo vét luồng.

Nguy cơ gây lãng phí lớn

Từ một bến cảng nhỏ phục vụ đơn vị sản xuất hóa chất, năm 2016, Tổng công ty Tân Cảng đã thuê lại cảng Cái Cui (TP Cần Thơ), đầu tư thành cảng chuyên dụng cho tàu container, đón đầu cơ hội phát triển khi luồng sông Hậu hoàn thành. Cơ sở vật chất tại Tân Cảng Cái Cui được trang bị đồng bộ, bài bản với những cần cẩu trọng tải lớn, kho bãi, hệ thống điện lạnh... Tuy nhiên, từ tháng 10-2017 đến nay, những chuyến tàu container đã không thể cập cảng do luồng cạn. Không khỏi xót xa khi nhìn những chiếc cần cẩu nằm im bất động, bờ bãi hoang vắng, còn người lao động thì "đói việc". "Mục tiêu của chúng tôi là đưa Tân Cảng Cái Cui trở thành cảng container trung tâm của cả vùng. Tuy nhiên, để thu hút được tàu container, yêu cầu đầu tiên là luồng tuyến phải ổn định. Trước khi khai thác, các hãng tàu đều tự kiểm tra độ sâu luồng tuyến, chỉ khi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật mới đưa tàu vào", Đại úy Đặng Anh Diệp, Phó giám đốc khu vực ĐBSCL của Tổng công ty Tân Cảng cho biết. Không chỉ Tân Cảng Cái Cui mà các cảng lân cận, như: Cảng Cần Thơ, Cảng Hậu Giang cũng đều ngóng tàu, chờ luồng vượt cạn. Việc luồng sông Hậu chưa đáp ứng được cho tàu container không những gây thiệt hại cho các cảng biển trong vùng mà còn khiến hàng hóa phải trung chuyển, đẩy chi phí vận tải tăng cao.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, luồng sông Hậu sau vài năm hoạt động sẽ giảm tốc độ sa bồi, khối lượng nạo vét sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, dự án luồng sông Hậu đang được triển khai giai đoạn 2, sử dụng nguồn vốn dư khoảng hơn 1.000 tỷ đồng của giai đoạn 1. Ông Trần Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải), đại diện chủ đầu tư dự án, cho biết, ban quản lý dự án đã tính toán đến việc giải tỏa mặt bằng ven bờ và trồng cây chắn sóng, tuy nhiên, phương án này không bảo đảm bền vững vì thổ nhưỡng ở khu vực này là đất bùn, liên kết yếu, khi có nhiều tàu lớn lưu thông, sóng đánh liên tục sẽ gây phá hỏng bờ. Để giúp luồng hoạt động ổn định, lâu dài, phương án được đề xuất trong giai đoạn 2 là làm kè dọc hai bên bờ sông. Phương án này cũng giúp việc nạo vét, duy tu luồng thuận lợi hơn.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cap-bach-khoi-thong-cho-luong-song-hau-549513