'Cậu bé trong cái hộp' hay 'đứa trẻ vô danh của nước Mỹ' được định danh sau 65 năm
Mới đây, ngày 8/12/2022, Cảnh sát bang Philadelphia - Mỹ công bố, nhờ công nghệ ADN phả hệ di truyền mới, đã giúp phát hiện danh tính một cậu bé 4 tuổi bị sát hại 65 năm trước
Vụ án này đã bí ẩn hàng mấy thập kỷ, mọi người gọi nạn nhân là “Cậu bé trong cái hộp” (The Boy in the box), một số người khác thì gọi cậu là “Đứa trẻ vô danh của nước Mỹ”. Điều đáng nói, vụ án bế tắc hơn nửa thế kỷ, nhưng các nhà điều tra không bao giờ lãng quên nó, các thế hệ điều tra viên vẫn tiếp bước nhau lặng lẽ điều tra, tìm kiếm mọi manh mối, áp dụng các thành công mới của khoa học hiện đại... để tìm ra chân tướng vụ án, trả lại tên cho nạn nhân nhỏ tuổi...
Vụ án bắt đầu vào ngày 25/2/1957, thi thể của một cậu bé, trần trụi không quần áo, quấn trong một chiếc chăn nhỏ, đặt trong một cái hộp carton, để ở trong khu rừng gần đường Susquehanna ở Fox Chase, bang Philadelphia. Có một người đàn ông đi đặt bẫy bắt chuột xạ hương nhìn thấy nhưng do sợ Cảnh sát sẽ phát hiện việc ông ta đặt bẫy sẽ tịch thu mất các cái bẫy, nên ông ta không dám báo cảnh sát.
2 ngày sau đó, một nam sinh viên đại học, trên đường lái xe qua, nghi ngờ có người đặt bẫy để bắt thú rừng nên đã xuống xe để quan sát. Không ngờ anh phát hiện thi thể cậu bé. Nam sinh viên lúc đầu do quá sợ hãi nên đã do dự không báo cảnh sát, nhưng sau một ngày khi anh nghe thông tin về một vụ mất tích của một cô bé gái, thì anh quyết định báo cáo cảnh sát sự việc.
Cảnh sát đã ngay lập tức điều tra. Thi thể của cậu bé trần trụi ở trong một cái hộp bìa giấy từng dùng để đựng cái nôi của hãng J. C. Penny. Tóc của cậu bị cắt trụi, khả năng là bị kẻ sát hại cắt sau khi chết, do có nhúm vụn tóc trên người. Còn có nhiều dấu hiệu của việc cậu bé bị suy dinh dưỡng trầm trọng, nhiều vết sẹo, một số do phẫu thuật, nhìn rõ nhất trên cổ chân, háng và một vết sẹo hình chữ L dưới cằm, chứng tỏ cậu bé đã bị bạo hành khá lâu dài. Cậu bé cũng đã bị đánh đập và bạo hành rất nặng nề trước khi chết, do có số lượng lớn vết bầm tím trên người. Cảnh sát tin rằng nguyên nhân tử vong là bị giết do chấn thương vật lý vào đầu.
Cảnh sát mở cuộc điều tra vụ án mạng, cứ tưởng sẽ nhanh chóng tìm ra được danh tính nạn nhân. Cảnh sát in hơn 400.000 tờ rơi, in ảnh nạn nhân treo khắp nơi, treo ở mọi trạm xăng của bang. Có 270 tân binh ở Học viện cảnh sát được đưa đến hiện trường điều tra đi điều tra lại. Tại hiện trường có 1 cái mũ đàn ông lưỡi trai màu xanh dương, một cái khăn trẻ em, một cái khăn mùi xoa đàn ông màu trắng. Cảnh sát cũng phân phát bức ảnh cậu bé được dựng lại trong tư thế còn sống, với hy vọng tìm ra đầu mối.
Cái mũ lưỡi trai được truy về một cửa hàng tại địa phương, chủ cửa hàng đã nhận ra cái dây của cái mũ do một người đàn ông đi một mình đến cửa hàng của bà nhưng Cảnh sát lại không tìm được ông ta. Cảnh sát cũng đã truy được nguồn của chiếc hộp giấy đựng thi thể cậu bé, thuộc 1 cửa hàng cũng gần đấy, cái hộp có đánh dấu “Hàng nội thất dễ vỡ không mở bằng dao”, ban đầu nó được được sản xuất để chứa 1 cái nôi cho em bé. Nhờ chính sách của cửa hàng chỉ nhận tiền mặt, nên điều tra viên đã truy tìm được người mua, nhưng kết quả lại không liên quan gì đến nạn nhân. Tuy nhiên tất cả các manh mối này đều không dẫn đến đâu cả.
Cảnh sát cũng đã kiểm tra các trại trẻ mồ côi, các bệnh viện, in nhiều ảnh cậu bé lên báo chí, in nhiều Poster treo ở các cửa hàng cửa hiệu nhưng cuối cùng thì vẫn không manh mối về danh tính của cậu cũng như về kẻ giết người. Nhưng dự đoán về thân thế cậu bé thì người ta dự đoán là cậu gốc người Hungari chạy nạn đến Mỹ sau khi đất nước đó xảy ra cuộc cách mạng vào 1956. Một số người lại tin rằng cậu bé là con trai của 1 công nhân ở Carnival (Lễ hội hóa trang). Nhưng kết cục thì cũng không ai báo mất con, cũng không có ông bố nào ở địa phương đi tìm con bị mất tích. Sau nhiều nỗ lực không truy tìm được danh tính nạn nhân và hung thủ, vụ án bế tắc trở thành một “vụ án lạnh”.
Nhưng ít ai ngờ rằng, vụ án vẫn được âm thầm điều tra. Sau 41 năm bị sát hại, năm 1998, thi thể cậu bé đã được Cảnh sát cho khai quật để lấy mẫu ADN. Trung tâm “Trẻ em bị mất tích hoặc bị lợi dụng” đã đưa ra một mẫu tái tạo khuôn mặt nạn nhân theo pháp y, đưa vào kho dữ liệu vụ án. 21 năm sau đó, năm 2019, ngôi mộ cậu bé lại được khai quật lần nữa để lấy mẫu ADN của cậu. Nhờ các mẫu ADN này, việc xét nghiệm gien và phương pháp phả hệ di truyền mang tính điều tra khoa học đã giúp các nhà gien học vào tháng 10/2021 khẳng định được tên của cậu bé, nhưng thông tin được giữ bí mật, không công bố. Sau đó thì các nhà điều tra khẳng định được nhờ 1 người họ hàng cậu bé đăng tải ADN lên một trang dữ liệu công cộng, Cảnh sát bèn vận động mẹ của người đăng ADN – chính là người anh chị em họ với cậu bé bị sát hại, đưa bảng hồ sơ về gien đến, nhờ đó đã tìm được bố mẹ ruột của cậu bé, khẳng định được danh tính của cậu bé. Sau đó các nhà chức trách lại tiếp tục xét nghiệm ADN để đi đến kết luận chính thức. Vụ án bí ẩn hàng mấy thập kỷ, nhờ sự nỗ lực điều tra và áp dụng khoa học đã có một khám phá quan trọng.
Tên của cậu bé đáng thương bị sát hại sau 65 năm, cuối cùng cũng đã được biết đến: Joseph Augustus Zarelli. Cậu bé sinh 13/1/1953, bị sát hại lúc 4 tuổi. Công chức của Sở Cảnh sát Philadelphia thông báo tại 1 cuộc họp báo rằng, nhờ công nghệ phả hệ ADN hiện đại đã giúp điều tra khám phá nhiều “vụ án lạnh” bị tồn đọng trong rất nhiều năm qua. Đại úy Jason Smith, trưởng phòng án mạng của Sở Cảnh sát bang Philadelphia, nói: “Chúng tôi đã có nghi ngờ về việc ai là người phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này, nhưng mà tôi sẽ trở nên vô trách nhiệm nếu chia sẻ suy đoán này khi mà đây vẫn là một cuộc điều tra đang hoạt động”. Cảnh sát cũng thông báo rằng bố mẹ của cậu bé đã qua đời, nhưng còn anh chị em đang sống. Joseph đã sống ở khu vực phố 61st và phố Market. Đại úy Smith còn nói, “Đứa trẻ đã sống qua 4 tuổi, vì thế nên phải có ai đó đã từng nhìn thấy cậu bé này, có thể một thành viên gia đình nào khác vẫn chưa lộ diện, hay một người hàng xóm mà nhớ ra rằng từng gặp cậu bé, và nhớ những gì đã xảy ra trong ngôi nhà đó”.
Vào tháng 1 năm 2023, tờ The Philadelphia Inquier đã đưa tin rằng bố đẻ của Joseph là Augustus J. Zarelli, còn gọi là “Gus”, và mẹ đẻ là Mary Elizabeth Plunkett, còn được biết đến là “Betsy”.
Ngôi mộ của cậu bé ban đầu được chôn ở khu vực của những người chết không rõ danh tính, không có người thân nhận, sau đó vào năm 1998, cậu được chuyển đến một nghĩa trang mà ở đó có dành tặng cậu 1 suất đất từ thiện. Con trai của người đàn ông năm xưa đã chôn cất cậu bé đáng thương này (vào năm 1957), đã bỏ toàn bộ chi phí cho dịch vụ lễ tang, quan tài và bia khắc “Đứa trẻ vô danh của nước Mỹ” để đưa cậu vào nghĩa trang mới, hành động nghĩa hiệp này kế tục tấm lòng từ thiện 41 năm trước của người cha.
Sau 65 năm, khi các nhà chức trách hết sức trách nhiệm đã sử dụng công nghệ hiện đại tìm ra danh tính của cậu bé Joseph Augustus Zarelli, vào ngày 13/1/2023, đúng vào ngày sinh nhật thứ 70 của Joseph, một đài tượng niệm mới chứa tên đầy đủ và ảnh của cậu bé đã được ra mắt, cùng với việc khắc tên cậu vào bia đá của ngôi mộ. Cuối cùng “Đứa trẻ vô danh của nước Mỹ” đã có danh!
Tuy nhiên đến nay, do thời gian quá lâu, khó khăn cho việc thám tử điều tra ra nguyên nhân khiến cậu bị sát hại cũng như khó khăn trong xác định hung thủ đã cướp đi cuộc đời non trẻ của cậu. Nhưng chắc chắn rằng các điều tra viên vẫn tiếp tục hành trình đi tìm công lý cho Joseph. Chúng ta hãy hy vọng và hãy chờ!