Cấp thiết tái định cư cho dân vùng dự án

Nóng lòng, trông chờ từ nhiều năm qua, người dân sống chung quanh các dự án công nghiệp ở Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi mong muốn được di dời đến nơi ở mới. Thế nhưng, sự chậm trễ, kéo dài di dời, tái định cư (TĐC) khiến cuộc sống bà con chịu nhiều bất an, rủi ro.

Gần sáu năm thi công, tổng chi phí đầu tư 695 tỷ đồng nhưng đến nay, khu TĐC Cà Ninh vẫn còn dở dang nhiều hạng mục.

Gần sáu năm thi công, tổng chi phí đầu tư 695 tỷ đồng nhưng đến nay, khu TĐC Cà Ninh vẫn còn dở dang nhiều hạng mục.

Mòn mỏi chờ tái định cư

Bụi bặm, tiếng ồn, thi thoảng có mùi khét… đã trở nên quen thuộc với người dân ở hai xã Bình Thuận và Bình Đông, huyện Bình Sơn hai năm qua. Những khu nhà của cư dân bên cạnh dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất phủ lớp bụi dày. Nhiều căn nhà đóng kín cửa, một số hộ di chuyển tạm sang nhà người thân để tránh ô nhiễm tiếng ồn, bụi phủ khi công trình thi công dài ngày.

Sống ngay sát hàng rào nhà máy thép đang thi công, ông Lê Quang Hải (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) bất an, lo lắng cho việc làm ăn, sức khỏe của gia đình. Ao cá bỏ hoang hơn một năm qua, con cái ông Hải cũng chuyển về quê chờ ngày di dời sang nơi ở mới. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện nhưng đến nay, ông cũng như nhiều hộ dân ở đây chưa được tái định cư theo nguyện vọng.

“Bụi bặm, tiếng ồn và đủ thứ ô nhiễm. Nhà tôi ở cách bờ tường đại công trình mấy chục mét, không bị ảnh hưởng mới lạ. Lo sức khỏe cho con. Bao lâu nay đề nghị nhưng tới giờ vẫn… dậm chân tại chỗ”, ông Hải gay gắt nói.

Tại các xã Bình Đông và Bình Thuận - nơi có dự án thép đang triển khai thi công, sản xuất hơn 400 hộ dân, với cả nghìn nhân khẩu lo lắng khi tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn do thi công, hoạt động của các nhà máy ngày càng nhiều hơn. Trong đó, khoảng 91 hộ dân “sống bên hông nhà máy” chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Chờ đợi quá lâu để đến khu TĐC, bà Phạm Thị Bông, ở xã Bình Đông cho biết, thỉnh thoảng có mùi khó chịu khiến bà lo ngại cho sức khỏe, cuộc sống bấp bênh, bất định. “Mùi hôi, khét đủ thứ làm sao dân chịu nổi. Phải di chuyển về khu dân cư mới thì mới yên ổn mà làm ăn được”, bà Bông bực bội nói.

Ông Tạ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận giải thích, UBND xã đi kiểm tra thực tế và thấy khẩn thiết phải di dời bà con đến nơi an toàn hơn. “Nhiều lần họp và kiến nghị lên các cấp chính quyền, ngành chức năng nhưng đến nay vẫn chưa di dời được, nhất là các trường hợp ở sát vách nhà máy. Chúng tôi mong muốn phải nhanh chóng giải quyết cho dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận kiến nghị.

Khu TĐC Cà Ninh vẫn còn dở dang nhiều hạng mục.

Khu TĐC Cà Ninh vẫn còn dở dang nhiều hạng mục.

Dở dang, ngổn ngang các khu tái định cư

Để di dời người dân vùng dự án công nghiệp ở KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 25 khu TĐC, với tổng hơn 4.960 lô đất bố trí cho người dân. Trong đó, 3.184 lô đã bố trí cho người dân ở các dự án nhiều năm trước như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Doosan Vina, cụm công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất…

Đối với các dự án mới thu hút đầu tư, đang xây dựng như thép, điện, khí… từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư bốn khu TĐC với khoảng 1.700 lô đất để bố trí người dân vào nơi ở an toàn. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, nhiều khu TĐC tại KKT Dung Quất vẫn còn dở dang, thậm chí có nơi chưa xây dựng, thi công.

Khu dân cư (KDC) Cà Ninh thuộc dự án kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân TĐC, neo đậu tàu thuyền - đập Cà Ninh triển khai từ năm 2014 trên 65 ha, do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc thi công chính. Tổng mức đầu tư hơn 695 tỷ đồng, dự án này bố trí 1.077 lô TĐC cho người dân vùng dự án. Thế nhưng sau sáu năm thực hiện, khu dân cư này vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, điện chiếu sáng chỉ đạt 70% khối lượng; số diện tích đủ điều kiện bố trí cho người dân chỉ đạt 40%.

Còn tại KDC Mẫu Trạch phục vụ công tác bồi thường, tái định cư cho khoảng 100 hộ dân cũng trong tình trạng “lưng chừng”. Kinh phí đầu tư 46,5 tỷ đồng, xây dựng trên 5,3 ha, đến nay công trình này chỉ đạt 60% khối lượng xây lắp. Các tuyến giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước vẫn chưa hoàn thành.

Không chỉ nhiều dự án TĐC, KDC dở dang, thậm chí dự án KDC dự kiến di dời dân vào an cư vẫn “còn trên giấy”. Điển hình như Khu TĐC Vạn Tường 1 và 2 (thuộc xã Bình Hải) có tổng diện tích 25,7 ha, kinh phí 300 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ tái định cư khoảng 200 hộ dân, trong đó có dự án Thép Hòa Phát Dung Quất. Thế nhưng, hiện trạng khu vực này vẫn còn là rừng cây, cùng nhiều diện tích canh tác của dân sở tại.

Đại diện BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khu này trước đây giao cho một doanh nghiệp, giờ thu hồi lại để xây dựng tái định cư cho dân. Chúng tôi đã trình phương án xây dựng, đang chờ phê duyệt và các thủ tục khác”.

Lý giải cho việc kéo dài, chậm hoàn thiện các khu TĐC, KDC, ông Hà Đức Thắng, Phó trưởng Ban BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, do thiếu kinh phí, vướng đền bù; HĐND, UBND tỉnh chậm ban hành giá đất, không có kế hoạch sử dụng đất từ năm 2018 đến nay.

“Kinh phí đầu tư các khu TĐC là từ ngân sách Nhà nước. Khu Cà Ninh chậm, kéo dài là do nhà thầu chính yếu năng lực. Chúng tôi làm cuốn chiếu tới đâu bàn giao tới đó. Tỉnh cần sớm ban hành giá đất, chủ trương đầu tư các khu dân cư mới để triển khai”, ông Hà Đức Thắng giải thích thêm.

Bốn dự án TĐC lớn để di dời người dân đến nơi an toàn đến nay vẫn trong tình trạng “dậm chân” kéo dài nhiều năm. Hạ tầng kỹ thuật, đấu nối giao thông, đường nội bộ và điện, nước vẫn chưa hoàn thành do thiếu kinh phí, vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng… thậm chí có khu còn chưa thi công, xây dựng. Sự nhùng nhằng, bất cập này khiến người dân khổ sở; nhà đầu tư, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiến độ, sản xuất kinh doanh.

Khu dân cư Vạn Tường 1 và 2 dự kiến xây dựng để tái định cư cho hàng trăm hộ dân, hiện chỉ là rừng cây và đất canh tác.

Khu dân cư Vạn Tường 1 và 2 dự kiến xây dựng để tái định cư cho hàng trăm hộ dân, hiện chỉ là rừng cây và đất canh tác.

Khi nào an định cho người dân vùng dự án?

Từ nhiều năm trước, khi các dự án lớn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Doosan Vina, khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất triển khai… người dân vùng dự án được di dời vào các khu TĐC khang trang, gần nơi ở cũ, thuận lợi nghề biển, chuyển đổi việc làm. Sự sát sao, vận động của chính quyền địa phương giúp công tác an sinh, định cư của nhân dân được ổn định sau thời gian đến nơi ở mới.

Còn hiện nay, do công tác quy hoạch và triển khai thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều khu TĐC đang xây dựng cũng theo những mục tiêu an toàn, gần nơi ở cũ, thuận lợi cho bà con nghề biển… thế nhưng việc vận động người dân vào ở không tìm được sự đồng thuận.

Ở các khu TĐC trên địa bàn KKT Dung Quất hiện có hơn 800 lô đất hoàn thiện, có thể bố trí cho người dân vào sinh sống. Thế nhưng nhiều hộ dân không chịu di dời đến. “Tréo ngoe” nhất hiện nay là trong số 400 hộ dân vùng Dự án thép Hòa Phát Dung Quất chỉ có gần 50 hộ di dời vào các khu TĐC hiện hữu; hơn 300 hộ dân muốn vào KDC Vạn Tường - vị trí chưa được xây dựng. UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân vào các KDC đã xây dựng. Tuy nhiên, tình trạng “không ở nơi có sẵn, muốn đến nơi chưa xây dựng” vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Chọn nơi ở mới là quyền và nguyện vọng của người dân. Chúng tôi cũng vận động dân vào các khu hiện hữu gần nơi ở cũ, lại tiện cho làm nghề biển nhưng họ không chịu. Họ muốn lên khu Vạn Tường, cách nơi cũ cả chục cây số. Trước đây, BQL KKT Dung Quất, chính quyền địa phương đã từng đưa họ lên đó chọn chỗ ở giờ khu này chưa xây dựng, vận động bà con chọn các nơi đã xây dựng thì họ không chịu nữa”.

Khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, thậm chí ứng kinh phí cho địa phương để nhanh chóng thực hiện hoàn thành các KDC cho người dân. Theo ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất: “Giải quyết TĐC cho bà còn là yêu cầu cấp thiết nhất. Chúng tôi sẵn sàng ứng trước kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án TĐC, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân. Làm sao nhanh chóng giải quyết sớm để chúng tôi cũng ổn định sản xuất”.

Chưa tìm được tiếng nói chung, chưa vận động được nhân dân vào nơi ở mới, gây khó cho nhà đầu tư, chính quyền địa phương lẫn cơ quan quản lý. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới. Còn đối với các khu TĐC, KDC khang trang, sắp hoàn thiện có nguy cơ lãng phí. “Các khu tái định cư phục vụ các dự án, bảo đảm nơi ở cho người dân. Hiện, các khu TĐC xây gần xong, số lô TĐC còn rất nhiều. Chúng tôi đã có kiến nghị, sau khi đã cân đối, bố trí các lô TĐC theo nhu cầu thực tế các lô TĐC còn lại xin đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách, xin cơ chế hỗ trợ lại cho dự án để tiếp tục đầu tư hoàn thành”, ông Hà Đức Thắng khẳng định.

ĐÔNG HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44859202-cap-thiet-tai-dinh-cu-cho-dan-vung-du-an.html