Câu chuyện tuyển sinh: Tình và lý không thể lẫn lộn

Tuần qua, câu chuyện về thí sinh Ngô Minh Hiếu – cậu học trò 10 năm cõng bạn đến trường dang dở ước nguyện vào Trường Đại học Y Hà Nội vì thiếu 0,25 điểm đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng Trường Đại học Y Hà Nội nên mở rộng cánh cửa, đặc cách cho trường hợp đặc biệt này, để đôi bạn Nguyễn Tất Minh và Ngô Minh Hiếu của Trường THPT Triệu Sơn 5 (Thanh Hóa) viết tiếp câu chuyện cổ tích về tình bạn đẹp.

Mỗi kỳ tuyển sinh, luôn có nhiều trường hợp đặc biệt khác nhau. Chuyện “đòi hỏi” quyền lợi cho thí sinh sẽ không có gì để bàn nếu thí sinh đó không được đảm bảo quyền lợi được ghi đầy đủ, rõ ràng trong quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, một số nơi vì nhiều lý do, đã đẩy câu chuyện của người trong cuộc lên cao, nhằm tạo “sức ép” dư luận, buộc các trường phải phá vỡ quy định để “đặc cách”, “linh động”.

Không nên đánh lẫn quy định và tình thương

Trước câu chuyện của Hiếu và Minh, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ quyết định của Trường Đại học Y Hà Nội và cho rằng sự miệt mài hi sinh đó của đôi bạn là vì mục đích trong sáng. Hơn nữa, bản thân người trong cuộc cũng không muốn mượn cớ đó để đòi sự linh động chỉ vì... “đặc biệt”.

Giữa rất nhiều luồng ý kiến và tranh luận, GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đã từng chia sẻ, quy chế tuyển sinh không cho phép đặc cách trong trường hợp của Ngô Minh Hiếu. Vì vậy, nhà trường phải tuân thủ và không được phép làm trái quy chế. Thực hiện quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính là để đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.

 Thí sinh dự kỳ thi THPT 2020. Ảnh minh họa.

Thí sinh dự kỳ thi THPT 2020. Ảnh minh họa.

Thoạt nhìn 0,25 là con số nhỏ, nhưng đặt trong tương quan điểm thi cao “ngất ngưởng” như năm nay, thì 0,25 điểm cũng đồng nghĩa với cơ hội của hàng trăm thí sinh khác. Do vậy, nếu đặc cách cho trường hợp này, sẽ là không công bằng với các trường hợp khác.

Hơn nữa, ngành y là ngành khá đặc thù, đòi hỏi người học phải là những thí sinh có chất lượng rất cao. Bác sĩ là nắm trong tay sinh mệnh con người, họ chỉ được phép đúng, không được phép sai. Bởi vậy, càng không có chỗ đứng cho sự linh động.

Vẫn biết, người Việt Nam vốn trọng chữ "tình", nên đều thương cảm và mong “một cái kết” có hậu cho một hoàn cảnh như đôi bạn trong câu chuyện này, nhưng giữa tình và lý không thể có sự lẫn lộn, và càng không thể vì thế mà “bẻ cong” quy định. Nếu có chăng chỉ là sự tạo điều kiện trong hoàn cảnh cho phép, như GS GS Tạ Thành Văn nói, trường sẵn sàng đón thí sinh đó nếu sau này em thi đỗ vào hệ đào tạo bác sĩ nội trú.

Câu chuyện đẹp của đôi bạn cõng nhau tới trường đã khép lại khi Hiếu lựa chọn một trường đại học khác bằng chính năng lực của mình để tiếp tục theo đổi ước mơ. Và với một người nhân hậu như Hiếu, thì mọi người đều tin em sẽ trở thành bác sĩ giỏi cho dù theo học ở bất cứ ngôi trường nào.

Ngành đặc thù sẽ có quy định đặc thù

Từ câu chuyện tình và lý, năm nào cũng vậy, các ngành đặc thù như quân đội, công an với rất nhiều quy định tuyển sinh chặt chẽ, đảm bảo tuyển đúng người cho những vị trí đặc thù cũng gặp không ít trường hợp như vậy, khiến cơ quan chủ quản gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết, gây hiểu lầm dư luận về các cơ sở đào tạo.

Kế thừa quy định từ những năm trước, Quy chế tuyển sinh quân sự năm 2020 của Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng được xây dựng chặt chẽ hơn để chọn đúng người, đồng thời cũng mở nhiều hơn để không bỏ sót người tài phục vụ sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Điểm khác biệt lớn nhất của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại các trường Quân đội và đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài Quân đội là thí sinh phải qua sơ tuyển. Trước mỗi mùa tuyển sinh Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng đều thông tin rất cụ thể và minh bạch trên các phương tiện thông tin, cũng như tại nơi sơ tuyển để thí sinh và người nhà hiểu rõ các quy định về lý lịch chính trị, sức khỏe, độ tuổi và trình độ văn hóa. Bởi vậy, không có lý nào chỉ vì một vài lý do nào đó, mà phá vỡ quy định.

Mới đây, thông tin thí sinh Lê Việt Hoàng (Thanh Hóa) đạt 27,4 điểm tổ hợp A00, thừa điểm trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự nhưng vẫn không đỗ, do trong đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển đầu tiên, em đặt nguyện vọng 1 vào Trường Sĩ quan Lục quân 1, đang nhận được sự chú ý của dư luận.

Nếu thoạt nhìn, nhiều người cho rằng cần tạo điều kiện cho thí sinh có hoàn cảnh này, nhưng nếu những người nắm rõ quy định đều sẽ biết rằng bản thân thí sinh đã tự đánh mất cơ hội vì không làm đúng quy chế tuyển sinh. Nếu linh động cho trường hợp này, cũng đồng nghĩa không công bằng cho hàng trăm thí sinh khác.

Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD và ĐT cho biết, với những ngành học đặc thù như quân đội, công an đều có phương án tuyển sinh riêng và quy định cụ thể từ vòng sơ tuyển, chỉ tiêu chia vùng miền, giới tính... không phải thí sinh nào đạt điểm cao cũng có thể đỗ.

Thông tư số 22/2019/TT-BQP ngày 8 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội rất rõ rằng: Sau khi có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với việc điều chỉnh đăng ký xét tuyển vào các trường Quân đội, cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (nguyện vọng 1) theo nhóm trường như sau:

Nhóm 1: Gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

Nhóm 2: Gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không-Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).

Như vậy, thí sinh chỉ có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường trong cùng một nhóm. Lê Việt Hoàng đã làm không đúng các quy định dẫn tới việc chuyển đổi nguyện vọng giữa hai trường không cùng một nhóm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng khẳng định hệ thống máy tính tiếp nhận điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến không sai bởi hệ thống không thể nhận biết thí sinh nào đăng ký vào trường/ngành học nào để khóa. Hơn nữa, trong quá trình tuyển sinh, Bộ GD và ĐT liên tục nhắc nhở các em tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn riêng của mỗi trường trước khi đăng ký nguyện vọng. Bộ không thể can thiệp vào các tiêu chí vì đây là quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Thí sinh nào không nắm vững thì sẽ làm mất cơ hội của mình.

Chúng ta đều biết, hoạt động của bất cứ cơ quan, tổ chức nào cũng phải tuân thủ quy định pháp luật. Giải quyết công việc “thấu tình, đạt lý” là thể hiện kết quả xử lý vừa đảm bảo tính nguyên tắc vừa chứa đựng yếu tố “nhân văn”. Bởi sự vận hành của cả hệ thống chính trị đều nhằm mục đích duy nhất là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân. Mối quan hệ giữa “tình” và “lý” tác động qua lại với nhau, trong đó “lý” là chủ đạo, bởi khi ban hành các văn bản pháp luật, các quy định mang thuộc tính bắt buộc trong hệ thống chính trị, đều đã chứa đựng trong đó cái “tình”, do nó bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh, ai vi phạm thì bị xử lý, ai làm tốt thì được khen thưởng.

Bởi vậy, mỗi thông tin đưa, nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm thí sinh cần đảm bảo “thiết diện, vô tư”, thượng tôn pháp luật để những câu chuyện tương tự không còn xảy ra.

Bài, ảnh: VĨNH KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/cau-chuyen-tuyen-sinh-tinh-va-ly-khong-the-lan-lon-640561