'Cặp vợ chồng già' Mỹ-Thổ khó 'ly hôn', chiêu bài S-400 Nga thất bại?
Mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ giống như một cặp vợ chồng già hay cãi vã nhưng không ai cho rằng họ sẽ ly hôn.
Món quà của ông Trump
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp đỡ người kế nhiệm Joe Biden trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Các biện pháp trừng phạt để đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất được coi là điều không thể tránh khỏi dù cho ông Biden có là tổng thống mới hay không.
Trong một cái nhìn lạc quan, giữa bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phát triển ngày càng mạnh mẽ, động thái của Mỹ được cho là điều không đáng ngại. Nhưng tùy thuộc vào thời gian duy trì, các lệnh trừng phạt có thể gây thiệt hại thực sự cho ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn dựa chủ yếu vào hàng nhập khẩu của Mỹ.
Tất nhiên, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quên rằng chính lệnh trừng phạt trước đây của Washington - lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ từ năm 1975-1978, nhằm đáp trả cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Síp - đã giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Chính vì vậy, họ có thể coi các biện pháp trừng phạt mới nhất này là một khó khăn khác cần vượt qua, thay vì là một động thái trừng phạt thông thường.
Không ngạc nhiên khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích các lệnh trừng phạt là một cuộc tấn công trắng trợn nhằm vào một đồng minh của NATO. Nhưng với các nhà phân tích Mỹ, việc ông Trump trừng phạt ngay bây giờ là món quà đối với ông Biden, dọn đường cho chính quyền tiếp theo không phải va chạm trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất nhiên, hai bên sẽ không thay đổi lập trường của mình. Nhà Trắng của ông Biden sẽ kêu gọi sự khuất phục hơn nữa từ Ankara để đảm bảo tính toàn vẹn của các liên minh quốc phòng như NATO, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan sẽ vẫn kiên cường và thách thức hệ thống phương Tây ở mọi ngả.
Các nhà phân tích Mỹ và một số quan chức trong những ngày tới sẽ chỉ trích hành động đáng lo ngại của chính quyền Erdogan và có thể kêu gọi loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO. Trong khi các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nói về việc loại bỏ Mỹ và vũ khí hạt nhân của nước này ra khỏi căn cứ không quân Incirlik.
Mối quan hệ Mỹ-Thổ ngày nay được xác định chủ yếu bởi những bất đồng. Chúng bao gồm tranh chấp hàng hải ở Đông Địa Trung Hải, việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, liên minh của Mỹ với người Kurd ở Syria, S-400…
Nhưng theo cây bút David Lepeska, mối quan hệ này sẽ khó tan rã. Nó giống như một cặp vợ chồng già hay cãi vã nhưng không ai cho rằng họ sẽ ly hôn. Thổ Nhĩ Kỳ là quá quan trọng đối với chiến lược quốc phòng của NATO, và nước này cũng cần Mỹ hơn nữa khi đối mặt với sự cô lập trong khu vực. Ngoài ra, Ankara cũng cần châu Âu khi nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn ngày càng tăng.
Rộng cửa cho ông Biden
Chìa khóa thành công của ông Biden đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là hiệu quả làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu để gây áp lực lớn hơn lên Ankara. Nền tảng đó đã được thiết lập thời gian qua.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) kết thúc hội nghị thượng đỉnh với một thỏa thuận, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động tìm kiếm năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
Các nhà lãnh đạo EU cho biết, họ sẽ tìm cách phối hợp với Nhà Trắng trước khi quyết định các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như cấm vận vũ khí, tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 3.
Cuộc tụ họp đó diễn ra hai tháng sau lễ nhậm chức ngày 20/1 của ông Biden có thể là một động lực cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây. Nếu ông Biden và ông Erdogan đồng ý về kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt CAATSA, EU có thể một lần nữa quay lại cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu ông Erdogan vẫn không khoan nhượng, mọi thứ có thể diễn biến theo chiều hướng đen tối hơn.
Ông Trump vẫn thường tuyên bố có mối quan hệ nồng ấm với ông Erdogan. Với nền tảng này, một số nhà phân tích cho rằng ông Erdogan có thể cảm thấy bị phản bội khi lệnh trừng phạt được thi hành vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt từ cả Mỹ và EU đều tương đối nhẹ, thể hiện “cách tiếp cận của Goldilocks”: Nếu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp khó khăn và ông Erdogan sẵn sàng ra đòn mạnh hơn. Nhưng, nếu không có lệnh trừng phạt nào được áp dụng, ông Erdogan sẽ thoải mái làm những gì ông muốn và còn hơn thế nữa.
Sự nhẹ tay này tạo nên một điểm khởi đầu vững chắc cho ông Biden. Những phát súng cảnh cáo đã được nổ ra và chính quyền mới có cơ hội để thể hiện lập trường ngoại giao rõ ràng. Giả sử, Ankara muốn tránh sự suy thoái hoàn toàn đối với các liên minh phương Tây thì mối quan hệ này có cơ hội vững chắc để bắt đầu bằng sự thỏa hiệp thay vì đối đầu.
Các cuộc đàm phán giữa Biden-Erdogan đang âm thầm diễn ra, liên minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang bị vùi dập sẽ tiếp tục chao đảo. Giới phân tích tin rằng hai quốc gia có quân đội lớn nhất NATO sẽ trở nên thân thiện hơn. Nhưng tại thời điểm này, quan hệ căng thẳng là điều tốt nhất mà hai bên có thể duy trì.