Cất cao tiếng nói của trẻ em

Vinh dự, tự hào khi đại diện cho hàng triệu trẻ em Việt Nam, mang theo tâm tư, nguyện vọng của bạn bè đồng trang lứa, các đại biểu Quốc hội trẻ em mong muốn cất cao tiếng nói, đưa ra ý kiến về những vấn đề xác đáng tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024.

Tự hào, vinh dự

Không còn bỡ ngỡ như lần đầu tiên tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em (2023), thay vào đó là niềm vinh dự, phấn khởi xen chút hồi hộp khi Lê Gia Vinh, học sinh lớp 8/5, Trường THCS Hùng Vương, Trảng Bom, Đồng Nai, được giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội trẻ em lần thứ II. Ý thức được tầm quan trọng của vị trí lần này, Vinh đã dành nhiều thời gian chuẩn bị, tìm hiểu kiến thức về Quốc hội, đặc biệt là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, rèn luyện phong thái, ngữ điệu sao cho “ra dáng” người đứng đầu, điều hành phiên họp.

 Khai mạc Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ hai

Khai mạc Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ hai

“Khó nhất là khả năng nói, khả năng điều hành, cách chỉnh sửa ngữ điệu sao cho phù hợp, đúng chất một vị lãnh đạo thực thụ như em thường thấy ở các phiên họp Quốc hội. Em tìm hiểu, xem trên truyền hình, trên internet những phần phát biểu, điều hành của bác Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cố gắng học ở bác cách nói từ tốn, chân thật, thân thiện; từ đó cố gắng thực hiện trọng trách của mình một cách tốt nhất”, Lê Gia Vinh chia sẻ.

Còn với Phan Bảo Ngọc, lớp 6GN, Trường THCS & THPT Newton, là đại biểu nhỏ tuổi nhất của Đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em thành phố Hà Nội, đây là lần đầu tiên em tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Năm ngoái, khi thấy các đại biểu của Quốc hội trẻ em giả định lần thứ nhất, Ngọc đã có ước mơ một ngày được đặt chân vào Nhà Quốc hội, trong vai trò đại biểu Quốc hội trẻ em. “Em đã tìm hiểu rất nhiều thông tin về Quốc hội, về những quy định pháp luật liên quan đến trẻ em, về những vấn đề mà trẻ em đang gặp phải… để một ngày em sẽ có thể tự tin, sẵn sàng trở thành đại biểu Quốc hội trẻ em. Giờ đây, ước mơ đó đã trở thành sự thật. Em đến với Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II với niềm tự hào, vinh dự được cất lên tiếng nói của mình”.

 Đại biểu Quốc hội trẻ em thành phố Hà Nội Phan Bảo Ngọc phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ chiều 28.9. Ảnh: Minh Quang

Đại biểu Quốc hội trẻ em thành phố Hà Nội Phan Bảo Ngọc phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ chiều 28.9. Ảnh: Minh Quang

"May mắn, vinh dự" cũng là cảm xúc của Nguyễn Đoàn Phương Linh, lớp 8/4, Trường THCS Quang Trung, Ninh Thuận. Là một trong 3 đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Ninh Thuận tham dự Phiên họp giả định năm nay, Phương Linh cho biết, ngoài tìm hiểu thông tin về Quốc hội, em đã tra cứu, thảo luận, tham khảo ý kiến của thầy cô, bạn bè. Theo Phương Linh, trao đổi để tìm ra giải pháp là điều quan trọng nhất.

“Dành nhiều tâm sức, chuẩn bị hành trang thật tốt” là phương châm Nguyễn Trường Phúc, lớp 9H, Trường THCS Tân An, Bình Thuận, đặt ra trước Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2. “Qua mỗi lần tìm hiểu về Quốc hội giúp em trau dồi thêm nhiều kiến thức, thông tin bổ ích. Đặc biệt, khi nắm được thông tin về hai chủ đề được lựa chọn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, em đã dành nhiều thời gian tra cứu số liệu thực tế, đọc đi đọc lại các văn bản luật có liên quan”.

Đặt nhiều kỳ vọng

Tại chương trình thảo luận tổ chiều 28.9, nhiều đại biểu Quốc hội trẻ em bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng cao về hai vấn đề được đưa ra lần này. Theo đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thủy Tiên, phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em và phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường là những vấn đề cấp bách, có ý nghĩa lớn đối với trẻ em trên cả nước nói chung, trẻ em Quảng Trị nói riêng. “Em mong muốn gia đình, nhà trường, xã hội sẽ lắng nghe tiếng nói của trẻ em, từ sự thấu hiểu trẻ em để chung tay đẩy lùi bạo lực học đường, thuốc lá và các chất kích thích…”.

 Các đại biểu Quốc hội trẻ em thảo luận về vấn đề phòng, chống bạo lực học đường và tác hại của thuốc lá, chất kích thích tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Minh Quang

Các đại biểu Quốc hội trẻ em thảo luận về vấn đề phòng, chống bạo lực học đường và tác hại của thuốc lá, chất kích thích tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Minh Quang

Là đại biểu dân tộc thiểu số, Đinh Thị Huế (TP. Hồ Chí Minh), đại diện Quỹ học bổng Vừ A Dính, quan tâm đến tình trạng sử dụng thuốc lá và chất kích thích. Theo Huế, hành vi này rất khó phát hiện. “Em mong phiên họp Quốc hội trẻ em lần thứ II sẽ đưa ra được những giải pháp để ngăn chặn tác hại của thuốc lá và các chất kích thích, nhất là thuốc lá điện tử trong môi trường học đường, để trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu vùng xa có thêm hiểu biết, cách phòng, chống”.

Thông qua ý kiến của các đại biểu để đưa ra những biện pháp tạo môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em được học tập, vui chơi và phát triển là điều đại biểu Quốc hội trẻ em Nguyễn Đoàn Phương Linh (Ninh Thuận) mong muốn. “Bạo lực học đường và sử dụng thuốc lá điện tử là hai vấn đề nhức nhối phải sớm đưa ra biện pháp để giúp trẻ em có môi trường học tập lành mạnh”. Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Bạc Liêu Phạm Huỳnh Nam Phương cho biết: “Hai vấn đề này có lẽ bất kỳ học sinh nào cũng đã, đang và có thể gặp phải. Dưới góc nhìn của trẻ em, hy vọng có thể đưa ra những giải pháp mang góc nhìn trực tiếp, thực tiễn, góp phần làm giảm tình trạng này”.

 Các đại biểu Quốc hội trẻ em tham quan hầm Nhà Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội trẻ em tham quan hầm Nhà Quốc hội

Đặt nhiều kỳ vọng vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trẻ em năm nay, đại biểu Quốc hội trẻ em thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Anh quan tâm đến chủ đề phòng, chống bạo lực học đường. “Việc xem xét bạo lực học đường từ nhiều góc độ như văn hóa, y tế, pháp luật và tâm lý, cách lật trở vấn đề, sẽ cho ra chính sách phù hợp”.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cat-cao-tieng-noi-cua-tre-em-post391708.html