Cập nhật Covid-19 ngày 23/2: Mỹ lại ghi nhận kỷ lục buồn; Nhật Bản có tin vui, gặp phản ứng phụ do tiêm vaccine, WHO sẽ bồi thường

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 112,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,48 triệu ca tử vong và gần 87,8 triệu bệnh nhân bình phục.

Cập nhật Covid-19 ngày 23/2: Mỹ ghi nhận hơn 500.000 ca tử vong; WHO khởi động chương trình bồi thường cho trường hợp gặp phản ứng phụ do vaccine.

Cập nhật Covid-19 ngày 23/2: Mỹ ghi nhận hơn 500.000 ca tử vong; WHO khởi động chương trình bồi thường cho trường hợp gặp phản ứng phụ do vaccine.

*Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 54.914 ca nhiễm Covid-19, nhiều nhất thế giới. Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới tại Mỹ vượt mốc 50.000 ca/ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 lên 28.821.964 ca.

Chỉ một năm sau khi người Mỹ đầu tiên được xác nhận đã tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tại hạt Santa Clara, bang California, đến nay, số ca tử vong tại Mỹ cũng vượt ngưỡng nửa triệu ca lên mức 512.467 ca, cao nhất thế giới.

Trong buổi lễ tưởng niệm hơn 500.000 nạn nhân của virus SARS-CoV-2 được tổ chức bên ngoài Nhà Trắng ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ trên khắp các tòa nhà liên bang cũng như đại sứ quán Mỹ tại tất cả các nước và nghi thức này sẽ diễn ra trong 5 ngày.

Liên quan đến vấn đề vaccine Covid-19, ngày 22/2, công ty dược phẩm Johnson & Johnson cho biết có kế hoạch cung cấp đủ liều vaccine cho hơn 20 triệu người Mỹ vào cuối tháng 3 tới nếu loại vaccine này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép.

Johnson & Johnson cho biết thêm, công ty đang hướng tới việc có thể đạt năng suất 100 triệu liều vaccine trong 6 tháng đầu năm 2021. Vaccine của Johnson & Johnson nếu được sự cấp phép của FDA, có thể giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại Mỹ mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy.

* Nước có ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới là Ấn Độ với 11.015.863 ca mắc Covid-19, trong đó có 10.792 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong khi số ca tử vong là 156.498 ca.

Brazil ghi nhận thêm 29.357 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 10.197.531 ca, đứng thứ ba thế giới, trong khi số ca tử vong là 247.276 ca.

Sau Brazil là Nga với 4.177.330 ca mắc, trong đó gồm 83.630 ca tử vong. Quốc gia này cũng ghi nhận 12.604 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

* Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp với việc hầu hết các nước đều có thêm số ca mắc mới. Tổng số ca lây nhiễm mới tại châu lục này là 90.383 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên mức nhiều nhất thế giới nếu xét về khu vực.

* Châu Á là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, với 68.211 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ngoài Ấn Độ, Indonesia được xem là điểm nóng về dịch bệnh tiếp theo khi nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, lần lượt là 8.104 và 8.263 ca.

Tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ với 63.606 ca mắc mới và Nam Mỹ đứng thứ 4 với số ca lây nhiễm mới là 47.431 ca.

* Ngày 23/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun tuyên bố những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về giãn cách xã hội sẽ không được nhận hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền mặt trong thời gian tới.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc liên tục ghi nhận báo cáo vi phạm các quy định về giãn cách xã hội của các cửa hàng, nhà hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc.

* Tại Nhật Bản, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể. Ngày 22/2, quốc gia Đông Á ghi nhận thêm 740 ca nhiễm mới và 56 ca tử vong vì Covid-19. Đây là lần đầu tiên trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 ca/ngày.

Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 200 ca/ngày kể từ ngày 24/11/2020 và dưới ngưỡng 500 ca/ngày trong ngày thứ 16 liên tiếp.

Trong một diễn biến liên quan khác, Nhật Bản có thể sẽ lùi thời gian chính thức bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 65 tuổi trở lên từ tháng 4 sang tháng 5. Việc tiêm phòng cho các đối tượng này dự kiến sẽ được triển khai thử nghiệm vào tháng 4 và bắt đầu triển khai đại trà vào đầu tháng 5.

* Ngày 22/2, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đưa ra báo cáo trong đó nhấn mạnh, sự thành công của chương trình tiêm chủng đại trà các loại vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ Latinh là chìa khóa giúp khu vực này thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, Fitch cảnh báo, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm chạp ở phần lớn các nước trong khu vực, cũng như nguồn cung cấp vaccine hạn chế và mạng lưới phân phối yếu kém sẽ đặt ra nhiều thách thức.

Ngoài ra, Fitch nhận định làn sóng lây nhiễm thứ hai Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế của Mỹ Latinh trong quý đầu tiên của năm 2021.

Cơ quan này nhấn mạnh, tốc độ phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ triển khai và hiệu quả của các chương trình tiêm chủng đại trà.

* Trong thông báo ngày 22/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đã nhất trí khởi động chương trình bồi thường cho các trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại 92 nước nghèo trên thế giới, bao gồm các quốc gia tại châu Phi và Đông Nam Á.

Đối tượng được bồi thường là những người tham gia tiêm chủng loại vaccine được phân phối theo Chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) do WHO dẫn đầu.

Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, tránh các vụ kiện pháp lý mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc.

WHO khẳng định toàn bộ vaccine được phân phối trong COVAX đều phải được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp để xác thực độ an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, việc phát sinh các trường hợp gặp phản ứng phụ là điều khó có thể tránh khỏi, tương tự các loại thuốc dù được cấp phép lưu hành, song nhiều trường hợp hiếm hoi vẫn gặp phải những phản ứng phụ nghiêm trọng.

* Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ngày 22/2 tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sỹ), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir lưu ý rằng đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế, mà còn là một cuộc khủng hoảng nhân quyền. Và do đó, tất cả các phản ứng phải đảm bảo rằng quyền con người là trung tâm, như đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đối với vaccine.

Đại dịch Covid-19 đã làm sâu sắc thêm những ngăn cách, lỗ hổng và sự bất bình đẳng, đồng thời tạo ra những rạn nứt mới, làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên đảm bảo công bằng trong các nỗ lực tiêm chủng, đặt nhân quyền vào trung tâm khuôn khổ các quy định và luật pháp, phát triển và sử dụng công nghệ kỹ thuật số hướng tới một tương lai kỹ thuật số an toàn, công bằng và cởi mở.

Chỉ có 10 quốc gia hiện đã sử dụng 75% tổng số vaccine ngừa Covid-19 và hơn 130 quốc gia chưa có được một liều vaccine nào. Công bằng về vaccine cũng chính là vấn đề nhân quyền.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-232-my-lai-ghi-nhan-ky-luc-buon-nhat-ban-co-tin-vui-gap-phan-ung-phu-do-tiem-vaccine-who-se-boi-thuong-137426.html