Cấp lại 'sổ đỏ' trước 1980 còn chậm, có huyện ở Hà Tĩnh vẫn 'tròn vo'!
Tại kỳ họp thứ 15 này, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh được giao trả lời 4 câu hỏi, trong đó có những nội dung đã được đưa ra tại một số kỳ họp trước nhưng chưa xử lý dứt điểm.
Đó là: Việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 theo Quyết định 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả đạt thấp; Chậm xây dựng kế hoạch sử dụng các khu đất và tài sản gắn liền trên đất đã thu hồi do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý; Vấn đề tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn; Vấn đề buông lỏng quản lý dẫn tới tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Cấp GCN QSDĐ trước ngày 18/12/1980 quá thấp
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành khẳng định: Phản ánh của cử tri về kết quả cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 theo Quyết định 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh đạt thấp là đúng thực tế.
Tư lệnh ngành TN&MT thông tin: Đến thời điểm 30/6/2020, Hà Tĩnh đã lập hồ sơ 27.228 thửa/47.535 thửa có nhu cầu công nhận lại đất ở (đạt 57,3% so với nhu cầu). Trong đó, UBND cấp xã hoàn thành xét duyệt 18.317 thửa (đạt 67,3% so với hồ sơ kê khai và 38,5% so với nhu cầu); UBND cấp huyện đã quyết định công nhận lại 4.915 thửa (đạt 10,3% so với nhu cầu).
Quá trình khảo sát cho thấy, đơn vị đạt tỷ lệ cao nhất là thị xã Hồng Lĩnh 63%, thấp nhất huyện Can Lộc 1,6%, riêng huyện Vũ Quang không ký GCNQSD đất nào.
Giám đốc Hồ Huy Thành cũng làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc cấp GCNQSDĐ còn chậm. Theo đó, các địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đặc biệt là công tác thẩm định ở cấp huyện kéo dài dẫn tới cấp xã không tổ chức thẩm định; hoặc nếu có, yêu cầu sửa chữa nhiều lần. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn coi đây là nhiệm vụ của ngành TN&MT nên dù Sở TN&MT đã đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Ngoài ra, một số nội dung còn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Quyết định 2443/QĐ-UBND chậm được bổ sung, điều chỉnh.
Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, người đứng đầu ngành TN&MT nhấn mạnh: cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và giám sát của HĐND, UBMTTQ đối với UBND cùng cấp huyện, xã; tập trung chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, đăng ký nhu cầu công nhận lại đất ở; tổ chức xét duyệt, lập hồ sơ cho các trường hợp đủ điều kiện trình UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt.
Tổ thẩm định cấp huyện phải khắc phục tồn tại, kịp thời thẩm định hồ sơ do cấp xã chuyển đến; Bố trí cán bộ chuyên môn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đến tận địa bàn xã, kịp thời hướng dẫn để giải quyết những vướng mắc tồn tại.
Ngoài ra, trong tháng 7/2020, ngành TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh Quyết định ban hành quy định để thay thế nội dung các quyết định 72/2014/QĐ-UBND, 57/2016/QĐ-UBND và Quyết định 2443/2018/QĐ-UBND; đối với các địa phương có khối lượng lớn và nếu có nhu cầu, sẽ chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai hỗ trợ.
Xây dựng kế hoạch sử dụng các khu đất và tài sản gắn liền trên đất thu hồi còn chậm
Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (nay là Trung tâm Phát triền quỹ đất và Kỹ thuật địa chính) đã bố trí sử dụng 63 khu với diện tích 26,2 ha; 42 khu, với diện tích 123,3 ha còn lại, Trung tâm chưa nhận bàn giao đất do chưa xử lý xong tài sản trên đất (11 khu, diện tích 8,4 ha). Trong số 31 khu, một số khu nằm ở vị trí trung tâm, là điểm nhấn đô thị đòi hỏi phải có nhà đầu tư có tiềm năng lớn. Số còn lại đang tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và phương án bố trí sử dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện…
Ông Hồ Huy Thành cũng phân tích nguyên nhân dẫn tới thực trạng nói trên như: việc xử lý tài sản còn lại trên đất kéo dài; các khu đất là tài sản công được thu hồi trước và trong thời điểm chuyển tiếp của Luật Quản lý sử dụng tài sản công; phải tạm dừng thực hiện một thời gian dài theo Văn bản số 342 của Thủ tướng Chính phủ; sau khi Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực, một số quy định của pháp luật hiện hành còn thiếu thống nhất nên thời gian xử lý kéo dài
Đất thu hồi là quỹ đất phát sinh trong quá trình kiểm tra, thanh tra, quản lý đất đai; nên chưa được dự báo, tính toán trong quá trình lập Quy hoạch sử dụng đất; do vậy, một số khu đất sau khi thu hồi chưa phù hợp với quy hoạch, phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
“UBND tỉnh giao Sở Tài chính tập trung xử lý dứt điểm đối với các khu đất chưa hoàn thành việc xử lý tài sản; Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính tập trung tháo gỡ vướng mắc, lập phương án sử dụng đất, triển khai tổ chức bán đấu giá khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án; trường hợp không có nhà đầu tư tham gia đấu giá thì xem xét thực hiện mời gọi đầu tư, cho thuê đất không qua đấu giá”, ông Thành đề xuất.
Tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng không đủ đáp ứng nhu cầu
Trả lời vấn đề này, ông Thành cho biết thừa nhận: “Do quy trình, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện qua 5 bước, mất rất nhiều thời gian. Sở TN&MT chưa tập trung cao trong việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá điều kiện của các khu vực mỏ trong quy hoạch khoáng sản”.
Giám đốc Sở TN&MT cũng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng và quản lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Theo đó, tập trung hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, thông báo, xét chọn tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức đấu giá 19 khu vực mỏ trong kế hoạch đấu giá đợt 1/2020 vào cuối tháng 8/2020, đồng thời phối hợp với sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương triển khai, rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá các mỏ đợt 2/2020 (theo quy hoạch còn 13 mỏ).
Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản trái phép
Trước năm 2019, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn chủ yếu là cát xây dựng, đất san lấp xảy ra ở nhiều địa phương. Khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra khá phức tạp trên các tuyến sông Ngàn Sâu (Vũ Quang); sông La (Đức Thọ); sông Ngàn Phố (Hương Sơn). Khai thác trái phép đất san lấp diễn ra chủ yếu trên địa bàn các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, Hương Khê.
Sở TN&MT đã phối hợp với Công an tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đấu tranh, phát hiện 123 vụ, 153 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, thu giữ hơn 862 m3 đất, cát, xử phạt vi phạm hành chính trên 250 triệu đồng; tạm dừng 8 mỏ khai thác cát để khắc phục các lỗi vi phạm; xử phạt 32 triệu đồng đối với 8 đơn vị được cải tạo, tận thu đất, cát phục vụ xây dựng nông thôn mới nhưng có hành vi bán đất ra ngoài.
Sau phần trả lời bằng văn bản của ông Hồ Huy Thành, đại biểu thấy còn những nội dung cần làm rõ, nhất là việc cấp GCN QSD đất trước ngày 18/12/1980 còn chậm.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu Can Lộc) đặt câu hỏi: hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 theo Quyết định 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh mới chỉ đạt 4.915 thửa đạt 10,3%, trong khi hết năm 2020 là hết thời hạn thi hành quyết định. Theo các giải pháp Sở TN&MT đã tham mưu, liệu có thể giải quyết xong hay không, trách nhiệm thuộc về ai?
Đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu Can Lộc) đặt câu hỏi
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành cho biết: Qua việc làm việc với cấp 13 huyện, thị, thành phố và lắng nghe ý kiến người dân, nhận thấy đây là việc rất khó, theo quy định phải có giấy tờ “trưng” ra mới đủ điều kiện nhưng do không có nên phải lấy ý kiến cộng đồng trong khi việc này khó khăn.
Giám đốc Sở TN&MT cũng thông tin: thời hạn đến cuối năm 2020 là quy định để đẩy nhanh tiến độ, còn nhu cầu công nhận lại diện tích đất ở là nhu cầu của người dân nên qua năm 2020 vẫn phải làm.
Tham gia chất vấn về nội dung chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, những vướng mắc của Quyết định 2443 làm cơ sở lúng túng trong khi ngành chức năng trả lời, hướng dẫn không rõ. Việc này là quyền lợi của người dân nên phải làm, đồng thời, đây là công tác quản lý để gỡ nút thắt trong quá trình Nhà nước thu hồi đất sau này, tránh khó khăn trong giải phóng mặt bằng như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Huy Hùng (Tổ đại biểu Lộc Hà) nêu vấn đề tình trạng khai thác khoáng sản còn diễn ra ở nhiều nơi
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Hùng (Tổ đại biểu Lộc Hà) về tình trạng khai thác khoáng sản còn diễn ra ở nhiều nơi, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Dù đã giảm hơn rất nhiều so với trước đây nhưng năm 2020, vẫn còn tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại một số địa phương. Năm 2019, Công an tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác, Sở TN&MT thành lập 1 tổ. Ngoài ra, huy động tối đa lực lượng Công an huyện.
Ông Hồ Huy Thành thừa nhận, để tái diễn tình trạng này do năm nay, công phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở TNMT chưa thực sự tốt.
“Sở TN&MT trách nhiệm phối hợp cùng lực lượng Công an để xử lý; không có thẩm quyền bắt người, giữ phương tiện”, ông Thành nhấn mạnh.
Nêu ý kiến tại phần trả lời chất vấn của ngành TN&MT, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu (Tổ đại biểu Nghi Xuân) đề nghị tránh tình trạng cứ chất vấn, cứ kiến nghị nhưng không thay đổi cũng như không thấy kiểm điểm trách nhiệm. Theo quan điểm cá nhân, cần ban hành nghị quyết về việc chất vấn, xử lý kiến nghị cử tri sau kỳ họp…
Đại biểu Nguyễn Văn Hổ (Tổ đại biểu TX Hồng Lĩnh) bày tỏ phân vân khi trong báo cáo của Sở TNMT cho rằng việc cấp đất trước 1980 chậm là do cấp huyện và xã. Trong khi đó, thực tế việc đăng ký quyền sử dụng đất do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐKSĐ) thuộc Sở TNMT xác định điều kiện để trình chủ tịch ký công nhận.
Đại biểu Nguyễn Văn Hổ (Tổ đại biểu TX Hồng Lĩnh) nêu ý kiến
Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Huy Thành khẳng định, việc xác định đất ở trước 1980 thuộc thẩm quyền cấp huyện và xã là phù hợp thực tiễn cũng như qui định của luật. Theo ông Thành, thời gian qua, Văn phòng đăng ký QSD đất hoạt động rất hiệu quả.