Cấp bách trang bị kỹ năng ứng phó với thiên tai

Ứng phó, thậm chí chung sống với thảm họa như thế nào không phải là chuyện ở nơi nào xa xôi mà là chuyện của mỗi nhà, mỗi người. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra cũng cần được trang bị những kỹ năng phòng, chống để hạn chế thấp nhất rủi ro. Nhiều ý kiến cho rằng, điều đó cần được thực hiện ngay từ Mẫu giáo kéo dài tới hết Trung học phổ thông.

Thầy cô giáo hướng dẫn học sinh cách trang bị các vật dụng cứu hộ. Ảnh: Phạm Minh.

Thầy cô giáo hướng dẫn học sinh cách trang bị các vật dụng cứu hộ. Ảnh: Phạm Minh.

Từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xây dựng kế hoạch lồng ghép, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các môn học, các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Tiết học Khám phá “Tìm hiểu về mưa bão, lũ lụt và kỹ năng ứng phó khi gặp thiên tai” của cô trò trường Mẫu giáo Hoa Hồng (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Tiết học Khám phá “Tìm hiểu về mưa bão, lũ lụt và kỹ năng ứng phó khi gặp thiên tai” của cô trò trường Mẫu giáo Hoa Hồng (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Cấp thiết trang bị kỹ năng trong nhà trường

PGS.TS Hà Văn Như - chuyên gia nghiên cứu về ứng phó với thảm họa của Đại học (ĐH) Y tế công cộng nhìn nhận, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là các sự cố bão, lũ, nước biển dâng... việc cần thiết và cấp bách là trang bị kỹ năng ứng phó với thiên tai, thậm chí chung sống với thảm họa. Trong đó, không chỉ người lớn mà ngay cả học sinh (HS) cũng cần được học và rèn luyện các kỹ năng này để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình, tự cứu mình và cứu người.

Nhìn lại trong chương trình học ở các nhà trường hiện nay, ở cấp tiểu học, nội dung về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được lồng ghép vào các môn Khoa học tự nhiên khối lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học của lớp 4, 5. Với đặc thù HS ở lứa tuổi này còn nhỏ, giáo viên chú trọng dạy các em những nội dung phòng chống thiên tai đơn giản, gần gũi để trang bị những kiến thức, kỹ năng sinh tồn cần thiết. Bao gồm sự hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên cần thiết như nắng, mưa, gió, bão… Giữ tâm lý bình tĩnh, tự tin trong mọi hoàn cảnh. Hướng dẫn HS những điều nên làm và không nên làm để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình trước các tình huống thiên tai...

Ở lứa tuổi lớn hơn, ngành giáo dục đã tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình môn học, hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục cho HS cấp THCS, THPT. Tới nay, nhiều trường học đã linh hoạt tổ chức lồng ghép các nội dung này vào bài học chính khóa cũng như các tiết học bổ trợ giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn khi có thiên tai. Bà Nguyễn Kim Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, HS toàn trường đều được phổ cập bơi để phòng tránh đuối nước vào năm lớp 3 với 1 khóa 8 tiết. Trường xây dựng mỗi tháng 1 chuyên đề để giáo dục cho HS, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngay ở bậc học Mầm non, sau cơn bão Yagi vừa qua, nhiều trường học ở Hà Nội đã chủ động đưa vào các tiết học giới thiệu về mưa bão, lũ lụt và kỹ năng ứng phó khi gặp thiên tai. Bằng những phương thức gần gũi và thực tế như xem bản tin thời tiết, video, tranh vẽ... các cô giáo Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, Trường Mẫu giáo số 5… (quận Ba Đình) đã giúp các cháu nhỏ tiếp cận những khái niệm cơ bản nhất về bão, lũ, lụt... cùng những hậu quả nặng nề của thiên tai gây ra. Từ đó giúp các cháu hiểu những khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu. Đặc biệt, một kỹ năng quan trọng học sinh được trang bị đó là biết cách mặc áo phao đúng cách để đảm bảo an toàn khi gặp tình huống nguy hiểm. Tuân thủ các quy tắc an toàn khi tham gia các hoạt động dưới nước hoặc khi gặp bão lũ…

Học cách mặc áo phao khi đi bơi hoặc khi bão lũ để đảm bảo an toàn.

Học cách mặc áo phao khi đi bơi hoặc khi bão lũ để đảm bảo an toàn.

Linh hoạt với từng khu vực

Thời gian qua, ngành giáo dục đã chủ động tăng cường giáo dục tới HS để các em có thể có những kỹ năng tự bảo vệ mình cũng như trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, Đề án tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho HS giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035 triển khai thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, nội dung dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho HS trong nhà trường đã giúp nâng tỷ lệ HS biết bơi tăng theo từng năm.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT thông tin, tỷ lệ HS biết bơi (tính đến hết năm 2022) là: 5.871.916 /17.396.124 tổng số HS, chiếm tỷ lệ: 33,75%, trong đó: cấp tiểu học 26,93%; cấp THCS 41,50%; cấp THPT 42,00%.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GDĐT cũng chỉ ra công tác truyền thông các vấn đề liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đôi khi còn bị động, chưa kịp thời, đầy đủ; chưa bao phủ hết đến những vùng sâu, xa, vùng khó khăn nên việc hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở một số nơi còn hạn chế.

Để nâng cao năng lực của bản thân mỗi người về nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai, ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần chú trọng trang bị những kỹ năng chuyên sâu hơn với từng khu vực. Cụ thể, người dân sinh sống ở vùng thường xảy ra loại hình thiên tai nào thì phải hiểu được và có kỹ năng phòng tránh thiên tai đó. Ví dụ ở vùng xảy ra ngập lụt thì phải trang bị tàu thuyền hoặc tập bơi… Ngành giáo dục cần phối hợp với các cơ quan chức năng thông qua các buổi tập huấn trang bị kỹ năng và diễn tập thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ, sơ cứu, phòng chống thiên tai... để HS không chỉ hiểu mà còn được thực hành, vận dụng trong thực tế.

Bà Trần Thị Hải Yến (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ NNPTNT) gợi ý, có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai như cuộc thi hùng biện, vẽ tranh cho trẻ em về phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu… Đây là những cơ hội để các em bày tỏ quan điểm và đưa ra các ý tưởng sáng tạo về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cap-bach-trang-bi-ky-nang-ung-pho-voi-thien-tai-10291277.html