Câu chuyện ít biết về những người tình nguyện...nhiễm Covid-19

Hầu hết chúng ta đều bị ám ảnh với đại dịch Covid-19 và cố gắng tránh bị nhiễm bệnh bằng mọi giá, nhưng vẫn có những người dám để virus nguy hiểm này thâm nhập vào cơ thể vì một mục tiêu cao cả.

Theo CNN, hàng chục nghìn người đã đăng ký chiến dịch mang tên "1 Day Sooner" (tạm dịch: 1 ngày sớm hơn) để được nhận những mũi vaccine phòng Covid-19 đang trong quá trình thử nghiệm. Theo đó, họ sẽ tình nguyện chịu nhiễm căn bệnh nguy hiểm này và được theo dõi tình hình sức khỏe trong môi trường được kiểm soát.

Estefania Hidalgo, 32 tuổi, một tình nguyện viên tham gia dự án 1 Day Sooner để thử nghiệm vaccine Covid-19 bằng phương pháp chủ động lây nhiễm trên người. (Nguồn: CNN)

Estefania Hidalgo, 32 tuổi, một tình nguyện viên tham gia dự án 1 Day Sooner để thử nghiệm vaccine Covid-19 bằng phương pháp chủ động lây nhiễm trên người. (Nguồn: CNN)

Trong số đó có Estefania Hidalgo, 32 tuổi, một sinh viên nhiếp ảnh ở Bristol, Anh. Cô hiện đang làm việc tại một trạm xăng để mưu sinh.

Đối với cô, những ngày phải sống trong một xã hội bị phong tỏa bởi các lệnh hạn chế đi lại thật sự cô đơn và khi cô biết rằng mình có thể góp phần vào cuộc chiến chống lại Covid-19, Estefania đã không ngần ngại đăng ký tham gia "1 Day Sooner" ngay tức khắc.

“Đây là cách để tôi có thể giúp kiểm soát lại tình hình và cảm thấy như mình đang ở trong một thế giới không quá tuyệt vọng và vô vọng như trước nữa. Để giúp thế giới trở nên tốt hơn, tôi đã chọn cách không thể sợ hãi”.

Những cuộc thử nghiệm đầy tranh cãi…

Thử nghiệm vaccine trên người trong môi trường được kiểm soát tuy không còn quá lạ lẫm với giới khoa học, nhưng vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Đây được gọi là phương pháp chủ động lây nhiễm trên người (HTC), từng được sử dụng trong dịch cúm mùa, sốt rét, sốt xuất huyết, tả và thương hàn. Sau khi tiêm thử vaccine, người tham gia sẽ được tiêm thêm một lượng nhỏ virus, được cho là không đủ gây nguy hiểm. Các nhà khoa học sẽ đánh giá mức độ hiệu quả của sản phẩm.

Thế nhưng, Covid-19 không giống như những dịch bệnh trên, bởi thế giới chưa có cách điều trị chính thức và hiệu quả. Nếu thử nghiệm vaccine thất bại, rủi ro đối với những người tham gia thử nghiệm sẽ cao hơn.

Thử nghiệm vaccine trên người trong môi trường được kiểm soát tuy không còn quá lạ lẫm với giới khoa học, nhưng vẫn là vấn đề gây tranh cãi. (Nguồn: CNN)

Thử nghiệm vaccine trên người trong môi trường được kiểm soát tuy không còn quá lạ lẫm với giới khoa học, nhưng vẫn là vấn đề gây tranh cãi. (Nguồn: CNN)

Những tình nguyện viên tham gia các cuộc thử nghiệm thường được cấp một số tiền bồi dưỡng cho khoảng thời gian và sự công sức mà họ bỏ ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phải cẩn trọng để số tiền đó không biến những cuộc thử nghiệm này trở thành hoạt động trục lợi.

Nhiều nhà phê bình cho rằng, các cuộc thử nghiệm kiểu này chỉ cho ra kết quả có giới hạn bởi phần lớn tình nguyện viên là những người trẻ, khỏe mạnh nên không đại diện cho phần còn lại của dân số.

Theo CNN, tháng 9 vừa qua, chính phủ Vương quốc Anh cho biết họ đang tích cực thảo luận với các công ty dược phẩm để hợp tác trong một thử nghiệm chủ động. Tuy nhiên, một số nhà phát triển vaccine lớn, bao gồm AstraZeneca, Sanofi và BioNTech, nói rằng họ không quan tâm đến những chương trình thử nghiệm này.

Hiện tại, thế giới đang có 11 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn 3. Tuy nhiên, khác với thử nghiệm vaccine trong môi trường được kiểm soát, hàng chục nghìn người đang được tiêm vaccine thử nghiệm, sau đó quay trở lại với cuộc sống thường ngày và thường xuyên được theo dõi tình trạng sức khỏe để xác định liệu họ có khả năng nhiễm Covid-19 hay không.

.. nhưng cần thiết với nhân loại

Ông Peter Smith, làm việc tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London (Anh quốc) cho biết những loại vaccine đầu tiên chưa chắc sẽ đem lại kết quả khả quan nhất. Ông cho rằng, các thử nghiệm vaccine chủ động trong môi trường kiểm soát cần được đẩy mạnh để có thể nghiên cứu cặn kẽ hơn tác dụng của vaccine Covid-19.

Cơ quan Nghiên cứu Sức khỏe của Vương quốc Anh (HRA) là cơ quan phê duyệt tất cả những nghiên cứu liên quan đến đối tượng con người. Khi những đề xuất về cuộc thử nghiệm vaccine lần này được đưa ra, HRA đã phải thành lập một hội đồng đánh giá y đức của tất cả đề xuất liên quan đến phương pháp này.

Ông Terence Stephenson, lãnh đạo HRA, cho biết: "Nguy cơ rủi ro trong các nghiên cứu luôn có thể xảy ra. Hằng ngày, tại Anh và những quốc gia khác, các chuyên gia y tế tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm để chăm sóc cho bệnh nhân".

Ông Stephenson cũng không tỏ ra ngạc nhiên khi thấy nhiều người sẵn sàng tham gia thử nghiệm, tự làm bản thân gặp nguy hiểm để có những đóng góp cho lợi ích chung của xã hội.

Alastair Fraser-Urquhart, 18 tuổi, ban đầu bị gia đình ngăn cản khi đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19. (Nguồn: CNN)

Alastair Fraser-Urquhart, 18 tuổi, ban đầu bị gia đình ngăn cản khi đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine Covid-19. (Nguồn: CNN)

Alastair Fraser-Urquhart, một chàng trai mới 18 tuổi vì muốn góp phần vào cuộc chiến chống Covid-19 tại Anh nên đã tham gia dự án "1 Day Sooner". Anh luôn cho rằng quyết định tham gia tình nguyện không phải là điều quá to tát.

Fraser-Urquhart hiện là người dẫn đầu một chiến dịch của chính phủ Anh nhằm hỗ trợ thử nghiệm chủ động đầu tiên. Anh hoãn việc học đại học một năm để làm việc cho dự án. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, anh sẽ được tiêm vaccine và cả virus SARS-CoV-2 vào cơ thể, cách ly tại một cơ sở sinh học có độ an toàn cao trong nhiều tuần.

Trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ luôn có một nhóm được tiêm giả dược thay vì vaccine thật nhằm để đối chứng và đánh giá độ hiệu quả của sản phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng luôn có sự khác biệt lớn giữa việc lây nhiễm tự nhiên và chủ động đưa virus vào cơ thể.

Đã nhiều tranh cãi xảy ra trong việc liệu có nên có một nhóm người giả dược trong cuộc thử nghiệm virus SARS-CoV-2 hay không. Ông Stephenson đã ủng hộ quan điểm không nên, ngược lại, ông Smith không chắc chắn với điều này.

“Vấn đề là nếu thử nghiệm vaccine trên một nhóm tình nguyện mà không ai nhiễm bệnh, thì đó là vaccine đã có tính bảo vệ, hoặc bởi vì đã có vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Và bạn không thể trả lời câu hỏi đó một cách chắc chắn trừ khi bạn có một nhóm giả dược” – ông Smith cho biết. Tuy nhiên, việc sử dụng giả dược trong thử nghiệm chủ động lây nhiễm gặp nhiều tranh cãi về mặt y đức.

Đối với Fraser-Urquhart, quyết định tham gia thử nghiệm của anh đã gặp phải không ít cản trở từ gia đình. Tuy nhiên, khi nhận ra được hành động dũng cảm và cao cả của con trai mình, ông Andrew Fraser-Urquhart, 52 tuổi đã nhiệt tình ủng hộ con trai.

Đối với những người trẻ tuổi như Alistair Fraser-Urquhart, bị nhiễm Covid-19 có thể không đem lại nhiều rủi ro, nhưng không phải là bằng không. Dưới 1% các ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ hiện là những người từ độ tuổi 34 hoặc trẻ hơn. Ngoài ra, những hậu quả sức khỏe lâu dài sau khi nhiễm bệnh còn chưa sáng tỏ.

“Bây giờ chính là lúc chúng ta đẩy nhanh quá trình, xem xét năng suất và hiệu quả công việc, và mạo hiểm bản thân vì cộng đồng.” – Alistair cho biết.

Đối với chàng trai 18 tuổi, đây cũng là lý do để anh tham gia thử nghiệm, giúp loài người sớm đánh bại đại dịch nguy hiểm này, giúp cộng đồng phải đối mặt với những hậu quả lâu dài đó.

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cau-chuyen-it-biet-ve-nhung-nguoi-tinh-nguyennhiem-covid-19-126213.html