Câu chuyện bóng đá: Vị thế đội tuyển qua thước đo truyền thông!

Đã vài ngày trôi qua nhưng lễ bốc thăm chia bảng vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà chuyên môn cũng như người hâm mộ bóng đá châu lục. Cục diện bảng G gồm 5 đội tuyển, gồm: Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE), Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia được xem là khá cân bằng.

Ảnh minh họa.

Mặc dù được đánh giá là ứng viên số 1 cho ngôi đầu bảng G, song HLV Van Marwijk của UAE vẫn dành cho thầy trò ông Park Hang Seo rất nhiều sự tôn trọng. Trao đổi với báo giới, nhà cầm quân người Hà Lan tỏ ra đặc biệt lưu tâm về phong độ và lối chơi tấn công của Quang Hải, Anh Đức, Văn Toàn, Công Phượng... đồng thời khẳng định:

Đây là thử thách không dễ để vượt qua! Tương tự như vậy, đại diện cả 3 đội tuyển còn lại đều cho rằng đội tuyển Việt Nam là ứng cử viên sáng giá cho một trong hai vị trí dẫn đầu.

Không phủ nhận thực tế, những nhận định này ít nhiều mang tính ngoại giao, đề cao đối phương nhằm giảm áp lực cho mình, đặc biệt là phát biểu của HLV Van Marwijk. Với mục tiêu giành ngôi nhất bảng, người chịu trách nhiệm về chuyên môn của đội tuyển UAE có đủ bình tĩnh và kinh nghiệm để không tạo tâm lý chủ quan cho các học trò nếu ông đánh giá thấp đối thủ. Vì lẽ đó, sẽ là khách quan hơn nếu đặt vị thế của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới thước đo của truyền thông quốc tế.

Shebby Singh - bình luận viên của kênh truyền hình Fox Sport nêu quan điểm: “Việt Nam và Thái Lan đều có nhiều cơ hội đi tiếp vào vòng trong”. Trong khi đó, phóng viên Martin Lowe của tờ ESPN thể hiện sự sắc sảo qua góc nhìn khác: UAE mạnh hơn phần còn lại nhưng họ đang chuyển giao thế hệ và sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đi lại (nhiều lần từ Tây Á đến Đông Nam Á). Trong khi Thái Lan có nhiều cầu thủ giỏi. Dù vậy, điều họ còn thiếu là một HLV biết xây dựng lối chơi phù hợp với đội tuyển và đó sẽ là cơ hội cho Việt Nam.

Điều này hoàn toàn tương phản với những gì từng diễn ra cách đây 4 năm. Trong cuộc đua giành vé tới World Cup 2018, khi được xếp chung bảng với đội tuyển Việt Nam, một người nổi tiếng là điềm đạm, “khôn ngoan đến mực nói năng phải lời” như cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Kiatisuk cũng không giấu được sự phấn khởi khi cho rằng: Với đẳng cấp và thực lực, họ sẽ dễ dàng giành chiến thắng ở cả hai lượt trận. Và diễn biến sân cỏ sau đấy đã chứng minh: Kiatisuk có lý khi không đánh giá cao đội tuyển của chúng ta.

Đội bóng xứ Chùa Vàng còn “phấn khởi” như thế nên không ngạc nhiên khi các đội bóng hàng đầu châu lục đều không xem đội tuyển Việt Nam là đối thủ xứng tầm. Thực tế này dẫu phũ phàng nhưng được chính các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thừa nhận khi mà trong suốt 7 lần tham dự vòng loại World Cup, mục tiêu của VFF giao cho đội tuyển chỉ là “chơi cống hiến”, “cố gắng hết sức mình”!

Không còn nghi ngờ gì nữa, vị thế của bóng đá nước nhà đã được nâng lên đáng kể. Từ một đội bóng được xem như “lót đường”, tuyển Việt Nam đã đàng hoàng, tự tin khoác trên mình tấm áo ứng cử viên trong sự nể trọng của cả làng cầu châu lục.

Nếu phải chứng minh sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam thì theo chúng tôi, nhận định của truyền thông quốc tế là một trong những bằng chứng xác đáng, thuyết phục.

MẠNH HÀ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-trong-nuoc/cau-chuyen-bong-da-vi-the-doi-tuyen-qua-thuoc-do-truyen-thong/104607.htm