Cắt giảm thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
'Bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, quy định điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết hoặc không phù hợp với thực tế; cải thiện môi trường đầu tư, xử lý các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và dự án, nhất là những vấn đề kéo dài nhiều năm… ', là mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh trong Tờ trình gửi Chính phủ về Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Vướng khi thực thi chính sách
Khảo sát mới đây của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 10.000 doanh nghiệp cho thấy, hơn 59% doanh nghiệp khó khăn đơn hàng; hơn 51% khó khăn khi tiếp cận vốn vay; hơn 45% khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính và quy định pháp luật; 31,1% lo lắng về nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Đáng chú ý, 84% doanh nghiệp đánh giá sự điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương kém hiệu quả.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) than thở: “Khó khăn về thị trường đã đành nhưng khó khăn từ chính sách cũng là vấn đề lớn với doanh nghiệp. Mục tiêu chính sách là vậy nhưng sự chia sẻ, hành động của các cơ quan liên quan không giống nhau. Đơn cử: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất vất vả chỉ đạo các ngân hàng đảm bảo vốn hay hạ lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi đó tình trạng nợ đọng, không hoàn được thuế giá trị gia tăng (VAT) lại xảy ra ở rất nhiều ngành hàng khiến doanh nghiệp lao đao”.
Nguồn vốn của doanh nghiệp vốn đã khó nay lại bị ách tắc vì nhiều lý do. Lãnh đạo VCCI dẫn chứng, có doanh nghiệp phản ánh, mỗi tháng xuất khẩu được hàng hóa có tổng giá trị là 420 tỷ đồng, nhưng mấy tháng qua phải ngừng xuất khẩu vì chưa được hoàn thuế, doanh nghiệp cạn vốn.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế VAT; còn phía cơ quan Nhà nước vẫn chưa có hướng mới để tháo gỡ các khâu kiểm tra, xác minh hoàn thuế. Đối với dăm gỗ, viên nén làm từ gỗ, doanh nghiệp mua qua nhiều thương lái nên rất khó truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chí hoàn thuế.
“Chỉ cần một doanh nghiêp trong chuỗi bị trục trặc, cơ quan thuế không hiện diện tại địa điểm đó hoặc đóng cửa, lập tức tài khoản của doanh nghiệp bị ách lại, doanh nghiệp phải giải trình, thậm chí phải làm việc với công an”, Phó Tổng thư ký VCCI kể.
Mới đây, liên quan tới Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực đồ uống, giải khát lại lo bị áp tăng thuế. Các doanh nghiệp trong ngành này đang kiến nghị lùi sửa Luật Thuế này vì cho rằng, việc thay đổi cách tính thuế thời điểm này sẽ tác động tiêu cực đến ngành rượu, bia vốn đang gặp nhiều khó khăn, làm mất khả năng cạnh tranh của bia nội và nguồn thu ngân sách.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát cho biết: “Nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ”.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), việc áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường với mức thuế suất 10% sẽ giúp tăng ngân sách Nhà nước khoảng 2.279,1 tỷ đồng, song ngược lại sẽ làm giảm doanh thu và sản lượng riêng ngành nước giải khát và ngành mía đường khoảng 3.159,5 tỷ đồng, dẫn tới tổng ảnh hưởng là giảm 880,4 tỷ đồng.
“Việc này còn gây tác động đến hàng ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng một triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Nếu chính sách thuế được áp dụng, dự báo đa số doanh nghiệp sẽ chia sẻ gánh nặng thuế với người tiêu dùng để giữ sản lượng và thị phần, từ đó dẫn tới lợi nhuận giảm và gây sức ép ngược lại về lợi nhuận và chi phí đối với doanh nghiệp trong chuỗi”, TS Nguyễn Minh Thảo phân tích. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ điều chỉnh chiến lược (ở cấp khu vực) để nhập khẩu thay vì sản xuất do chi phí trong nước cao. Đồng thời, với việc chênh lệch giá giữa giá chính thống và giá buôn lậu là 6% có thể khiến hoạt động buôn lậu gia tăng.
“Một mặt chúng ta dành nhiều sức để có được việc giảm giá trị gia tăng (VAT) 2%, nhưng mặt khác, Bộ Tài chính lại đang bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện chịu thuế. Đây là chính sách không hợp lý”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Theo điều tra về cảm nhận doanh nghiệp của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp đều cảm nhận tích cực về tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua, những chính sách hỗ trợ, thủ tục bằng 0, tức những thủ tục tự động như chính sách hỗ trợ người lao động, giãn hoãn thuế… hầu hết đi vào cuộc sống rất nhanh, doanh nghiệp đánh giá cao. Nhưng những chính sách đòi hỏi làm thêm về thủ tục như tiếp cận lãi suất… tốc độ thực thi hạn chế hơn rất nhiều.
Thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đều đang rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng nhìn ở góc độ doanh nghiệp, họ vẫn chưa cảm nhận được sự cải thiện. Nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc gặp phải tình trạng kéo dài, hay trì hoãn việc thực hiện thủ tục, gia tăng chi phí kinh doanh, tác động bất lợi đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. “Trong bối cảnh hiện nay, đáng ra những quy định đấy không nên xuất hiện, bởi việc tạo thêm chi phí, rào cản hành chính sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu dẫn chứng về những quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC). Mục tiêu quản lý của Nhà nước là cần thiết, nhưng chi phí đó đã hợp lý hay chưa? Hay gần đây, hơn mười hiệp hội ngành nghề vừa có Thư kiến nghị về Dự thảo quy định tính Fs là định mức tái chế sản phẩm bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp quan ngại về sự hợp lý của cách tính, bởi quy định đang lấy mức phí cao hơn chi phí thông thường, rồi còn cộng thêm 3% chi phí quản lý…
Không ban hành thủ tục làm phát sinh chi phí
Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5% được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sẽ là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Đó là: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để hỗ trợ dòng tiền, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
“Tiếp tục rà soát gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn; khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đẩy nhanh hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các chính sách thuế để điều tiết, phát triển bền vững thị trường bất động sản. Đặc biệt, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; không ban hành quy định, thủ tục hành chính làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp, người dân; rà soát, sửa đổi quy chuẩn 06, các quy định về PCCC phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam”, ông Trần Thành Long cho biết.
Về những quy định còn gây khó cho doanh nghiệp, theo ông Phan Đức Hiếu, có 2 cách giải quyết. Thứ nhất, nếu không bắt buộc phải ban hành ngay thì trong thời gian này không nên ban hành thêm bất kể một quy định nào khác hoặc nếu ban hành thì lùi thời gian áp dụng, như đến năm 2024 -2025 mới thực hiện. Thứ hai, nếu buộc phải ban hành, như quy định về chi phí Fs phải ban hành vì theo Luật Bảo vệ môi trường, trong trường này, Chính phủ nên hỗ trợ chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp khi tuân thủ, không áp dụng hồi tố.
“Tất cả những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, giảm chi phí hoạt động sẽ góp phần tăng niềm tin với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ: đồng thời giảm thực sự gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động tốt thì nền kinh tế cũng sẽ tốt lên”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:
Kích thích đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện tốc độ giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm nay vẫn thấp dù tháng 6/2023 có sự cải thiện hơn. Trong đầu tư công hiện nay, chúng ta chưa ưu tiên để sử dụng các sản phẩm dịch vụ sản xuất của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (DNN&V). Trong khi Việt Nam có tới 98,5% là các DNN&V.
Nếu chúng ta không ưu tiên những dự án đầu tư công phù hợp dành cho các doanh nghiệp này để họ cải thiện năng lực thì rất khó. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, tôi nghĩ vẫn phải tiếp tục giảm lãi suất. Việt Nam phải giảm lãi suất cho vay dưới 10%, thậm chí tiệm cận ở khoảng 6 tới 7%, các doanh nghiệp mới có thể vay và hấp thụ vốn được.
Bên cạnh việc giảm lãi, tôi nghĩ, điều kiện để vay vốn cần phải được cắt giảm. Nếu các yêu cầu vay chỉ tập trung vào việc các doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi mới được vay vốn, phía ngân hàng không chấp nhận rủi ro thì cũng rất khó. Chúng ta phải đẩy mạnh cho vay trong tiêu dùng, sức mua mới tăng được. Sức mua thấp, doanh nghiệp sản xuất hàng cũng không bán được cho ai.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính:
Cần quy định rõ thời gian hoàn thuế, không để tồn đọng quá lâu như hiện nay
Theo luật định, cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện hoàn thuế đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc cho doanh nghiệp. Thời gian qua, có một số doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành gỗ và một vài ngành khác đã bị phát hiện cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế, từ đó các cơ quan quản lý phải có thời gian kiểm tra, xác định lại. Việc này là cần thiết.
Tuy nhiên, luật cũng đã nêu rõ thời gian kiểm tra tối đa, nếu trong trường hợp cần thiết phải kéo dài thời gian này thì nhiều nhất là 15 - 20 ngày chứ không thể kéo cả năm. Việc hoàn thuế chậm, cơ quan quản lý thuế phải xem xét, thay đổi và quy định rõ nếu chậm thì được chậm bao lâu. Song song đó cũng cần quy định, dù đã được hoàn thuế nhưng sau này kiểm tra lại nếu phát hiện việc gian lận, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị thu hồi tiền hoàn thuế và nộp phạt. Việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp.
Trong thực tế, các vi phạm về hoàn thuế là có, nhưng không thể vì thế mà để những doanh nghiệp chấp hành tốt phải thiệt hại. Tổng cục Thuế cần sớm giải quyết, nếu không, Chính phủ, Quốc hội phải giải quyết để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Phương - Sơn
*Clip chia sẻ của PGS TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về nguy cơ Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là suy giảm cầu tiêu dùng hàng hóa từ nước ngoài mà là nguy cơ mất hẳn đơn hàng... Do vậy, Việt Nam cần sử dụng một số những biện pháp kích cầu nhưng cần kích cầu có chọn lọc và cần kết hợp các chính sách để cải thiện tổng cung tiềm năng, tức các chính sách trọng cung của nền kinh tế: