Câu chuyện từ bài thơ điếu đồng đội

Rượu ba chung, thuốc nửa điếu,

Rượu ba chung, thuốc nửa điếu,

Như thủa nào nhạt muối đói cơm

Như thủa nào ăn trong đạn, ngủ trong bom

Như thủa nào nhường bạn cuốn băng giấu mình

vừa trúng đạn

Như thủa nào xếp đá chôn đồng đội tôi bên suối cạn

Để cuối chặng đời, lòng vẫn ngoảnh lại phía ngày xưa.

Bản chụp bài viết về trận chốt trên đỉnh 322 đăng trên báo Tiền phong tháng 11-1970.

Bản chụp bài viết về trận chốt trên đỉnh 322 đăng trên báo Tiền phong tháng 11-1970.

Trên đây là bài thơ “Điếu đồng đội” tôi “viết” thành lời khấn ngay trong lúc giỗ đồng đội tôi tại khu lăng bia Hồ Khê năm 2009. Bài thơ sau này được một số bạn đồng nghiệp tìm hỏi, ghi chép vào sổ tay và ghi âm đầy đủ, nhưng khi đăng trên báo và phát trên sóng, tất cả đều dẫn sai một từ-đúng hơn là sai dấu trong từ giấu của câu thứ tư. Có lẽ theo tư duy của các bạn, một người lính dẫu (mặc dù) bị thương vẫn nhường băng cho đồng đội, thì từ dẫu sẽ hoàn toàn hợp nghĩa trong câu. Nhưng với tôi, cả bài thơ điếu, là gom góp những hình ảnh những người lính một thời đói cơm, nhạt muối, trong binh lửa, gạt nước mắt đưa bạn mình về đất bằng mọi cách mà người không có trong cuộc khó có thể hình dung. Và chuyện liên quan đến câu thứ tư trong khổ thơ điếu là một trong những chuyện như vậy, về một trận chiến đấu tại cao điểm 322, Tây Bắc Cam Lộ, Quảng Trị vào ngày 19-5-1970…

Hôm đó, sau khi đánh chiếm cao điểm 288, Tổ chốt của tiểu đội chúng tôi theo kế hoạch tác chiến, phát triển sang lập chốt ở đỉnh cao điểm 322. Suốt một ngày chúng tôi quần nhau với hai đại đội lính ngụy tăng cường, lần lượt đánh bật hàng chục lần tấn công của địch có số lượng đông gấp hàng trăm lần. Biết không thể chiếm được chốt, địch đã huy động phi pháo dội bom đạn thẳng vào trận địa chốt của chúng tôi, khiến mọi người trong tổ chốt đều lần lượt bị thương. Thấy tiểu đội trưởng Phan Văn Lệ (quê Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An) bị mảnh pháo vạt hết một phần ngực, tôi lấy miếng bìa hộp các tông, đặt che vết thương hở và lấy băng quấn cho anh. Song biết mình khó qua khỏi, Phan Văn Lệ thều thào:

- Dương ơi, đường nào tôi cũng chết, Dương giữ lấy băng mà băng cho mình. Nghe vậy, tôi vẫn cố dùng băng của mình quấn cho anh Lệ, vừa bảo:

- Anh nhìn nhầm đó, tôi đâu có bị thương mà do máu của anh phun qua thôi. Anh cố chịu đựng, để yên cho tôi băng nhé.

Nghe tôi chối, Phan Văn Lệ cố nhướng mắt nhìn tôi rồi nói đứt quãng:

- Tôi biết Dương giấu tôi, nhưng chắc tôi không sống được đâu, Dương tìm trong túi áo của tôi, còn mấy hào, nhờ Dương nộp cho tôi tháng Đảng phí cuối cùng.

Chỉ vậy, rồi Phan Văn Lệ thở hắt những bọt máu qua miệng rồi nhắm mắt.

Tác giả (trái) cùng CCB Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại vị trí cụm chốt trên đỉnh cao điểm 322 (3-7-2007).

Tác giả (trái) cùng CCB Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại vị trí cụm chốt trên đỉnh cao điểm 322 (3-7-2007).

Vâng, câu chuyện về Liệt Sĩ Phan Văn Lệ, là một trong những hình ảnh sâu nặng tình đồng đội mà tôi đã đưa vào khổ thơ điếu trong ngày giỗ đồng đội tại Hồ Khê (Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị), mà các bạn tôi đã hiểu và sửa theo cách tư duy của họ, dẫu chỉ là đổi dấu sắc thành dấu ngã. Song cũng không thể trách các bạn được khi họ không là người trong cuộc để biết ngữ cảnh lúc đó như câu chuyện kể trên để hiểu rằng: Nếu chỉ đơn giản một người lính dẫu bị thương, vẫn nhường băng cho bạn, cũng đã quý lắm, nhưng đó chỉ là câu chuyện của một người... Nhưng khi dùng từ giấu thì đó lại là câu chuyện của hai người cùng bị thương, nhưng vẫn giấu bạn để nhường băng cho bạn. Và không chỉ là câu chuyện của hai người, ba người… mà rộng hơn, đó là câu chuyện chung của cả một thế hệ cầm súng của những chiến sĩ cách mạng, giữa sống chết trong lửa đạn, vẫn sẵn sàng nhường cho bạn sự sống, nhận cái chết về mình.

Vâng, ngày thiêng tháng Bảy, xin trở lại với câu chuyện của một thời chia bom, sẻ đạn của những người lính cách mạng.

LÊ BÁ DƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_209659_cau-chuyen-tu-bai-tho-dieu-dong-doi.aspx