Câu chuyện kỷ luật: Bao người làm được, chẳng lẽ mình...

Đi qua phòng ở của Trung đội 1, thấy Hùng là bạn cùng quê đang ngồi thất thần, Sơn lại gần hỏi:

- Quê có chuyện gì buồn à?

- Đêm qua, đang trong ca gác, tớ để súng bên cạnh rồi ngồi ngủ thiếp đi, bị Chính trị viên đại đội nhắc nhở, phải viết tường trình, kiểm điểm. Thú thật với cậu, trước khi vào học sĩ quan, tớ không nghĩ là phải đi gác đêm như vậy đâu! Ban ngày học tập vất vả, cuối chiều thì lao động, tăng gia, đêm đến lại còn phải gác. Ở nhà tớ quen được bố mẹ chiều chuộng nên giờ thấy hơi nản. Tớ vừa nhờ người quen xin chỉ huy đại đội cho tớ làm tiểu đội trưởng kiêm chức để không phải gác đêm nữa. Mùa rét này mà gác thì ngại lắm!

Nghe Hùng nói vậy, Sơn khuyên không nên xin xỏ thế mà phải cố gắng khắc phục. Bởi đối với bộ đội thì việc rèn luyện là rất cần thiết, nhất là học viên sĩ quan thì càng phải tự giác rèn luyện. Tất cả anh em trong trường đều thực hiện tốt các chế độ, nền nếp thì mình cũng phải cố gắng kẻo mọi người cười cho.

Nghe Sơn nói, Hùng có vẻ hiểu ra, nhưng đã trót gọi điện nhờ rồi...

Chập tối hôm đó, Hùng mang bản tường trình, kiểm điểm lên phòng đồng chí Chính trị viên đại đội.

- Mời cậu ngồi. Cậu đã nhận ra khuyết điểm của mình chưa?

- Báo cáo đồng chí Chính trị viên, tôi đã nhận ra khuyết điểm của mình và xin nghiêm túc rút kinh nghiệm ạ!

- Cậu nhận ra khuyết điểm là tốt rồi! Việc ngủ gật khi làm nhiệm vụ canh gác tưởng đơn giản nhưng lại rất nghiêm trọng Hùng ạ. Trong điều kiện bình thường, người gác ngủ gật dễ dẫn đến mất an toàn, kẻ gian có thể đột nhập vào đơn vị để trộm cắp hoặc phá hoại. Còn trong chiến tranh thì địch có thể đột nhập, bất ngờ tấn công ta, gây ra tổn thất rất lớn. Canh gác vừa là chế độ bắt buộc trong công tác đóng quân, canh phòng, vừa là một nội dung rèn luyện quan trọng của quân nhân trong toàn quân từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến nay. Cả triệu người đã và đang thực hiện tốt việc này, chẳng lẽ cậu là học viên sĩ quan mà không làm được? Nếu quá mệt không thể gác được thì phải báo cáo với chỉ huy đơn vị chứ. Ai cũng ngủ khi gác thì sẽ ra sao, cậu thử nghĩ xem?

Nghe đồng chí Chính trị viên giảng giải, Hùng ngại ngùng, lí nhí xin lỗi. Chính trị viên đại đội nói tiếp:

- Lại còn chuyện cậu nhờ người quen tác động với chỉ huy đại đội để xin được làm tiểu đội trưởng cũng là sai đấy. Cậu có biết việc này là biểu hiện của “chạy chức, chạy quyền”, là điều mà Đảng, Nhà nước ta đang kiên quyết đấu tranh, phê phán không? Vấn đề là mình phải tập trung học tập, rèn luyện, công tác cho thật tốt. Nếu xứng đáng thì tổ chức sẽ ghi nhận, phân công, giao nhiệm vụ. Mà làm cán bộ thì càng phải gương mẫu trong tất cả công việc thì mới được đồng đội nể phục, mới chỉ huy được bộ đội. Chúng tôi coi cậu như người em còn nông nổi, vi phạm lần đầu nên chỉ rút kinh nghiệm riêng. Nếu anh em trong đơn vị mà biết thì họ cười cho đấy!

Những lời phân tích, chỉ bảo chân thành của đồng chí Chính trị viên đại đội khiến Hùng vỡ ra nhiều điều, tự nhủ sẽ cố gắng để không mắc sai lầm, khuyết điểm.

ĐẶNG XUÂN KHU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cau-chuyen-ky-luat-bao-nguoi-lam-duoc-chang-le-minh-716502