Câu chuyện của danh dự, tội lỗi, sợ hãi và cứu chuộc
Người đua diều là tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ Khaled Hoseini, được xuất bản năm 2003, được Nhà Xuất bản Nhã Nam - Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản năm 2018. Cuốn tiểu thuyết giúp người đọc hiểu được phần nào về văn hóa, con người Afganistan - một đất nước vừa kỳ bí, vừa đau thương.
Qua từng trang sách, Khaled Hosseini dẫn dắt người đọc vào câu chuyện về sự tàn bạo khủng khiếp và một tình yêu mãnh liệt chưa bao giờ được đền đáp. Xuyên suốt cuốn sách, là tình bạn của Amir và Hassan - một tình bạn “kỳ lạ”. Nó kỳ lạ bởi những sợi chỉ vô hình của các mối quan hệ khác ràng buộc xung quanh nó. Đó là sợi chỉ của tình thân, huyết thống, của định kiến xã hội, của tín ngưỡng. Amir và Hassan của những năm tháng ấu thơ vừa là bạn lại vừa như không phải là bạn. Cả hai đều mất mẹ từ sớm, phải bú chung cùng một bà vú.
Bên cạnh câu chuyện về tình bạn kỳ lạ giữa Hassan và Amir, Khaled Hosseini còn xây dựng bên lề những mối quan hệ kỳ lạ nhưng gắn bó khăng khít với nhau, những mối quan hệ đó giống như chất xúc tác, lúc thì đẩy hai người bạn ra xa nhau, lúc lại bất chợt đưa họ trở về cuộc đời nhau như quỹ đạo vốn có. Đó là mối quan hệ huyết thống, là niềm tin vào tín ngưỡng, là niềm tự hào và yêu thương quê hương, là những văn hóa, những luật lệ bất thành văn...
Điều đặc biệt gây sức ám ảnh và tầm ảnh hưởng của tác phẩm này là ở hình ảnh cánh diều và cuộc đua diều xuất hiện trong hai bước ngoặt lớn của truyện. Cánh diều tượng trưng cho hy vọng. Ở lần
đầu tiên, nó tượng trưng cho hy vọng của Amir về tình thương của người cha, nhưng chính nó cũng khiến cho cuộc đời của hai cậu bé rẽ sang những hướng khác. Lần thứ hai xuất hiện, cánh diều mở ra một chương mới tươi sáng hơn sau tất cả những gì qua. Kết truyện tuy không hoàn mỹ nhưng khiến con người ta lấy lại được niềm tin vào cuộc sống.
457 trang sách là một câu chuyện diễn ra nhanh, hầu như không có chi tiết dư thừa. Một sự thể hiện kịch tính các sự kiện lịch sử. Khả năng miêu tả sâu sắc nội tâm nhân vật, tuy viết ở góc nhìn của Amir nhưng người đọc hoàn toàn có thể hiểu được tấm lòng của cậu bạn thân Hassan, suy nghĩ của người cha vĩ đại Baba.
Những người đua diều - Amir và Hassan - chạy đua với thời gian, với chiến tranh, với những khát khao, những hy vọng, họ mong muốn tận hưởng chiến thắng dù cho đôi tay bị dây diều cước đến bật máu. Sống trong sự nghèo khổ, đau thương, bị ruồng bỏ, hắt hủi nhưng chưa khi nào niềm tin vào thần thánh, tín ngưỡng, vào tương lai, vào cuộc sống của họ bị vùi dập. Trái lại, nó luôn cháy âm ỉ, tiếp cho họ sức mạnh để sửa sai, để thôi dằn vặt chính mình và đem lại cho người khác cuộc đời hứa hẹn hơn.