Cấp chứng chỉ suốt đời thì không có động lực cho bác sĩ phải học

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết về thi cấp chứng chỉ hành nghề, đến thời điểm hiện nay có lẽ mỗi Việt Nam là nước duy nhất không có thi cấp chứng chỉ hành nghề.

Không đánh giá được chất lượng của bác sĩ

Thảo luận tổ chiều 26/5 về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), phát biểu giải thích thêm một số vấn đề các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết về thi cấp chứng chỉ hành nghề, đến thời điểm hiện nay có lẽ mỗi Việt Nam là nước duy nhất không có thi cấp chứng chỉ hành nghề.

“Chúng ta cứ học xong rồi thực tập 18 tháng, căn cứ trên những hồ sơ, giấy tờ để cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường như thế nào”, ông Long nói.

Thêm vấn đề được Bộ trưởng nhắc đến là hiện nay chúng ta có 27 trường đại học đào tạo khối ngành y nhưng chất lượng đào tạo của các trường khác nhau. Tuy nhiên, muốn đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh thì chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, thi cấp chứng chỉ hành nghề bước đầu phải đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ khi ra hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu thảo luận tại tổ chiều 26/5 (Ảnh: Hoàng Bích).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu thảo luận tại tổ chiều 26/5 (Ảnh: Hoàng Bích).

Bộ trưởng cho biết, chúng ta chưa có chuẩn chung trong chất lượng cho nên trong dự thảo luật đưa ra và xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp của các bác sĩ và các đối tượng khác.

“Việc cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc anh phải tham dự các kỳ thi, có giá trị trong vòng 5 năm. Nhưng để đảm bảo cho việc thuận lợi cũng như tạo mọi điều kiện, đặc biệt để khuyến khích với người bác sĩ khi ra hành nghề thì anh phải nâng cao năng lực, phải học tập suốt đời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trong dự thảo luật có đưa ra 2 cách thức có thể cấp chứng chỉ hành nghề:

Một là, trong giai đoạn 5 năm, có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới.

Hai là, nếu như không có những yếu tố trên thì bắt buộc phải học lại, như vậy đảm bảo rằng, một bác sĩ khi ra trường, tốt nghiệp là đã có thể hành nghề được, trong quá trình đó năng lực bác sĩ hành nghề sẽ được nâng lên.

“Đây là điều mà chúng tôi mong muốn, còn nếu bây giờ cấp chứng chỉ suốt đời thì không có động lực cho người bác sĩ phải học. Đó là lý do vì sao lần này chúng tôi đưa ra việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ trước, sau đó mới đến các đối tượng khác. Nếu làm được như vậy thì chúng ta đã hội nhập đối với quốc tế”, ông Long nói.

Xây dựng ngân hàng câu hỏi

Trong dự thảo Luật về vấn đề tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh có nêu, Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề; các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý người hành nghề, kiểm tra, thanh tra và đình chỉ giấy phép hành nghề khi có sai phạm.

Vấn đề này cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận tại tổ, giải thích thêm về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình chung trên thế giới hầu hết các nước áp dụng theo mô hình này. Cùng với đó, nhiều nước không phải cơ quan Nhà nước cấp chứng chỉ mà do các hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề. Vì, hiệp hội nghề nghiệp đánh giá được năng lực trình độ để cấp chứng chỉ.

Bộ trưởng cho biết đã tham khảo, đồng thời thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 20 là giao Hội đồng y khoa quốc gia trong vấn đề đánh giá năng lực nghề nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng, chúng ta giao ngay thì lại không giải quyết được bài toán thực tiễn, đặc trưng quản lý của chúng ta là do các cơ quan quản lý nhà nước.

Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ phải xây dựng ngân hàng các câu hỏi, đưa ra đánh giá năng lực.

Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ phải xây dựng ngân hàng các câu hỏi, đưa ra đánh giá năng lực.

“Chúng tôi đưa ra lộ trình là Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ phải xây dựng ngân hàng các câu hỏi, đưa ra đánh giá năng lực. Đối với các cơ quan Nhà nước, Bộ Y tế phải xây dựng những trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp tại các khu vực, trên cơ sở đó người hành nghề sẽ tự tham gia các kỳ thi được tổ chức hàng năm, năm nay không thi có thể sang năm thi. Trên cơ sở điểm thi thì các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cấp.

Trong Hội đồng Y khoa chúng tôi đưa vào không chỉ dân y mà có cả quân y, y tế của công an và trách nhiệm của quân đội là tham gia cùng Hội đồng y khoa xây dựng bộ ngân hàng câu hỏi có đặc trưng riêng của quân đội”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích.

Bên cạnh đó, về vấn đề tài chính người đứng đầu ngành y tế cho biết vấn đề về tính giá, chúng ta chưa tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế mà mới chỉ kê khai trên 4 yếu tố cấu thành giá, chưa làm được do điều kiện kinh tế - xã hội, do mức đóng BHYT, do nhiều yếu tố khác… nên rất khó khăn.

“Lần này đưa vào Luật chúng ta sẽ đi từng bước để tính đúng tính đủ giá, yếu tố cấu thành giá có nhiều yếu tố khuyến khích các bệnh viện phát triển hơn chứ không phải “cào bằng””, Bộ trưởng khẳng định.

Về vấn đề xã hội hóa y tế, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu và cho biết đang xây dựng Nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để trình sớm đến Chính phủ.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cap-chung-chi-suot-doi-thi-khong-co-dong-luc-cho-bac-si-phai-hoc-a554401.html